Chập chững đầu tư bất động sản, vợ chồng trẻ chôn vốn hàng tỷ đồng

Thủy Tiên | 08:43 09/06/2022

Chung vốn đầu tư 3 mảnh đất ở 2 khu vực khác nhau, 2 thời điểm khác nhau nhưng đều “mắc cạn”, cặp vợ chồng trẻ nghiệm ra nhiều bài học đắt giá.

Chập chững đầu tư bất động sản, vợ chồng trẻ chôn vốn hàng tỷ đồng
Tâm lý FOMO khiến lòng tham nổi lên khiến nhiều nhà đầu tư mắc kẹt trong đất.

Anh Hùng, chị Hiệp - cặp vợ chồng 9X quê Hà Tĩnh, hiện làm việc ở Hà Nội, đang gặp khó khăn vì kẹt vốn vào 3 lô đất. Họ chia sẻ những câu chuyện của người trong cuộc.

Phải hiểu về mảnh đất mình muốn mua

Năm 2020, khi bất động sản Nghệ An nổi lên như một trong những điểm sáng - theo ngôn ngữ của giới đầu tư, được người quen ở TP Vinh rủ chung 50% vốn đầu tư một mảnh đất 140 m2 ở phường Vinh Tân, thành phố Vinh với giá 2,2 tỷ đồng, tức mỗi bên góp vào 1,1 tỷ đồng.

Mảnh đất vuông vắn, đường thông hè thoáng, nằm trong khu dân cư đông đúc, hoàn toàn có thể sử dụng cho mục đích kinh doanh hoặc ở thực. Vơj chồng anh Hùng kỳ vọng mảnh đất có thể tăng giá ít nhất 50% sau 1 năm.

Đến tháng 9/2021, khi bất động sản cả nước lên cơn sốt và thị trường nhà đất ở Nghệ An cũng đạt đỉnh, vợ chồng anh Hùng liên hệ cò đất, các đơn vị môi giới chuyên nghiệp để gửi bán.

Những người này định giá mảnh đất khoảng 3,1 tỷ - đúng mức kỳ vọng nên vợ chồng anh Hùng đồng ý để họ tìm khách.

Tuy nhiên, giữa lúc thị trường sôi động nhất, mảnh đất lại không thể giao dịch, chờ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng... vẫn vậy dù gia đình anh Hùng đã chấp nhận giảm 50-100 triệu đồng và chi nhiều hoa hồng hơn cho môi giới.

Anh Hùng chia sẻ: "Nguyên nhân chính khiến mảnh đất vuông vắn, pháp lý rõ ràng, vị trí thuận lợi không bán được là... mắc lỗi phong thủy. Đất nằm đối diện ngã ba, mắc lỗi đường đâm nên khách chê".

"Đây là lỗi chúng tôi không hề để ý khi mua. Trong cơn sốt đất Phú Quốc, Vân Đồn hay vùng ven Hà Nội mà tôi từng chứng kiến, những mảnh đất đường đâm vẫn được giao dịch như những lô khác, hoàn toàn không khác biệt. Nhưng thị trường Nghệ An lại khác. Như vậy, việc không tìm hiểu văn hóa địa phương, các quan niệm về phong thủy đã khiến chúng tôi mắc kẹt một khoản tiền lớn", anh Hùng chua xót.

Cũng theo lí giải của vợ chồng anh Hùng, một nguyên nhân khác khiến mảnh đất không dễ giao dịch là mức giá trên 3 tỷ đồng khá kén người mua ở địa phương. Thông thường, những mảnh đất dưới 2 tỷ sẽ có tính thanh khoản cao hơn, việc tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn tài chính trên 3 tỷ đồng là điều không hề dễ tại các thị trường mới.

Cay đắng, anh Hùng chia sẻ, việc mắc kẹt miếng đất này dạy tôi nhiều bài học. Trước hết, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ văn hoá cũng như các quan niệm về phong thủy tại địa phương: từ phương hướng, đường sá xung quanh, lịch sử sử dụng của mảnh đất, thậm chí, cẩn thận hơn, nên tìm hiểu cả hàng xóm lẫn dân trí của khu vực.

Một bài học khác với những F0 mới tham gia thị trường là nên chọn các mảnh đất có mức tiền vừa phải, tốt nhất dưới 1,5 tỷ đồng để tăng khả năng thanh khoản.

Chỉ nên mua đất có giá trị sử dụng

Rút kinh nghiệm lần trước, lần này vợ chồng anh Hùng quyết định đầu tư ra Hà Nội.

Tháng 10/2021, đất vùng ven Hà Nội lên cơn sốt, vợ chồng anh Hùng tiếp tục được người quen rủ mua thêm 2 mảnh đất ở thôn Cẩm Lĩnh, xã Ngọc Nhị, huyện Ba Vì.

Mảnh thứ nhất rộng hơn 1.700 m2 mua với giá 4,7 tỷ đồng, mảnh thứ hai khoảng 1.200 m2, giá mua 4 tỷ đồng.

"Vợ chồng tôi góp vào 2 mảnh đất này gần 1,2 tỷ, số còn lại chia đều cho 3 người khác. Cả 2 mảnh đều nằm xa khu dân cư, là đất hỗn hợp, tức kết hợp cả đất trồng cây lâu năm và đất thổ cư", anh Hùng cho biết.

Theo lời anh Hùng, sau khi mua và làm xong thủ tục, có thời điểm, 2 mảnh đất được trả giá khoảng 10 tỷ đồng nhưng tâm lý sợ giá còn lên tiếp, bán sẽ hớ khiến anh chị lần lữa và quyết định đợi đến tháng 2/2022 mới “thoát hàng”.

Anh Hùng giải thích: "Sở dĩ chúng tôi chọn phương án chờ đến tháng 2 năm sau bởi lúc bấy giờ, các dự báo về thị trường bất động sản 2022 đều rất khả quan, như lãi suất vẫn ở mức thấp, lạm phát ở mức cao, dòng tiền đổ vào bất động sản tiếp tục tăng cao...bởi vậy khả năng miếng đất còn có thể tiếp tục tăng giá".

Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính", sự vào cuộc gắt gao của chính quyền nhằm kiểm soát thị trường bất động sản đã làm cho 2 mảnh đất bị “kẹt cứng”.

Hiện tại, những mảnh đất xa trung tâm, đường đi lại không thuận tiện, không phù hợp để ở cũng như kinh doanh đều không có giao dịch dù giá không giảm hoặc giảm nhẹ, tầm 3-5%.

"Vài tháng trở lại đây, khi hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chúng tôi cần vốn để làm ăn và buộc phải vay ngân hàng vì toàn bộ vốn liếng tích cóp đều nằm trong đất. Điều đáng buồn nhất là không biết số tiền ấy còn mắc kẹt đến bao giờ", anh Hùng thở dài.

Từ vụ đầu tư lần 2 này, anh Hùng cho rằng bản thân có nhiều sai lầm. Sai lầm đầu tiên và quan trọng nhất là đã chọn mua những mảnh đất ít có giá trị sử dụng. Tâm lý đầu tư theo đám đông trong khi không hiểu nhiều về thị trường một lần nữa “chôn” vốn của 2 vợ chồng.

Sai lầm thứ 2 là chọn sai thời điểm bán, đáng lẽ khi đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng (mức chúng tôi kỳ vọng là 15% sau 2 tháng) thì phải quyết tâm bán.

"Tâm lý FOMO khiến lòng tham nổi lên và kết quả là tiền lại tiếp tục mắc kẹt", anh Hùng chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chập chững đầu tư bất động sản, vợ chồng trẻ chôn vốn hàng tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO