Chọn cổ phiếu 2023: Nửa đầu năm "phòng thủ", nửa cuối năm dồn dập "tấn công" bắt đầu chu kỳ mới

Hạ Anh | 19:02 01/01/2023

Theo ông Bùi Văn Huy, thời điểm nền kinh tế bước vào pha phục hồi, sự luân chuyển nhóm ngành từ phòng thủ sang tấn công là cần thiết.

Chọn cổ phiếu 2023: Nửa đầu năm "phòng thủ", nửa cuối năm dồn dập "tấn công" bắt đầu chu kỳ mới

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC nhận định, năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều gam màu xám của kinh tế toàn cầu.

Dù những khó khăn vĩ mô vẫn còn ở phía trước, song chuyên gia cho rằng tâm thế của thị trường đã rất khác vì chúng ta đã  hiểu những khó khăn và sẵn sàng đương đầu với nó. 

Bức tranh kinh tế 2023 sẽ có nhiều gam màu tối

Theo ông Bùi Văn Huy, bức tranh nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có lẽ vẫn sẽ mang nhiều màu sắc ảm đạm. Báo cáo chiến lược của các tổ chức lớn trên thế giới như JP Morgan, Goldman Sachs, Credit Suisse, Morgan Stanley, Fidelity… đều có quan điểm tương tự nhau, đó là sự thận trọng về nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Những chủ đề then chốt về bối cảnh toàn cầu trong năm 2023 đó là động thái chính sách liệu có còn thắt chặt của các Ngân hàng Trung ương, động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc, rủi ro chính trị tiềm tàng giữa các quốc gia và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu.

Trích dẫn báo cáo của Fidelity, xác suất nền kinh tế toàn cầu sẽ hạ cánh cứng hoặc suy thoái trong năm 2023 lên đến 80%. Trong đó, kịch bản suy thoái chu kỳ (suy thoái nhẹ) được đánh giá cao nhất. Ngược lại, xác suất cho việc hạ cánh mềm của nền kinh tế thế giới đến hiện tại vẫn được đánh giá khá thấp.

Về bối cảnh trong nước, ông Huy đánh giá nền kinh tế Việt Nam ngày càng cho thấy độ mở lớn và chắc chắn không nằm ngoài tâm bão toàn cầu. Những dấu hiệu đầu tiên thể hiện qua PMI tháng 11 vừa qua lần đầu tiên dưới ngưỡng 50 kể từ sau đại dịch.

Báo cáo PMI nêu rõ, các điều kiện kinh tế thế giới xấu đi đã khiến ngành sản xuất Việt Nam suy giảm trong tháng 11. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đã giảm trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh cũng giảm mạnh. Cũng như nhiều nền kinh tế khác, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự ngay từ năm 2022.

Thực tế, nếu xét trên góc nhìn chu kỳ kinh tế, nền kinh tế Việt Nam thường trễ pha so với các nền kinh tế lớn. Mức độ trễ pha càng rõ ràng hơn khi chúng ta là một trong những quốc gia khống chế đại dịch sau khi các quốc gia khác đã mở cửa nền kinh tế trở lại. Do đó, cũng cần phải khẳng định, nền kinh tế toàn cầu còn tiếp tục suy yếu trong năm 2023 và khi các quốc gia đã đi qua đáy, những khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam mới bộc lộ.

Nhiều khả năng sẽ có một thời điểm nào đó trong năm 2023, những doanh nghiệp yếu sẽ khó trụ trong điều kiện kinh doanh hiện tại và có một bộ phận doanh nghiệp sẽ phải rời bỏ thị trường. Đáy của nền kinh tế khả năng có thể chỉ xuất hiện ở nửa sau năm 2023.

Dù vậy, chuyên gia cho rằng chu kỳ kinh tế hiện tại đang được rút ngắn đáng kể, đặc biệt là với những cú sốc tạm thời do đại dịch Covid gây ra. Ngân hàng Trung ương sẽ có sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ để đưa ra các giải pháp kịp thời cho nền kinh tế ở mỗi thời điểm. Và những sự thay đổi liên tục đó khiến chúng ta có quyền kỳ vọng, 2023 sẽ là năm thể hiện sự đảo chiều trong chính sách tiếp theo, dù việc nâng lãi suất mới chỉ bắt đầu tư năm 2022.

Đáy chứng khoán năm 2023 khả năng sẽ không thấp hơn 2022

Đối với TTCK năm 2023, chuyên gia không có quá nhiều kỳ vọng, song có một điểm sáng tích cực là thị trường năm 2022 đã quá “thương đau”. Sự thương đau đó đến từ sự thiếu hụt thanh khoản, siết lại thị trường trái phiếu, hết room tin dung và call margin ở cấp độ doanh nghiệp. Cú giảm mạnh trong năm 2022 dường như đã gánh một phần nào đó cho 2023.

Chuyên gia dự báo vẫn sẽ có thời điểm thị trường rung lắc khi nhiều thông tin xấu của nền kinh tế và các doanh nghiệp được bộc lộ rõ hơn. Tuy nhiên, khi tất cả chúng ta đã chuẩn bị tâm lý, nghĩa là phần nào điều đó đã được phản ánh vào giá. Đặc biệt, chúng ta khởi đầu năm 2023 bằng mức định giá thấp nhất trong rất nhiều năm.

“Năm 2023 sẽ là một năm nền kinh tế không mấy khả quan, nhưng sẽ không quá tệ với thị trường chứng khoán và đáy năm 2023 khả năng sẽ không thấp hơn đáy năm 2022. “Tiền hung hậu cát” là cụm từ có thể chỉ xu hướng thị trường trong năm tới, dần về cuối năm những khó khăn sẽ qua đi”, ông Bùi Văn Huy nêu quan điểm.

Với dự báo trên, chuyên gia cho rằng điều quan trọng là nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và có chiến lược phân bổ tài sản phù hợp.

Trong bức tranh chung đó, hầu hết các tổ chức đều khuyến nghị phân bổ tỷ trọng thấp vào Cổ phiếu, Bất động sản và dành tỷ trọng cao hơn dành cho Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu Doanh nghiệp có chất lượng tốt. Đối với các loại tiền tệ, đồng Dollar mặc dù không còn duy trì đà tăng mạnh mẽ nhưng khả năng vẫn sẽ là đồng tiền mạnh, đặc biệt so với nội tệ của các quốc gia mới nổi.

Khi phân bổ vào cổ phiếu, chuyên gia đưa ra lời khuyên là nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp chất lượng, có tình hình tài chính an toàn. Trong suy thoái, bảng cân đối kế toán lành mạnh và dòng tiền tốt còn quan trọng hơn nhiều so với lợi nhuận kế toán.

Chiến lược phòng thủ và tấn công

Về luân chuyển nhóm ngành, nếu 2023 được kỳ vọng là năm tạo đáy của thị trường chứng khoán và nền kinh tế, chúng ta có thể chia ra làm 2 nửa khung thời gian, trước khi tạo đáy thực sự và sau khi tạo đáy.

Trước khi tạo đáy, cần ưu tiên các nhóm ngành phỏng thủ. Trong giai đoạn suy thoái/nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hầu hết các nhóm ngành chu kỳ sẽ có sự suy giảm lợi nhuận. Các nhóm ngành không theo chu kỳ, mang tính phòng thủ nhất định như Thực phẩm đồ uống, Điện, Nước, Y tế, Công nghệ thông tin mới có được triển vọng tích cực.

Các nhóm ngành này sẽ có sức chống chịu tốt hơn trước khi thị trường chưa xác nhận tạo đáy và bài toán vĩ mô còn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, mức định giá của các nhóm này cần được cân nhắc, nếu đắt quá thì không nên tham gia.

Sau khi thị trường tạo đáy và vĩ mô dần cải thiện vào nửa sau 2023, nhóm ngành mang tính “tấn công” là mục tiêu để tham gia khi thị trường bắt đầu một chu kỳ mới. Khi đó, những thông tin xấu về nền kinh tế dần được lộ ra và kèm theo chính sách tiền tệ có xu hướng đảo chiều, đáy chứng khoán 2023 được xác nhận thiết lập.

Thời điểm nền kinh tế bước vào pha phục hồi, sự luân chuyển nhóm ngành từ phòng thủ sang tấn công là cần thiết. Những nhóm cổ phiếu Tài chính (Ngân hàng, chứng khoán), Công nghiệp, Nguyên vật liệu, Công nghệ thông tin, Hàng tiêu dùng không thiết yếu sẽ là tâm điểm của dòng tiền vào cuối năm 2023.

Khép lại năm 2022 đầy sóng gió, ông Bùi Văn Huy cho rằng quan trọng là nhà đầu tư chuẩn bị được tâm thế cho năm 2023, hiểu rõ những khó khăn và sẵn sàng đương đầu với nó. Khi những thách thức đã được lường trước, sự phản ứng quá mức có thể sẽ không xảy ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chọn cổ phiếu 2023: Nửa đầu năm "phòng thủ", nửa cuối năm dồn dập "tấn công" bắt đầu chu kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO