2016 là một năm đầy sóng gió với Vũ Khải Tư. Câu chuyện về một chàng sinh viên ngành Luật tốt nghiệp từ trường Đại học 985 hàng đầu của Trung Quốc, kiếm sống bằng nghề nhặt đồ cũ khiến cư dân mạng xôn xao. Nhiều người cho rằng, Vũ Khải Tư có trình độ học vấn cao nhưng lãng phí tài năng bằng nghề nhặt đồ cũ thì thật đáng tiếc.
Trước làn sóng chỉ trích, Vũ Khải Tư cho biết anh không lên tiếng hay phản bác bất kỳ ai. Trên thực tế, anh không quan tâm ý kiến tiêu cực từ cư dân mạng. Vũ Khải Tư nói: "Ngay cả khi những lời bình luận là cơn gió thổi đến, tôi cũng sẽ tận hưởng chúng".
Từ năm 2016 đến nay, Vũ Khải Tư mở 4 cửa hàng bán đồ cũ, sở hữu kho đồ cũ rộng 300m2. Phần lớn mặt hàng từ cửa hàng của anh là thu thập từ chợ đồ cũ, hoặc thậm chí là từ thùng rác bên đường.
Sở thích kỳ lạ với thùng rác
Mỗi ngày Vũ Khải Tư có thói quen lục lọi thùng rác bên đường và tìm thấy nhiều thứ hay ho. Anh dường như có thể tìm thấy mọi thứ ở thùng rác, chẳng hạn như ghế sofa, dao cạo râu, sầu riêng, máy in, giày kiểu Anh, đồ ăn, quần áo, nhà cửa và phương tiện di chuyển.
Anh có bí quyết riêng để nhặt rác. Vào cuối mỗi tháng, nhiều người sẽ chuyển nhà đi. Vào thời điểm này, nếu bạn chịu nhặt rác ở "khu nhà giàu" thì có thể tìm thấy nhiều món đồ giá trị như quần áo hoàn toàn mới, đồ hiệu, mặt hàng được thiết kế riêng.
Với Vũ Khải Tư, thùng rác là một thế giới tuyệt vời mang theo hạnh phúc và sự hài lòng. Khi nhặt rác, anh rất hăng say và không quan tâm đồ đạc nhặt được có bẩn hay không.
Có lần, Vũ Khải Tư nhặt được quần áo trong thùng rác rồi mặc lên người. Người bảo vệ bên cạnh đứng lên ngăn, nhưng anh chỉ lắc đầu nói: "Nó vẫn còn tốt".
Trong mắt người khác, Vũ Khải Tư có một cuộc sống tằn tiện và kém chất lượng.
Anh thường đến nhà hàng để ăn đồ thừa. Những người khác có thể cảm thấy xấu hổ về điều này, nhưng anh cho rằng đây là cách tiết kiệm tiền tuyệt vời. "Nó tương tự như mọi người cùng đi ăn tối ở nhà hàng, chỉ là lát sau tôi mới đến", Vũ Khải Tư nói.
Đối với Vũ Khải Tư, một người yêu thích đặc biệt của thùng rác thì cho rằng: "Đồ miễn phí là tiền tiết kiệm. Nếu tôi nhặt được món đồ thì sẽ không bao giờ mua chúng". Ngoại trừ bộ đồ lót thì trang phục của Vũ Khải Tư từ đầu đến chân đều là đồ cũ.
Cuộc sống tiết kiệm này của Vũ Khải Tư có thể nhận về những cái nhìn tiêu cực từ nhiều người. Nhưng anh lại cho rằng nhờ cuộc sống ít ham muốn vật chất này mà bản thân đã đạt tự do tài chính.
Trải nghiệm tuổi thơ đặc biệt
Tính cách siêu tiết kiệm này của Vũ Khải Tư có ảnh hưởng rất nhiều bởi tuổi thơ.
Từ nhỏ, anh đã cùng bố mẹ liên tục chuyển nhà. Anh trải qua tuổi thơ và những năm tháng sinh viên lang thang khắp các tỉnh thành như ở Sơn Tây, Bắc Kinh, Sơn Đông và Hà Bắc. Gia đình Vũ Khải Tư không giàu có nên mỗi lần chuyển đến thành phố mới, bố mẹ anh lại mua đồ cũ như tủ lạnh, máy giặt, tivi, bếp gas... Khi Vũ Khải Tư còn nhỏ, bố mẹ anh mua đồ cũ để tiết kiệm tiền. Điều họ không ngờ là khi con trai lớn lên, mối quan hệ giữa anh và những món đồ lại vô cùng thân thiết.
Không chỉ có niềm đam mê với những món đồ bị nhiều người coi là đồ bỏ đi, Vũ Khải Tư còn thích sưu tầm đồ cũ và ngồi ôn lại những chuyện xưa. Sau này, dẫu học ngành Luật nhưng anh vẫn chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực mua bán đồ cũ.
Ngoài trải nghiệm tuổi thơ, một lý do khiến Vũ Khải Tư bị ám ảnh bởi đồ cũ còn lại trải nghiệm vào năm 2015, khi anh đi du lịch ở Mỹ trong 2 tháng.
Trong 60 ngày ở đây, anh đã sống vô cùng tiết kiệm. Anh không tốn một xu cho chỗ ở. Anh ngủ trên những chiếc ghế sofa mà anh nhặt được, ở ghế đá, trong bến xe cùng với những người vô gia cư hay những đêm vạ vật ở hành lang sân bay. Về việc mua quần áo hay nhu yếu phẩm hàng ngày, anh sẽ nghĩ đến chợ đồ cũ.
Chứng kiến ngành công nghiệp đồ cũ rất phát triển ở Mỹ đã tác động sâu sắc đến anh. Chúng cũng khiến anh tò mò về thị trường lưu thông đồ cũ của Trung Quốc.
Sau khi trở về Trung Quốc, anh bắt đầu khám phá chợ đồ cũ nổi tiếng ở Quảng Châu. Trong thời gian này, anh gần như dành cả ngày ở chợ đồ cũ. Vào ban đêm, để tiết kiệm tiền thì anh sẽ ngủ ở quán McDonald's gần đó và đợi đến sáng sớm hôm sau lại tiếp tục vào khu chợ để khám phá. Mọi thứ ở khu chợ đồ cũ nổi tiếng này đều hấp dẫn Vũ Khải Tư. Từ khu chợ ở Hàng Châu, anh đã đi khắp các khu chợ đồ cũ nổi tiếng ở Trung Quốc.
Anh nhận thấy ở các khu chợ này, những thứ hay ho không chỉ là món đồ cũ. Đó là những nỗ lực bảo vệ môi trường và tái chế đồ cũ của người bán hay cố gắng bảo vệ nét văn hóa địa phương từ các khu trợ đồ cũ truyền thống.
Làm giàu từ đồ cũ
Năm 2016, Vũ Khải Tư chọn nghề nhặt đồ cũ để gắn bó cả đời. Anh miêu tả một ngày của mình đều xoay quanh đồ cũ: Tìm đồ cũ, dọn dẹp đồ cũ và bán đồ cũ.
Hiện nay, công việc của anh với đồ cũ đã phát triển tới quy mô và có quy trình cụ thể. Anh và bạn gái hợp tác điều hành 4 cửa hàng. Vũ Khải Tư đi mua hoặc nhặt đồ cũ, sửa chữa chúng và đặt lên kệ bán hàng. Bạn gái còn giúp anh sắp xếp quán, gửi chuyển phát nhanh cho món đồ.
Những năm đầu khởi nghiệp, anh rất lo lắng. Vì lúc này trên thị trường không có nhiều mô hình khởi nghiệp tương tự. Bạn bè xung quanh anh cũng không ai theo đuổi lĩnh vực này. Trong những năm đó, tài chính của Vũ Khải Tư rất eo hẹp.
Nhưng anh vẫn cảm thấy bản thân may mắn. Vì anh cho rằng, giờ có quá nhiều người đã từ bỏ lý tưởng của mình để làm những công việc mà họ ghét. Còn anh là một trong số ít những người vẫn có thể tiếp tục theo đuổi đam mê.
Sau 8 năm khởi nghiệp, cửa hàng của anh ngày càng được nhiều người biết đến. Đồ cũ được bày bán với số lượng lớn, đa dạng chủng loại. Từ năm 2022, Vũ Khải Tư còn thành lập hơn 30 cộng đồng để quảng bá văn hóa "nhặt rác" và ủng hộ lối sống thân thiện với môi trường.
Về việc tiếp tục gắn bó với đồ cũ, Vũ Khải Tư không hề do dự hay nghi ngờ gì cả về câu chuyện này. "Khi bạn cảm thấy hạnh phúc tột độ trong thế giới của mình, bạn biết mình đúng và không cảm thấy khó khăn để kiên trì”, anh nói.
Theo Toutiao