Chuẩn mực đạo đức hành nghề thẩm định giá cần được hoàn thiện

Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam | 19:38 29/10/2021

Doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên luôn luôn phải tâm niệm: Đạo đức hành nghề phải được xem là sự “Sống còn” trong hoạt động của mình.

Chuẩn mực đạo đức hành nghề thẩm định giá cần được hoàn thiện
Nhìn chung, trong quá trình hành nghề trong những năm qua, đại đa số các thẩm định viên, các doanh nghiệp thẩm định giá đều tuân thủ đúng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Thẩm định giá ở nước ta là một ngành nghề ra đời muộn hơn so với nhiều ngành nghề khác trong nền kinh tế. Nó chỉ được hình thành từ sau khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, đi liền với nó là chuyển cơ chế giá do Nhà nước định đoạt áp đặt sang cơ chế giá thị trường.

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội về thẩm định giá tài sản phục vụ các mục đích kinh tế khác nhau như mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, vay vốn, bảo hiểm, tính thuế, đầu tư... Nghề thẩm định giá Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Tính đến năm 2020, Việt Nam đã có 409 Công ty thẩm định giá (dưới các hình thức Công ty Cổ phần chiếm 49,10%, Công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 51,90%), 2352 thẩm định viên về giá (trong đó có: 1723 thẩm định viên đăng ký hành nghề theo quy định của pháp luật); bình quân trong 5 năm gần đây 2016-2020 mỗi năm phát hành khoảng 130.000 Chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của khách hàng có tài sản thẩm định giá.

thoa.jpg
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa

Nhìn chung, trong quá trình hành nghề trong những năm qua, đại đa số các thẩm định viên, các doanh nghiệp thẩm định giá đều tuân thủ đúng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, vì vậy được khách hàng thẩm định giá tín nhiệm, xây dựng được thương hiệu trên thị trường, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.

Kết quả chấm điểm chất lượng thẩm định giá sau kiểm tra của Bộ Tài chính hàng năm đã chứng minh điều đó. Ví dụ: Kết quả chấm điểm xếp hạng doanh nghiệp hoạt động thẩm định giá từ 1/1/2018 đến 31/3/2020 công bố năm 2020 đối với 193 doanh nghiệp thẩm định giá được kiểm tra, đánh giá theo thang điểm 100 như sau:

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên thì việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức hành nghề thẩm định giá của một số ít Công ty và thẩm định viên cũng đã bộc lộ những yếu kém, vi phạm, thậm chí xảy ra những tiêu cực về đạo đức nghề nghiệp đã được các cơ quan thanh tra kiểm tra chỉ rõ, một số vụ việc đã bị cơ quan pháp luật khởi tố hình sự (ví dụ như thẩm định giá các thiết bị y tế chống dịch Covid-19 thời gian gần đây).

Có thể thấy, các vụ việc sai phạm xảy ra không nhiều, không mang tính đại diện cho ngành nghề, cho các thẩm định viên và các doanh nghiệp thẩm định giá. Nhưng đáng tiếc lại là sai phạm mà dư luận xã hội khá bức xúc, những sai phạm đó không chỉ gây thiệt hại đến lợi ích của chính Công ty đến thương hiệu của những Công ty làm ăn tốt và uy tín của ngành nghề mà còn tạo điều kiện cho khách hàng thẩm định giá nào đó có ý đồ vụ lợi có cơ hội tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước...

Nguyên nhân để xảy ra những sai phạm có yếu tố khách quan là: những “mặt trái” của cơ chế thị trường kích thích chủ nghĩa thực dụng, sức ép của cuộc sống mưu sinh, đòi hỏi bất hợp lý của khách hàng, thông tin thị trường thiếu minh bạch, một số nội dung quy định của pháp luật về thẩm định giá còn vướng mắc thậm chí mâu thuẫn chồng chéo, cạnh tranh diễn ra phức tạp...

Nhưng suy cho cùng thì nguyên nhân chủ quan thuộc về doanh nghiệp, thẩm định viên vẫn là yếu tố quyết định, đó là: Sự thiếu gương mẫu, tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá, về các chuẩn mực đạo đức hành nghề; sự thiếu tu dưỡng rèn luyện trước những cám dỗ vật chất trong quá trình hành nghề; trình độ nghiệp vụ chuyên môn, năng lực nhận thức còn bất cập... Công tác giáo dục đạo đức hành nghề của các doanh nghiệp không làm thường xuyên - thậm chí có nơi bị buông lỏng, đạo đức hành nghề chưa được xây dựng, thực hiện trở thành nếp văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng trên cần phải hoàn thiện nhiều giải pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp từ cả 3 phía: Nhà nước, doanh nghiệp và thẩm định viên về giá.

Giải pháp có tính chất tổng thể, bao trùm là phải hoàn thiện môi trường pháp lý về thẩm định giá, trọng tâm là “Hoàn thiện quản lý Nhà nước về thẩm định giá”; trong đó có: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật về thẩm định giá; Hệ thống Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam. Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện về đạo đức hành nghề về năng lực, tiêu chí chất lượng cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho từng loại hình tài sản cụ thể... Giải pháp thường xuyên là tăng cường hơn việc kiểm tra điều kiện hành nghề, chất lượng hoạt động thẩm định giá, việc tuân thủ các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam của các Công ty thẩm định giá...

Đối với doanh nghiệp thẩm định giá cần luôn chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, thường xuyên giáo dục đạo đức hành nghề cho các thẩm định viên bằng các hình thức thích hợp. Xây dựng và ban hành Quy chế, cơ chế kiểm soát thực thi đạo đức hành nghề của doanh nghiệp. Xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý, trọng dụng người giỏi, bố trí sắp xếp công việc hợp lý, đúng người, đúng việc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp...

Đối với thẩm định viên: Phải tự tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng ý thức chấp hành một cách tự giác các quy định của pháp luật về thẩm định giá. Tự giác và tích cực tham gia đầy đủ các chương trình cập nhật kiến thức hàng năm.

Doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên luôn luôn phải tâm niệm: Đạo đức hành nghề phải được xem là sự “Sống còn” trong hoạt động của mình. Nếu không tuân thủ các chuẩn mực đó thì không thể yêu nghề, gắn bó với nghề và sống bằng nghề. Không có đạo đức nghề nghiệp thì doanh nghiệp đó sẽ thất bại, không thể có uy tín, niềm tin và sự hợp tác lâu dài của khách hàng.


(0) Bình luận
Tin liên quan
Chuẩn mực đạo đức hành nghề thẩm định giá cần được hoàn thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO