Tại Diễn đàn, chia sẻ về hành trình FPT ra thế giới, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT cho biết: "Ngày xưa khi Acsimet nói rằng, nếu cho tôi một điểm tựa tôi có thể bẩy cả thế giới. Tôi nghĩ Nghị Quyết 57 là điểm tựa của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng, phồn vinh. Đây là khát vọng của cả dân tộc. Chúng tôi đi theo khát vọng này từ ngày đầu".
Vào ngày 3/9/1988, ngày đầu tiên thành lập công ty, tầm nhìn của FPT được viết rằng: FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh, bằng nỗ lực trong khoa học kỹ thuật, góp phần hưng thịnh quốc gia.
Vào thời gian đó, Việt Nam còn bị cấm vận. Các kỹ sư của FPT đã đi mua sách ở sân bay Hồng Kông (Trung Quốc) đem về đọc và tự học để viết hệ thống đặt chỗ giữ vé đầu tiên cho Vietnam Airlines.
Không chỉ vậy, những kỹ sư của FPT cũng tự viết chương trình lõi cho ngành ngân hàng. Ông Bình nhớ lại, lần đầu tiên FPT bán được sản phẩm là bán cho cho một ngân hàng ở Đài Loan (Trung Quốc). Hầu hết ngân hàng ngày đó đã dùng các sản phẩm do Việt Nam phát triển.
Sau 10 năm, FPT quyết định tiến ra nước ngoài. Ông Bình chia sẻ, thấy Ấn Độ thành công, FPT mở tại Bangalore (Ấn Độ) nhưng không có một hợp đồng nào được ký kết. Đến thung lũng Silicon (Mỹ) và mở văn phòng nhưng cũng không có một hợp đồng nào.
"Vào lúc tiền đã hết, rất nhiều người thất vọng, nhưng chúng tôi nghĩ rằng ý chí mở rộng bờ cõi trí tuệ của đất nước là không thể tắt được. Rất may, có ánh sáng cuối đường hầm khi ông Ishida - tập đoàn Sumitomo đã đem FPT sang giới thiệu cho các tập đoàn hàng đầu ở Nhật Bản", ông Bình kể lại.
Ở đây, vị lãnh đạo FPT đã phát hiện ra một điều rất quan trọng, có ý nghĩa đến tận ngày hôm nay, đó là không một quốc gia nào có các kỹ sư CNTT sẵn sàng học tiếng bản địa. Họ chủ yếu nói tiếng Anh.
"Chúng tôi rất may mắn được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép một công ty thành lập trường đại học để dạy các kỹ sư CNTT về tiếng Nhật. Ngày hôm nay, đấy là sức mạnh của Việt Nam tại Nhật Bản", ông Bình cho hay.
Vị Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, hầu hết công ty làm phần mềm nước ngoài tại Nhật Bản là các công ty Việt Nam và hiện đã có một hiệp hội phần mềm của Việt Nam tại Nhật Bản.
Không dừng ở tiếng Nhật, FPT mở sang tiếng Hàn. Tăng trưởng phần mềm tại thị trường Hàn Quốc có những năm lên đến 85%. Sau đó, công ty mở thêm tiếng Trung để tiếp cận thêm các công ty Đài Loan vì ngành bán dẫn người ta nói tiếng Trung. Rồi chúng tôi học tiếng Đức, Pháp và các tiếng khác.
"Đấy là điều đặc biệt của Việt Nam", ông Bình nhận định.
Gần đây còn 2 điều kiện nữa để đảm bảo ngành phần mềm Việt Nam ở nước ngoài liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đấy là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.Theo ông Bình, các tập đoàn đi trước chúng ta, họ giữ doanh số hàng chục tỷ USD về các ngành truyền thống nên đội ngũ của họ hầu hết tập trung vẫn là công nghệ thông tin.
Trong khi đó, Việt Nam dễ dàng chuyển sang lĩnh vực chưa to, chưa nhiều chục tỷ USD, nhưng tăng trưởng rất nhanh, đó là chuyển đổi số. Điều này tạo điều kiện để chúng ta đạt doanh số 11 tỷ USD ngày hôm nay.
Tiếp theo nữa là một biến cố rất đặc biệt, đem lại tăng trưởng trong nhiều năm tới. Đấy chính là mâu thuẫn địa chính trị.
"Khi các cường quốc rút ra khỏi Trung Quốc, họ chuyển giao công việc ấy cho Việt Nam. Thậm chí họ còn chuyển giao đội ngũ đã dày công xây dựng nhiều năm cho Việt Nam. Bằng cách đó, chúng tôi rút ngắn con đường tích lũy các kiến thức, bí kíp về ngành, công nghệ", ông Bình nói.
Bây giờ khi Việt Nam đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về CNTT, ông Bình cho rằng chúng ta cần phải thay đổi và Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến.
"Với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, FPT đưa ra 8 chương trình hành động và cam kết 3 điều", vị lãnh đạo FPT nhấn mạnh.
Đầu tiên là tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
"Chúng tôi nói về bán dẫn vì tương lai sẽ là các chip bán dẫn có AI. Chúng ta sẽ làm những mô hình AI rất bé có thể để lên con chip. Chúng ta sẽ có hàng vạn, hàng triệu con chip khác nhau. Đấy là ngành công nghiệp không thể tưởng tượng được cho đất nước.
Chúng tôi tập trung làm về ô tô vì ô tô đang chuyển từ cơ khí sang phần mềm, giống như chiếc điện thoại có bánh xe. Chúng tôi đang triển khai với các tập đoàn ô tô từ Mỹ như Ford, ở châu Âu như Volvo, ở Nhật như Toyota.
Chúng tôi tham gia vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi AI cho các ngành, các địa phương và cho giáo dục, y tế. Tôi tin rằng với Nghị quyết 57, cộng đồng CNTT Việt Nam sẽ tham gia rất tích cực và sẽ đạt thành tích lớn trong thời gian tới", ông Bình chia sẻ.
Cam kết thứ hai là đầu tư về nhân lực. FPT hiện có 12.000 kỹ sư làm về AI. Trong thời gian ngắn FPT đã có 1 vạn chứng chỉ của NVIDIA. Bên cạnh đó, xây dựng 2 nhà máy, 1 ở Việt Nam, 1 ở Nhật Bản.
"Chúng tôi cam kết đến năm 2030 sẽ đào tạo 1 vạn kỹ sư bán dẫn, 5 vạn kỹ sư AI, đồng thời tham gia đào tạo chuyển đổi nửa triệu kỹ sư CNTT sang lĩnh vực AI", ông Bình nhấn mạnh.
Cuối cùng chúng tôi đầu tư vào hạ tầng. Theo ông Bình, FPT hiện đã có 2 nhà máy và sẽ tiếp tục xây để trong 5 năm tới, vào năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia cung ứng hạ tầng về tính toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong khu vực.
Cũng tại diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ VI, lãnh đạo Tập đoàn FPT đã tiên phong nhận nhiệm vụ tiến vào kỷ nguyên mới. Bày tỏ sự háo hức với các chương trình của Nghị quyết 57, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã cam kết đưa doanh nghiệp trở thành tập đoàn công nghệ số tầm cỡ toàn cầu, đạt 5 tỷ USD doanh thu từ nước ngoài vào năm 2030.
"Bên cạnh đó, hiện chúng tôi đang có 1.500 sinh viên học về bán dẫn. Chúng tôi sẽ đào tạo ra 10.000 kỹ sư bán dẫn, cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư AI và cung cấp kỹ năng, kiến thức về AI cho nửa triệu nhân lực vào năm 2030", ông Bình nhấn mạnh.