Ngày 25/4/2023, Xây dựng Coteccons (CTD) đã tổ chức họp ĐHCĐ năm 2023, thông qua kế hoạch doanh thu tăng 12% lên 16.429 tỷ đồng và lợi nhuận kế hoạch tăng cao gấp 10 lần lên 233 tỷ đồng. Được biết, mức tăng mạnh so với 2022 chủ yếu do nền so sánh thấp, khi năm qua Công ty thực hiện trích lập và kéo lãi về mức thấp nhất từ trước đến nay.
Theo đánh giá của HĐQT, CTD đã hoàn tất cảnh báo cho toàn hệ thống về những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường, 16 dự án có tổng giá trị nợ rất lớn đến từ mô hình tổ chức, quản lý cũ để lại đã từng bước được xử lý. Do đó giá trị các khoản trích lập dự phòng của năm 2023 sẽ giảm.
Mặt khác, cơ sở cho kế hoạch năm nay còn đến từ giá trị back-log để lại cho 2023 là 17.000 tỷ, chưa bao gồm Nhà máy sản xuất LEGO và kỳ vọng trúng thầu các dự án Đầu tư công như siêu dự án sân bay Long Thành.
Năm 2022, doanh thu CTD đạt 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với 2021. CTD cũng vừa lấy lại vị thế nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam về doanh thu từ tay Hòa Bình sau một năm mất ngôi.
Công ty vừa công bố BCTC quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 3.130 tỷ đồng, tăng gần 64% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, CTD báo lãi sau thuế đạt 22 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Đại hội, CTD cũng thông qua quyết định thay đổi năm tài chính. Tương ứng, năm tài chính 2023 của CTD chỉ kéo dài 6 tháng đến hết 30/6/2023.
Lên kế hoạch cho 6 tháng 2023 (năm tài chính mới), CTD dự kiến doanh thu 7.644 tỷ - tăng 144% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2022), lợi nhuận sau thuế 44 tỷ - tăng 880% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối năm qua, CTD đang vay khoảng 800 tỷ nợ vay ngắn hạn và 500 tỷ trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 9,5%.
Tăng vốn cho Unicons, nới room ngoại CTD lên 100%
Đáng chú ý, CTD dự kiến trình cổ phiếu việc kêu gọi vốn đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons. Theo CTD, điều này đến từ “sức ép” chỉ còn 2 năm để thực hiện mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD và vốn hóa 1 tỷ USD (đến năm 2025) được ban lãnh đạo mới CTD tuyên bố tại ĐHĐCĐ đầu tiên đã đổi chủ. Do đó, CTD nhấn mạnh một chiến lược để mở rộng quy mô doanh thu là rất cần thiết.
Với CTD, Công ty cũng dự kiến thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.
Trong tâm thư gửi cổ đông Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov đánh giá năm 2023 là CTD cần đánh giá lại chiến lược dài hạn để điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế. Nhưng chiến lược dài hạn cũng luôn cần được đánh giá lại và điều chỉnh phù hợp bởi điều kiện thị trường luôn biến động.
Năm 2023, Công ty tiếp tục thực hiện chủ trương kết hợp tối ưu cả định hướng đầu tư dài hạn và ngắn hạn trên nguồn lực hiện có. Đối với định hướng đầu tư dài hạn, Công ty sẽ tiến hành M&A theo hướng đa dạng hóa mở rộng sang các lĩnh vực lân cận trong hệ sinh thái xây dựng, bất động sản. Trong ngắn hạn, CTD chủ trương cung cấp vốn lưu động cho các sản phẩm Finance & Build, đầu tư vào các sản phẩm tài chính để tối ưu dòng tiền nhàn rỗi.
Thảo luận tại Đại hội
1. Năm 2017, CTD sắp đạt vốn hóa 1 tỷ USD và có kế hoạch ESOP cho cổ đông nhưng ông Bolat và đồng sự ở Kusto đã ngăn cản, muốn giảm lượng cổ phiếu ESOP. Đến nay, vì sao ông Bolat lại thay đổi suy nghĩ thực hiện ESOP và đặt kế hoạch vốn hóa 1 tỷ USD?
Ông Bolat Duisenov: Tôi đang dùng nỗ lực để xây dựng sự minh bạch cho Công ty. Tôi không phải chủ tịch ủy ban nhân sự, tôi không quyết định ai sẽ nhận, ai sẽ nhận bao nhiêu và thiên vị nhân sự nào. Chúng tôi có hệ thống và quá trình để ra quyết định.
6 năm trước, thách thức không phải là làm ESOP bao nhiêu mà là quy trình thực hiện. Nếu làm ESOP chuẩn thì kết quả sẽ rất tích cực nhưng phải tôn trọng quy trình làm. Nếu quy trình làm không đúng theo thông lệ thì không nên làm. Và việc đó phải minh bạch.
2. Cập nhật tình hình đấu thầu sân bay Long Thành và tiến độ nhà máy Lego?
Ông Võ Hoàng Lâm: Đối với dự án Lego, công tác thi công đang được tiến hành. Dự kiến tới năm 2024 dự án sẽ đưa vào hoạt động. Sân bay Long Thành là một thử thách rất lý thú vượt mọi giới hạn, có những quy định không cho phép chia sẻ thông tin.
Đây là một dự án hạ tầng rất lớn, nếu CTD được tham gia thì sẽ là một con đường rất dài cho tương lai.
3. Năm 2022 có thời điểm cổ phiếu rơi về đáy kỷ lục, tại sao không thấy thông tin trấn an của Công ty?
Ông Bolat Duisenov: Cổ phiếu rớt theo thị trường chung. Thời điểm đó chúng tôi đã có hành động trấn an thông qua các bản tin, các buổi đối thoại. Chúng tôi không thể nhắn tin tới từng cổ đông một vì có rất nhiều việc phải làm. Lần tới nếu cổ phiếu xuống giá thì cổ đông nên mua thêm chứ đừng bán.
4. Vì sao CTD mang tiền đi đầu tư chứng khoán trong khi đang đối đầu các khoản nợ?
Năm 2022, chúng tôi cố gắng tích luỹ khoản tiền mặt dồi dào. Có tiền mặt thì có dùng để đầu tư nhiều thứ, không ai để tiền nằm yên một chỗ. CTD tin tưởng vào các nền tảng cốt lõi. Do đó, các khoản đầu tư đều được xem xét ra kỹ.
5. Tại sao biên lãi gộp quý 1/2023 lại thấp như vậy?
Ông Võ Hoàng Lâm: Không chỉ biên lãi gộp mà còn cả doanh thu quý 1 cũng thấp. Doanh thu và lợi nhuận quý 1 đang đúng theo kế hoạch đã dự báo. Trong các quý còn lại sẽ tốt hơn.
6. Lộ trình cụ thể đạt vốn hóa 1 tỷ USD?
Ông Bolat Duisenov: Nói đến câu chuyện vốn hóa 1 tỷ USD, chúng ta có kế hoạch tài chính cụ thể không, có chi tiết khách hàng, chi tiết dự án, biên lợi nhuận cho 3 – 5 năm tới không? Chúng tôi chưa có vì môi trường kinh doanh hiện tại quá bất định. Cái chúng ta có là củng cố nền tảng về con người, hệ thống, sự minh bạch.
7. Thu nhập của kỹ sư CTD bị giảm 20%, có kế hoạch nào để đảm bảo thu nhập cho người lao động?
Ông Bolat Duisenov: Điều này là có thật. Nhìn chung là thu nhập của chúng tôi, kể cả tôi cũng bị giảm. Điều này phản ánh tình trạng chung của thị trường hiện tại. Nhiều người không chỉ giảm lương mà còn mất việc làm. Chúng tôi may mắn là vẫn còn backlog, vẫn còn việc để làm.
Công ty nhắm tới lợi nhuận và từ đó cải thiện thu nhập của người lao động. Cách nhìn rằng chúng tôi có ý giảm lương cho người lao động vì lợi ích của Công ty là không đúng.