Đây được cho là thành quả tất yếu mà Hải Phòng có được nhờ những nỗ lực trong việc nâng cao năng lực nội tại và sự linh hoạt, thích ứng, thích nghi trong hội nhập quốc tế của địa phương này.
Trong số các dự án đó, có thể kể đến: Dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) có vốn đầu tư 500 triệu USD đầu tư vào Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng; Dự án sản xuất máy và thiết bị của nhà đầu tư Kyocera Document Solutions Inc. (Nhật Bản) có mức đầu tư là 237,5 triệu USD đầu tư vào Khu Công nghiệp Vsip; Dự án đầu tư phát triển nhà xưởng xây sẵn BW (61 triệu USD)…
Ngoài các dự án kể trên, còn có 2 dự án xây dựng nhà ở xã hội nằm trong địa giới của Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, đó là: Dự án xây dựng Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Hải 2, quận Hải An với quy mô 22,48 ha, tổng vốn đầu tư 142 triệu USD; Dự án xây dựng Nhà ở xã hội (giai đoạn 1) tại phường Tràng Cát, quận Hải An với quy mô 28,14 ha, tổng vốn đầu tư 254 triệu USD, 2 dự án này được xây dựng theo mô hình hỗn hợp(nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân và nhà ở thương mại) tạo ra hơn 8000 căn cho khoảng 22 nghìn người sinh sống, đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng làm việc trong các khu công nghiệp.
Theo thông tin nhận được, từ đầu năm tới nay, Hải Phòng đã thu hút được khoảng 3 tỷ USD đến từ nguồn vốn FDI và vốn DI, con số này đã đạt 120% kế hoạch năm đề ra.
Lũy kế đến nay, đã có hơn 1000 dự án FDI với số vốn gần 28 tỷ USD đầu tư vào Hải Phòng, các dự án này đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cả khu vực. Chỉ tính riêng trong năm 2022 tổng doanh thu của các dự án này đạt 34,8 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập đạt 24,46 tỷ USD và nộp ngân sách đạt 17,8 nghìn tỷ đồng, đồng thời đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động.
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, bên cạnh việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Hải Phòng đã thường xuyên chủ động xúc tiến các hoạt động thu hút đầu tư không chỉ ở trong nước mà còn đến các quốc gia có tiềm lực để quảng bá, xúc tiến hợp tác đồng thời cam kết với các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế về sự đồng hành của thành phố với các nhà đầu tư trong suốt chiều dài của dự án.
Nhận định về môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng, ông Woncheol Park – Giám đốc điều hành Tập đoàn SKC (Hàn Quốc) nói, chính từ sự nhiệt tình, thiện chí của những người đứng đầu thành phố Hải Phòng, đặc biệt là sự cam kết của ông Lê Tiến Châu (Bí thư Hải Phòng) trong buổi làm việc với chúng tôi tại Hàn Quốc trong tháng 6 vừa qua nên SKC đã quyết định đầu tư 500 triệu USD cho dự án có công nghệ mới nhất về sản xuất vật liệu phân hủy sinh học vào Hải Phòng.
Theo các chuyên gia, Hải Phòng đã “định vị” được chính mình nên đã phát huy tối đa lợi thế về vị trí địạ kinh tế địa chính trị và truyền thống của cái “nôi” của công nghiệp, cảng biển, đồng thời đưa ra những cải cách mang tính đột phá nên đã tạo nên sức hút các nguồn lực đầu tư vào thành phố.
Ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp, ông Lê Tiến Châu, Bí thư thành ủy Hải Phòng nói, chiến lược phát triển của Hải Phòng sẽ dựa trên 3 trụ cột chính đó là : kinh tê biển, công nghiệp công nghệ cao và du lịch, thương mại, trong đó Hải Phòng xác định Khu kinh tế, các khu công nghiệp sẽ là động lực để thúc đẩy sự cộng sinh phát triển các lĩnh vực khác.
“ Hải Phòng quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường xã hội thực sự an toàn, an ninh để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân luôn yên tâm, gắn bó và phát triển lâu dài với vùng đất này” – ông Lê Tiến Châu, Bí thư Hải Phòng nhấn mạnh.