"Chi phí đầu vào tăng là ngoài tầm tay của EVN"

PV (TH) | 17:28 16/05/2023

Theo chuyện gia, từ năm 2019 nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng lên khoảng 20,3%. Chi phí đầu vào tăng là ngoài tầm tay của EVN, thậm chí của Chính phủ vì đó là giá thế giới.

"Chi phí đầu vào tăng là ngoài tầm tay của EVN"
Theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, do chi phí đầu vào tăng nên giá điện điều chỉnh. (Ảnh: TN)

Đây là phát biểu của Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa, tại buổi tọa đàm trực tuyến về giá điện do Báo Thanh Niên tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chuyên gia vào sáng 16/5.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: từ năm 2019 đến nay giá điện mới được điều chỉnh và cũng từ đó thị trường biến động rất nhanh, các chi phí đều tăng lên nên ngành điện phải tiếp tục điều chỉnh giá.

Cụ thể, nếu tính từ năm 2019 đến 2022, lạm phát luỹ tiến đã tăng khoảng 10%. Nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng lên khoảng 20,3%. Năm 2022, giá thế giới nhập khẩu về pha trộn với than trong nước để sản xuất điện tăng gấp 6 lần so với năm 2020. Nếu so với năm 2021 tăng 2,6 lần. Giá than tăng nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải mua nhiệt điện than tăng khoảng 25% và mua nhiệt điện tăng khoảng 11,3%, chưa kể trượt giá, lương tối thiểu cũng tăng. Giá thành điện của EVN đã kiểm toán năm 2022 tăng so với 2021 là 9,27%. Do đó, nếu không có bù đắp chi phí cho đơn vị sản xuất thì dòng tiền của EVN bị "ngắt". Khi đó, EVN sẽ không có điều kiện để sản xuất kinh doanh, cung ứng điện cho nền kinh tế.

"Chi phí đầu vào tăng là ngoài tầm tay của EVN, thậm chí của Chính phủ vì đó là giá thế giới. Dù có thân tình đến đâu, đàm phán rẻ đến đâu cũng chỉ được ưu ái giá một chút chứ không thể rẻ đi được", ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.

Trả lời câu hỏi điều chỉnh giá điện có đúng quy định của pháp luật hay không? Chủ tịch Hội Thẩm định giá khẳng định, quy định của Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh giá khoảng 3% thì "cứ thế tăng không cần báo cáo", còn nếu giá điện tăng 10% trở lên phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Điều chỉnh giá điện tăng phải thận trọng, không giật cục nhằm đảm bảo an ninh cho ngành điện và hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp nhà nước cũng cần chia sẻ với người tiêu dùng. Nếu cần phải điều chỉnh giá thì điều chỉnh 1/3 của giá thành tăng. Còn phần thiếu, EVN sẽ bù đắp như thế nào, sẽ cần một giải pháp. Nghe điều chỉnh thì ghê gớm lắm nhưng cũng chỉ tăng thêm bình quân 56 đồng/1 kWh. Khi đó, việc giá điện tăng sẽ tác động đến các ngành nghề khác khoảng 0,18%. Trong đó, ngành sản xuất cần nhiều điện như thép thì tăng giá thành lên 0,18%. Xi măng tăng lên 0,45% còn dệt may 0,4%. Còn đối với người tiêu dùng cũng tăng ít. Bởi hiện nay điện sinh hoạt trên 25 triệu hộ. Bình quân 1 gia đình tiêu thụ 200 kWh /hộ/tháng. Như vậy, bình quân mỗi hộ gia đình trả thêm 12.000 đồng. Còn người sử dụng ít, khoảng 5 kWh/tháng chỉ tăng lên khoảng 2.500 đồng/tháng. Còn dùng nhiều thì trả thêm 35.000 đồng/tháng. Như vậy, có thể thấy mức độ tác động từ việc tăng giá điện không lớn. Đây cũng là tiền đề để kiểm soát lạm phát trong năm nay", ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Chi phí đầu vào tăng là ngoài tầm tay của EVN"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO