Doanh nghiệp “có tiếng” tại cả Việt Nam và Mỹ
Theo các thông tin giới thiệu, năm 2009, công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành được thành lập với vốn điều lệ là 1.9 tỷ đồng. Đến năm 2017, tên Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành được chủ tịch công ty quyết đổi và chuyển thành công ty cổ phần vào một năm sau đó. Đến năm 2022, vốn điều lệ của Tập đoàn đã tăng lên con số 432 tỷ đồng.
Người đứng sau Tín Thành group chính là ông Trần Đình Quyền sinh năm 1960. Ông Quyền là thành viên góp vốn lớn nhất vào Tín Thành Group (160 tỷ đồng - số liệu 2017) và là Chủ tịch HĐQT công ty. Ngoài chức Chủ tịch Tín Thành Group, ông Quyền còn làm đại diện pháp luật cho Công ty CP Tintech Asia.
Năm 2017, Tín Thành Group đã tạo nên chú ý khi đề xuất mua 55% vốn nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR. Tập đoàn dự tính mua 5% cổ phần (2.000 tỷ đồng) của BSR. Tín Thành muốn mua 55% cổ phần BSR bằng đề xuất thành cổ đông chiến lược của BSR.
Cùng lúc đó, Tín Thành đưa tin thâu tóm Ngân hàng Oakwood State Bank với tên đổi mới Tín Thành Oakwood Bank Corp tại Texas. Nhưng vào cuối tháng 12 cùng năm, Cơ quan Texas đã ra thông cáo phủ nhận thông tin này. Và Tập đoàn bị phạt 35.000 USD vì sử dụng từ “bank” trái phép.
Cụ thể, cuối tháng 12/2017, cơ quan quản lý của Oakwood State Bank đã đưa ra cảnh báo: "Sở Ngân hàng Texas đã nhận được một số thông tin trên các phương tiện truyền thông khác nhau báo cáo Tập đoàn Tín Thành đã mua lại Oakwood Bank, Dallas, Texas và tên đó của ngân hàng đã được đổi thành Công ty Cổ phần Ngân hàng Tín Thành Oakwood Bank Corp. Thông tin này là sai sự thật ”.
Kế hoạch phát hành trái phiếu tiết lộ thêm thông tin về doanh nghiệp
Năm 2020, Tín Thành Group quyết định phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 14%/ năm. Trái phiếu có thời hạn 3 năm, có thể chuyển thành cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Dù sau đó, kết quả phát hành lô trái phiếu nói trên của Tín Thành không được thông tin và hiện trên Cổng thông tin về trái phiếu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng không có bất cứ thông tin nào về doanh nghiệp phát hành hay trái phiếu của Công ty CP Tập đoàn Tín Thành.
Tuy nhiên, thông qua bản công bố thông tin của Tín Thành Group khi đó công chúng đã nắm được sơ bộ một số thông tin trọng yếu về hoạt động và cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo bản công bố trên mục đích phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư dự án điện hơi công suất 15 MW và 30 tấn hơi/giờ. Đối tác hợp tác là Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC).
Cũng theo bản công bố thông tin trên, trước đây, hai công ty đã có sự hợp tác tại dự án điện mặt trời áp mái công suất 10 MW. Thực tế, ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tín Thành Group cũng là thành viên Hội đồng quản trị Cao su Đà Nẵng.
Tuy nhiên, phương án hợp tác đầu tư cũng như chi tiết về dự án mà Tín Thành Group dự kiến phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu để triển khai không được công bố. Thông tin ít ỏi mà nhà đầu tư có được là phần giới thiệu về “dự án đang triển khai” trong bản công bố thông tin khi đó.
Theo đó, 1 trong 3 dự án lớn mà Công ty đang triển khai là dự án điện sinh khối tại DRC Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, lợi nhuận 60 tỷ đồng với thời gian thực hiện 18 tháng. Đối tác đầu vào là công ty Ấn Độ, công ty Việt Nam, đối tác đầu ra là Công ty Điện lực Đà Nẵng và DRC.
Cũng theo bản công bố thông tin phát hành trái phiếu, danh sách công ty con mà Tín Thành Group đang sở hữu cổ phần kiểm soát, chi phối gồm Công ty Năng lượng tái tạo Thuận Phát với vốn điều lệ 50 tỷ đồng do Tín Thành Group sở hữu 100%.
Ngoài ra, Công ty chỉ có hai khoản đầu tư góp vốn khác là Công ty Năng lượng Tín Thành, góp 30 tỷ đồng, giữ 30% vốn và góp 1,5 tỷ đồng, giữ 10% vốn của Công ty cổ phần Tintech ASIA.
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, số liệu tài chính của Tín Thành Group cho biết, doanh thu đạt 410 tỷ đồng, tăng 5,6% so với 2018. Biên lợi nhuận cải thiện giúp lợi nhuận gộp đạt 48 tỷ đồng, tăng 26,3%, nhưng lãi vay tăng mạnh cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp cao đã khiến lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 92 triệu đồng.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2019, giá trị các khoản phải thu của Công ty lên đến 169 tỷ đồng, chiếm hơn 1/4 tổng tài sản với giá trị lớn nhất là các khoản tạm ứng 96,5 tỷ đồng. Trong số này, ông Trần Đình Quyền nhận số dư tạm ứng lớn nhất với 43,3 tỷ đồng. Số dư này tồn tại từ đầu năm 2019 và giữ nguyên cho đến hết năm.
Ngoài ra, Công ty cũng có khoản phải thu khác với ông Quyền trị giá 2,48 tỷ đồng đến cuối năm 2019, giảm đáng kể so với giá trị 28,3 tỷ đồng đầu năm.
Cùng với ông Quyền, ông Nguyễn Văn Bình, Phó tổng giám đốc cũng được tạm ứng 27,5 tỷ đồng và 3 cá nhân khác được tạm ứng tổng cộng 24 tỷ đồng cũng là các lãnh đạo doanh nghiệp như ông Hà Đức (kiểm soát viên), ông Huỳnh Minh Đăng (Phó tổng giám đốc).
Báo cáo của Tín Thành Group cũng cho biết, tính đến ngày 14/9/2020, toàn bộ phần vốn hiện được sở hữu bởi 3 cổ đông đều là các cá nhân, bao gồm ông Trần Đình Quyền (74%), bà Nguyễn Thị Bích Hoài (vợ ông Quyền), sở hữu 10% và bà Nguyễn Thị Thanh Hiền sở hữu 16%.