Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan nắm 20,26% vốn VIB

Lê Sáng | 21:19 07/08/2024

Theo công bố, 18 cổ đông đang nắm hơn 70% vốn Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), trong đó, Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan nắm hơn 20,26%.

Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan nắm 20,26% vốn VIB
Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan nắm 20,26% vốn VIB

Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa công khai danh sách cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ, theo yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi hiệu lực từ 1/7.

Trong nhóm nắm trên 5% vốn, Commonwealth Bank (CBA) là cổ đông lớn nhất với hơn 503 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 19,84%.

17 cổ đông còn lại bao gồm 13 cá nhân và 4 doanh nghiệp trong nước, sở hữu tổng cộng 53% vốn điều lệ VIB.

Trong đó, ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch VIB cùng người có liên quan nắm tổng cộng hơn 20% vốn ngân hàng.

Ông Vỹ nắm 4,96% vốn, vợ ông là bà Trần Thị Thảo Hiền sở hữu 4,93%. Hai doanh nghiệp khác có liên quan trực tiếp, do ông Vỹ nắm cổ phần chi phối là Công ty cổ phần Beston sở hữu 4,68%, Công ty Funderra nắm 4,68% vốn ngân hàng...

Ngoài ông Vỹ, một cá nhân khác cũng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu VIB là ông Đỗ Xuân Hoàng, Thành viên Hội đồng quản trị nhà băng. Cá nhân ông Hoàng sở hữu 4,95% vốn VIB. Còn nếu tính thêm cả người có liên quan, tỷ lệ sở hữu của ông và người thân tại VIB hơn 9%.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Uniben - đơn vị sở hữu thương hiệu mì gói 3 miền, Reera nắm 2,62% vốn nhà băng. Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) cũng đang nắm gần 2% vốn ngân hàng.

Trước đây, các ngân hàng chỉ công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, ngân hàng cũng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước.

Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Nửa đầu năm 2024, nợ có khả năng mất vốn của VIB tăng 91,3%

Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, VIB ghi nhận 3.684,1 tỷ đồng lãi ròng nhưng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) cũng tăng mạnh 91,3%, từ 2.198,1 tỷ đồng lên 4.205,5 tỷ đồng.

vib-no-xau.jpg
Nguồn: BCTC quý 2/2024 của VIB

Theo đó, trong quý 2/2024, VIB ghi nhận 3.233 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng), giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 31,3% đã kéo tổng lợi nhuận trước thuế quý 2/2024 của VIB giảm đến 28,6% so với cùng kỳ năm 2023 (2.948 tỷ đồng) về mức 2.103,1 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, VIB ghi nhận 3.684,1 tỷ đồng lãi ròng, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân của việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao có thể đến từ việc nợ xấu, đặc biệt là nợ có nguy cơ mất vốn (nợ nhóm 5). Theo đó, tại thời điểm 30/6/2024, VIB ghi nhận 4.205,5 tỷ đồng nợ nhóm 5, tăng 91,3% so với thời điểm kết thúc năm 2023 (tại ngày 31/12/2023, VIB ghi nhận 2.198,1 tỷ đồng nợ nhóm 5).

Kết thúc quý 2/2024, nợ nhóm 1 của VIB ghi nhận ở mức 397.179,5 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Điểm sáng của VIB là nợ cần chú ý (nhóm 2) tại ngày 30/6/2024 ở mức 12.433,6 tỷ đồng, giảm 16,1% so với đầu năm.

Về những nét tích cực, lũy kế đến hết quý 2/2024, VIB đã huy động vốn và dư nợ tăng ở mức 5%, tương đương mức trung bình ngành. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.600 tỷ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) đạt mức 21%, ở nhóm đầu ngành. Ngân hàng đã hoàn tất chi trả 12,5% cổ tức bằng tiền mặt và dự kiến hoàn thành chi trả 17% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu cùng với hơn 11 triệu cổ phiếu thưởng ESOP cho cán bộ nhân viên trong quý 3/2024.

Tính đến 30/6 tổng tài sản VIB đạt hơn 431.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 5%, cao hơn so với trung bình ngành ngân hàng 1,5%. Dư nợ tín dụng tính đến hết quý 2 đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, tăng trưởng cả ở 4 mảng phân khúc trọng tâm là bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, SME và định chế tài chính.

Mới đây, VIB cũng vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 23/8/2024.

Theo đó, VIB sẽ phát hành thêm gần 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 17% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 17 cổ phiếu mới). Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.312,6 tỷ đồng, nguồn phát hành là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại tính đến cuối năm 2023. Sau đợt phát hành trên, vốn điều lệ của VIB dự kiến sẽ tăng thêm gần 4.313 tỷ đồng.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của VIB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%.


(0) Bình luận
Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan nắm 20,26% vốn VIB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO