Chỉ vì một tin nhắn, số dư tài khoản về 0, ngân hàng và nhà mạng từ chối trách nhiệm

Đại Phú | 10:51 04/05/2025

Điều gì đã xảy ra khi vì một tin nhắn mà mất sạch tiền trong tài khoản.

Chỉ vì một tin nhắn, số dư tài khoản về 0, ngân hàng và nhà mạng từ chối trách nhiệm

Thói quen bật WiFi liên tục đang khiến nhiều người rơi vào bẫy tinh vi của tội phạm công nghệ cao. Một cô gái tên Lâm, sống tại Thâm Quyến (Trung Quốc), đã trải qua cú sốc lớn khi toàn bộ số tiền 60.000 NDT (khoảng 200 triệu đồng) trong tài khoản ngân hàng "bốc hơi" chỉ trong vài phút – sau một cú nhấp chuột tưởng như vô hại.

Vụ việc bắt đầu khi điện thoại của cô Lâm tự động kết nối với một mạng WiFi miễn phí trong một quán cà phê đông khách. Ngay sau đó, một tin nhắn lạ xuất hiện với nội dung quảng cáo khuyến mãi hấp dẫn. Tưởng đây là ưu đãi thật từ quán, cô nhấn vào đường link và không ngờ rằng hành động ấy đã mở cửa cho mã độc xâm nhập vào thiết bị.

Chỉ trong tích tắc, phần mềm độc hại chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn chiếc điện thoại. Hacker theo đó có thể truy cập camera, gửi tin nhắn, đọc danh bạ và đặc biệt là đột nhập vào các ứng dụng ngân hàng. Dù cô Lâm đã cài đặt xác thực bằng vân tay và khuôn mặt, mã độc vẫn lén ghi lại thao tác đăng nhập và sao chép dữ liệu sinh trắc học. Kết quả, tài khoản ngân hàng bị hacker thao túng và chuyển sạch tiền qua ba giao dịch bí ẩn.

Thực tế, Cục an ninh mạng Trung Quốc đã cảnh báo nhưng người dân vẫn bị dụ dỗ nhấp vào liên kết trong tin nhắn lừa đảo, vì sự chủ quan của người dùng nên nếu trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này, ngân hàng và nhà mạng sẽ không phải chịu trách nhiệm.

Cục An ninh mạng Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh, một số loại mã độc không chỉ đơn thuần đánh cắp dữ liệu mà còn có khả năng học và sao chép hành vi người dùng. Khi nạn nhân đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng, mã độc sẽ ghi lại từng thao tác chạm màn hình, lưu lại dữ liệu sinh trắc học như vân tay và khuôn mặt. Nhờ đó, hacker có thể vượt qua các lớp bảo mật tưởng như bất khả xâm phạm, thực hiện các giao dịch tài chính như chính người dùng thật. 

Cục An ninh mạng Trung Quốc cho biết, những phần mềm độc hại tinh vi này thường được phát tán qua mạng WiFi giả hoặc các trang quảng cáo trôi nổi, khó phát hiện bằng mắt thường. Nhiều người chỉ nhận ra khi tài khoản ngân hàng bị rút sạch mà không có cảnh báo nào. 

Hơn nữa, nhiều nhóm hacker dựng các điểm phát WiFi giả tại nơi công cộng. Khi người dùng kết nối, một loạt tin nhắn chứa mã độc sẽ được gửi tới thiết bị. Chỉ cần một cú click, mã độc lập tức lây nhiễm, vượt mặt cả các lớp bảo mật hiện đại.

Do đó, Chuyên gia an ninh mạng nhấn mạnh, thói quen dùng WiFi miễn phí đang khiến người dùng vô tình biến mình thành mục tiêu của tội phạm số. Để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân, mỗi người cần thay đổi thói quen sử dụng thiết bị, chủ động tắt tính năng tự động kết nối WiFi và thường xuyên cập nhật phần mềm bảo mật trên điện thoại.

Những dấu hiệu cho thấy thiết bị đã bị nhiễm mã độc bao gồm: điện thoại chạy chậm bất thường, nóng máy, tự động hiện quảng cáo hoặc thông báo lạ. Trong các trường hợp này, người dùng cần tắt nguồn ngay lập tức và trình báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.

Cảnh sát khuyến cáo người dân không nên bật WiFi liên tục, tránh kết nối vào các mạng WiFi không rõ nguồn gốc, đặc biệt là không nhấp vào bất kỳ liên kết nào vừa xuất hiện sau khi kết nối WiFi công cộng. Ngoài ra, cần hạn chế truy cập ứng dụng ngân hàng hoặc tài khoản cá nhân trên WiFi công cộng, dù thiết bị đã có xác thực sinh trắc học.


(0) Bình luận
Chỉ vì một tin nhắn, số dư tài khoản về 0, ngân hàng và nhà mạng từ chối trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO