Nội dung chính:
- Nhiều cổ đông nêu ý kiến về việc Ngân hàng Sacombank nhiều năm liền không chia cổ tức nhưng ban lãnh đạo cho rằng ngân hàng phải hoàn thành đề án tái cơ cấu mới có thể chia cổ tức, muộn nhất là hết năm nay.
- Quý I/2023, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 2.400 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và thực hiện 25% kế hoạch cả năm.
Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2022 với khoảng 1.000 cổ đông tham gia.
Giữa lúc ban lãnh đạo Sacombank đang đọc các báo cáo, tờ trình, một cổ đông bất ngờ đứng lên bức xúc về việc HĐQT kéo dài thời gian Đại hội so với chương trình làm việc theo kế hoạch. Cổ đông này trực tiếp chỉ trích Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh về việc lãnh đạo nhiều năm không chia cổ tức cho cổ đông, trong khi liên tục trích lập các quỹ.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận của Sacombank không đề cập đến việc chia cổ tức. Lần gần nhất Sacombank chia cổ tức là năm 2015 với tỉ lệ 20% bằng cổ phiếu.
Một số cổ đông lớn tuổi cũng phàn nàn về việc Ngân hàng Sacombank liên tục không chia cổ tức trong 7-8 năm gần đây và đề nghị ngân hàng trình phương án chia cổ tức.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank cho biết ngân hàng cần phải hoàn thành đề án tái cơ cấu sau những sai phạm của ông Trầm Bê, muộn nhất là năm 2023, sau đó mới tiến hành chia cổ tức.
Hiện nay, Sacombank cơ bản xử lý xong các khoản nợ xấu, chỉ còn lại phần cổ phiếu của ông Trầm Bê đã được ngân hàng trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép mua lại và bán đấu giá.
“Tôi là cổ đông lớn, bản thân tôi cũng góp vốn ở đây, tôi cũng muốn được chia cổ tức chứ không phải ngâm mãi ở đây” - ông Minh cho biết. “Nếu quý vị bức xúc như thế nào thì tôi ngồi trên đây cũng bức xúc như thế”
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Sacombank, phần lợi nhuận giữ lại chỉ có thể chia cổ tức cho cổ đông khi NHNN cho phép. Việc trích lập các quỹ, điển hình như quỹ phúc lợi, khen thưởng tổng cộng hơn 550 tỷ đồng chỉ là một khoản nhỏ so với số lượng 18.000 nhân viên đang làm việc tại Sacombank.
Trước hàng loạt câu hỏi xoay quanh vấn đề chia cổ tức, ban lãnh đạo Sacombank cho biết ngân hàng đã nhiều năm đề xuất với NHNN nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để chia cổ tức. “Khi được cho chia là chia hết luôn, chứ không giữ làm gì cả. Chúng tôi sẽ phấn đấu trong năm nay để đủ điều kiện, sang năm chúng ta chia” - ông Minh chia sẻ.
Lợi nhuận quý I/2023 tăng 50%
Ban lãnh đạo Sacombank chia sẻ lợi nhuận trước thuế quý I/2023 đạt 2.383 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và thực hiện 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tăng trưởng tín dụng đạt hơn 2% trong quý đầu năm.
Năm 2023, Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 50% so với năm trước, đạt 9.500 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kết quả kinh doanh 2022 và kế hoạch kinh doanh 2023 của Sacombank.
Tổng Giám đốc Sacombank cho biết ngân hàng cần trích thêm 8.000 tỷ đồng dự phòng trái phiếu VAMC để đủ điều kiện chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hết quý I/2023, Sacombank đã trích lập khoảng 2.213 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Sacombank nhận định sau khi trích lập dự phòng toàn bộ trái phiếu VAMC, nhà băng này có thể vượt các ngân hàng cùng quy mô như ACB, Techcombank,... vào năm sau. “Nội lực [của Sacombank] trong tương lai rất mạnh” - bà Nguyễn Đức Thạch Diễm khẳng định.
“Chúng ta không thua bất cứ ngân hàng nào sau khi trích lập dự phòng xong về trái phiếu VAMC” - Chủ tịch Sacombank nói thêm.
Về vấn đề nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của Sacombank tăng gần 4 lần trong năm 2022, từ 1.476 tỷ đồng lên 5.481 tỷ đồng. Theo bà Diễm, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều gặp khó khăn trong năm qua, ảnh hưởng đến dư nợ nhóm 2 của ngân hàng. Bản chất những khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo đầy đủ, vượt mức cho vay.
Bà Diễm cho biết: “Bình quân nợ nhóm 2 của toàn ngành ngân hàng đều tăng chứ không phải chất lượng cho vay của Sacombank giảm”. Cuối quý I, dư nợ nhóm 2 của Sacombank đã giảm 1.235 tỷ đồng so với cuối năm trước, về còn hơn 4.200 tỷ đồng.
Giữa tháng 2/2023, thị trường đổ dồn sự chú ý vào vụ việc bất nhất tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB giữa Sacombank và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Tại Đại hội, lãnh đạo ngân hàng khẳng định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank hiện ở mức 30%.