Tỷ lệ lạm phát ở nước này duy trì mức thấp do chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát giá hàng hóa và nhu yếu phẩm, đồng thời chính phủ cam kết tiếp tục duy trì ổn định giá tiêu dùng vì đời sống của người dân.
Ngày 1/7, bộ trưởng Musa phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp đầu tiên của Lực lượng đặc nhiệm chống lạm phát cho biết, trong khi nhiều quốc gia tiên tiến đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát hai con số, Malaysia đã giữ được tỷ lệ này ở mức 2,8% nhờ sự can thiệp của chính phủ.
Hiện tại, 2,8% là mức thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.
Ông khẳng định có lẽ nhiều người không biết rằng điều này là do chính phủ cam kết kiểm soát giá hàng hóa và nhu yếu phẩm tăng cao bằng cách trợ cấp.
Bộ Tài chính đã đưa ra dự đoán tổng ngân sách mà chính phủ chi ra cho trợ cấp trong năm 2022 có thể vượt 70 tỷ ringgit (15,87 tỷ USD).
Đây là khoản ngân sách lớn, tăng hơn gấp đôi so với khoản trợ cấp 33 tỷ ringgit mà Quốc hội đã phê duyệt vào năm ngoái.
Ông Musa cũng nhấn mạnh thêm, chính phủ sẽ tiếp tục chi trả cho các khoản trợ cấp để đảm bảo rằng đồng ringgit không bị ảnh hưởng xấu bởi giá hàng hóa tăng cao và cũng để đảm bảo tỷ lệ lạm phát của đất nước vẫn duy trì ở mức thấp.
Trước đó, Chính phủ Malaysia đã quyết định tiếp tục trợ giá cho thịt gà và sẽ không thả nổi giá theo thị trường, giới hạn giá thịt gà tiêu chuẩn bán lẻ ở mức 9,40 ringgit/kg và có hiệu lực từ ngày 1/7.
Ngoài ra, chính phủ cũng đồng ý ấn định giá trần bán lẻ trứng gà lần lượt theo từng loại A, B, C là 45, 43 và 41 xu/quả và cũng có hiệu lực từ ngày 1/7.
Tỷ lệ lạm phát của Malaysia năm 2021 là 2,5%, năm 2000 là 1,53% và năm 1999 là 2,74%.