Chủ tịch Trần Hùng Huy bắt đầu bài phát biểu bằng việc nhắc đến tình hình kinh tế thế giới trong năm 2022 với môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh được tổng kết với 3 yếu tố: bất ổn, bất trắc và bất định.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam lại phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. GDP tăng 8,02% so với năm trước, có mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Chính sách tiền tệ nói chung được điều hành cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.
Trong bối cảnh chung đó, ACB đã thực hiện thành công các mục tiêu về tăng trưởng tổng tài sản, duy trì kết quả kinh doanh ở mức cao. Các chỉ số ACB đạt được tính đến cuối năm 2022, theo Chủ tịch Trần Hùng Huy, rất đáng ghi nhận:
- Tổng tài sản hợp nhất: 608 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2%;
- Tiền gửi khách hàng: 414 nghìn tỷ đồng, tăng 8,96% cao hơn mức tăng 7,98% của ngành;
- Dư nợ cho vay khách hàng: 414 nghìn tỷ đồng, tăng 14,31%, xấp xỉ mức tăng 14,17% của ngành;
- Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%;
- Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thuộc TOP những ngân hàng dẫn đầu, đạt 159% vào cuối năm 2022;
- Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất: 17.114 tỷ đồng, tăng 43%.
- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản: 2,41%;
- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 26,49%.
Bước sang năm 2023, vị Chủ tịch ACB nhận định, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có cơ hội và thách thức đan xen, nhưng thách thức sẽ nhiều hơn.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự báo, HĐQT ACB trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu tài chính, cụ thể:
- Tổng tài sản tăng 10%;
- Huy động khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) tăng 8,1%;
- Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,7% (phù hợp với hạn mức tín dụng được NHNN cấp cho ACB);
- Tổng lợi nhuận trước thuế tăng 17,2%.
Trong các định hướng hoạt động mà HĐQT ACB đưa ra, bao gồm tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng gia tăng tỷ trọng thu nhập từ phí; đẩy mạnh thị phần huy động và cho vay, tăng trưởng số lượng khách hàng mới; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; mở rộng việc số hóa quy trình; hệ thống hóa chương trình hành động về ESG... nội dung về ESG được đặc biệt nhấn mạnh.
HĐQT khẳng định, chương trình ESG, nhất là yếu tố E (môi trường), sẽ là một nội dung quan trọng trong chiến lược kinh doanh của ACB.
Cuối cùng, kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Trần Hùng Huy chia sẻ:
"Ở báo cáo thường niên năm 2018, tôi có dẫn câu "có ý chí thì có con đường" nhưng trên con đường đi đến đích, thì tôi thường tâm niệm 'chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo'. Ý chí đó có vững mạnh mới vượt được khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ".