Khu trung tâm thương mại Si Ji Qing (Tứ Quý Thanh), Hàng Châu vốn nổi danh là chợ đầu mối bán buôn quần áo lớn nhất Trung Quốc, được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế may mặc tại đất nước này.
Vào tháng 3 năm 2023, khu chợ này đã ra một thông báo đáng chú ý: cấm bán hàng livestream trong trung tâm, lần đầu vi phạm sẽ bị cảnh cáo bằng văn bản, lần thứ hai tịch thu thiết bị và phạt 20.000 NDT (gần 70 triệu VNĐ), lần thứ ba tịch thu thiết bị và phạt gấp đôi.
Là khu chợ quan trọng bậc nhất Trung Quốc, việc nổ phát súng đầu tiên chống lại xu hướng livestream của Si Ji Qing đã khiến nhiều người ngạc nhiên và tranh cãi.
Vì sao lại một mình đi ngược xu hướng?
Khu trung tâm Si Ji Qing đã có từ năm 1989, đến nay đã phát triển được hơn 30 năm. Trong thời kỳ huy hoàng năm 2016, doanh thu cả năm của Si Ji Qing lên tới 600 tỷ NDT, tương đương với 50% GDP của Hàng Châu lúc đó. Bên trong Si Ji Qing rộng 50.000 mét vuông, bao gồm khoảng 20 khu chợ với tổng số gian hàng lên tới 20 nghìn, nhộn nhịp mở cửa từ 5 giờ sáng.
Do quần áo ở đây chủ yếu là thời trang nhanh, kiểu dáng nào không bán hết được trong vòng 1 tuần thì sẽ gây áp lực lớn lên việc làm ăn của các thương nhân. Vì vậy, trong thời gian đại dịch COVID, người bán ở Si Ji Qing phải chuyển sang bán hàng qua livestream. Năm 2022, chính quyền địa phương cũng góp sức làm một chiến dịch giải cứu khu chợ bằng cách điều phối hàng nghìn chuyên gia thương mại điện tử tới hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn các kỹ năng.
Tuy nhiên, đến nay tình hình đã khác. Bán hàng qua livestream có giá rẻ hơn, từ đó gây gián đoạn lên chuỗi cung ứng truyền thống của hệ thống chợ Si Ji Qing, vốn bao gồm nhà sản xuất, nhà buôn cấp 1, cấp 2, thậm chí là cấp 3, cấp 4, rồi mới đến nhà bán lẻ và khách hàng. Thị trường bán buôn về cơ bản là một mô hình sử dụng lỗ hổng thông tin để kiếm tiền, qua đó giá bán tăng lên sau mỗi cấp phân phối và khi đến tay người dùng thì giá có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với lúc đầu.
Khi bán hàng qua livestream, nhà buôn cấp 1, thậm chí là chính nhà sản xuất có thể liên hệ trực tiếp với khách hàng cuối cùng. Các mối liên kết buôn bán ở giữa trở nên thừa thãi. Điều này làm tổn hại đến lợi ích và giảm tỉ suất lợi nhuận của những người bán buôn trực tiếp đến chợ để lấy hàng. Nếu cứ như vậy trong thời gian dài, toàn bộ khu chợ khổng lồ này sẽ bị ‘sập’ và không còn tồn tại.
Nhiều người bán buôn còn cùng phản đối livestream bằng cách tuyên bố dù quần áo có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đến đâu, đã được lên livestream là họ sẽ không nhập nữa.
Ngoài ra, nhiều bên còn tận dụng tên tuổi của khu chợ để livestream bán các loại hàng giả, hàng kém chất lượng. Sau khi mua quần áo từ livestream, một số khách hàng phát hiện ra lỗi nhưng lại không thể trả hàng và cũng không thể đòi dịch vụ hậu mãi. Họ khiếu nại lên cơ quan phụ trách, cơ quan này tìm hiểu mới phát hiện ra rằng người bán hàng lỗi kia vốn không thuộc khu chợ mà chỉ lợi dụng hình ảnh và tên tuổi để bán hàng.
Các nhà quản lý thị trường của Si Ji Qing cho biết đây là chợ đầu mối, họ phải cấm livestream để duy trì trật tự kinh doanh bình thường và bảo vệ quyền lợi của cả khách mua sỉ trong chợ.
Sau lệnh cấm, hiện nay, số lượng khách trung bình trong ngày chỉ riêng tại khu chợ Chang Qing trong cả trung tâm đã là 20 nghìn người, dù vẫn còn kém xa con số 30 nghìn của thời kỳ đỉnh cao.
Tranh cãi xung quanh lệnh cấm
Một số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng bán hàng livestream là xu thế tất yếu, có cấm đoán cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề, người ta không livestream tại chợ thì cũng có thể mang mẫu đi livestream nơi khác. Nếu bán hàng livestream không tốt như bán hàng ngoại tuyến thì tự khắc sẽ bị đào thải. Khách hàng không ngớ ngẩn đến mức đâm đầu đi mua những thứ kém hiệu quả về chi phí.
Mặt khác, cũng có nhiều người ủng hộ chính sách cấm livestream này bởi nếu ai cũng đổ xô mua hàng online thì khu chợ Si Ji Qing sẽ đóng cửa sớm.
Đây không phải là lần đầu tiên chợ Si Ji Qing cấm livestream bán hàng. Các chợ buôn bán lớn khác như Shi San Hang (Thập Tam Hàng) ở Quảng Châu cũng có động thái tương tự. Thị trường bán buôn quần áo vốn sống được là nhờ nguyên lý lợi nhuận nhỏ nhưng số lượng lớn. Việc bán hàng qua livestream sẽ tác động rất lớn tới điều này.
Rốt cuộc, những quy định này chỉ có thể hạn chế người bán livestream trong khu trung tâm mua sắm. Trên thực tế, nhiều người vẫn phát sóng trực tiếp trong nhà kho riêng hay trường quay đi thuê. Không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ một nguồn lợi dễ kiếm ngay trước mắt như thế.
Nhiều cư dân mạng cho rằng, thay vì cấm đoán thì nên có những quy định chặt chẽ để nâng cao chất lượng buổi livestream cũng như giữ ‘đạo đức kinh doanh’ sao cho các bên cùng có lợi. Ví dụ như báo giá trên livestream phải cao hơn giá buôn, hay livestream chỉ nên nhắm tới khách hàng mua buôn chứ không phục vụ khách hàng mua lẻ.
Tham khảo từ: Net Ease, Sina Finance