Chủ tài khoản ngân hàng sẽ không thể thanh toán hóa đơn điện, nước,...nếu chưa thực hiện 2 điều sau trong 1 tuần nữa

Linh San | 09:09 24/12/2024

Sau khoảng 1 tuần nữa, nếu chủ tài khoản chưa cập nhật thông tin sinh trắc học, thì sẽ không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến (rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền…).

Chủ tài khoản ngân hàng sẽ không thể thanh toán hóa đơn điện, nước,...nếu chưa thực hiện 2 điều sau trong 1 tuần nữa

Theo quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17); và Thông tư 18/2024/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 18), từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến (rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền…) và giao dịch chuyển/rút tiền tại ATM nếu: Chưa hoàn thành đối chiếu giấy khai báo và thông tin sinh trắc học đúng đắn; Chưa cập nhật, tiện ích bổ sung thông tin mới thay thế cho giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu, thị thực) đã hết hiệu lực.

Như vậy, chỉ còn khoảng 1 tuần ngày nữa là các quy định trên có hiệu lực. Chủ tài khoản ngân hàng nên khẩn trương thực hiện xác thực sinh trắc học để tránh bị gián đoạn các giao dịch trực tuyến trong thời điểm đầu năm Tết Dương lịch 2025 và cuối năm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Trước đó, từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định việc xác thực sinh trắc học lần đầu là bắt buộc nếu khách hàng muốn chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng một lần trở lên hoặc 20 triệu đồng trong ngày.

Các quy định về xác thực sinh trắc học lần này được Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng lừa đảo trực tuyến. Theo các chuyên gia, công nghệ sinh trắc học là cách thức nhận diện và xác minh cá nhân thông qua các đặc điểm sinh học như dấu vân tay, mẫu mống mắt, giọng nói, hình ảnh khuôn mặt... Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất hiện nay. Việc chuyển khoản tiền bằng xác thực sinh trắc học là an toàn và hiệu quả. Bởi lẽ, với không ít người tiêu dùng thường xuyên quên mật khẩu của mình thì việc xác thực sinh trắc học trong chuyển tiền, thanh toán lại có nhiều ưu điểm và an toàn hơn.

Xác thực sinh trắc học cũng cung cấp một lớp bảo mật bổ sung cho thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc, nhờ đó có thể giúp loại bỏ hoàn toàn những hạn chế của phương thức thanh toán hiện tại, bao gồm việc phải ghi nhớ mã pin và tương tác vật lí với các mã pin. Biện pháp này sẽ vô hiệu hóa nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua.

Giải pháp xác thực sinh trắc học giúp tăng khả năng bảo mật và an toàn cao hơn, nhất là khi sử dụng chìa khóa không tiếp xúc. Xác thực sinh trắc học được coi là công nghệ duy nhất tương thích với hình thức xác định danh tính. Do đó, việc bổ sung cảm biến vân tay có thể tăng độ bảo mật cho chìa khóa không tiếp xúc, mà không ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân, nhiều lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, các ngân hàng đã, đang và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hỗ trợ người dân kịp thời cập nhật sinh trắc học nhanh chóng, đảm bảo không bị gián đoạn các giao dịch.

Cụ thể, các ngân hàng đã kéo dài giờ làm việc trong tuần, làm thêm cả thứ Bảy và Chủ Nhật. Đồng thời, các ngân hàng cũng tăng cường giải pháp hỗ trợ xác thực tối ưu và thuận tiện nhất cho khách hàng như: xác thực tại quầy; xác thực trên các nền tảng số; yêu cầu nhân viên hỗ trợ tại màn hình hiển thị thông báo; thành lập đội hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng cài đặt sinh trắc học khuôn mặt 24/7; tăng cường đội ngũ tổng đài thông qua hotline miễn phí; thành lập nhóm phản ứng nhanh, cung cấp đầu mối tiếp nhận thông tin liên tục…

Theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, người dân chỉ mất khoảng 3-5 phút để hoàn tất việc xác thực sinh trắc học.

Với sự chuẩn bị toàn diện đó, dù số lượng khách đến đối chiếu giấy tờ tùy thân, xác thực thông tin sinh trắc học tại các điểm giao dịch của ngân hàng trong những ngày qua đã tăng lên đáng kể nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn không xuất hiện tình trạng quá tải.

Theo thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13/12 đã có 66,6 triệu khách hàng cá nhân của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán được đối chiếu sinh trắc học.

Ông Chu Lâm Thái, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin SHB cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học đạt khoảng 90% so với tổng số khách hàng cần thực hiện giao dịch. SHB đặt mục tiêu đến trước ngày 1/1/2025, tất cả các khách hàng trên kênh online đều được cập nhật sinh trắc học để không ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng.

Nhằm đảm bảo các giao dịch thanh toán trực tuyến của người dân được thông suốt kể từ ngày 1/1/2025, tại cuộc họp được tổ chức ngày 20/12 với các tổ chức hội viên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu các tổ chức hội viên quán triệt và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung theo quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 18, nhằm bảo đảm tài khoản được sử dụng bởi chính chủ, góp phần giảm thiểu gian lận tài chính và bảo vệ khách hàng trước các hành vi lừa đảo.

Cùng với đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng khuyến cáo người dân lưu ý cập nhật sinh trắc học và các giấy tờ tùy thân hợp lệ trong năm 2024 để tránh việc gián đoạn các giao dịch do bị hạn chế hoặc tạm dừng một số dịch vụ ngân hàng, bao gồm cả giao dịch trực tuyến và sử dụng máy ATM/CDM.


(0) Bình luận
Chủ tài khoản ngân hàng sẽ không thể thanh toán hóa đơn điện, nước,...nếu chưa thực hiện 2 điều sau trong 1 tuần nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO