Trong nhiều tháng nay, thông tin Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng đối tác Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn đề xuất đầu tư Dự án Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ (cảng Cần Giờ) vẫn không ngừng tạo được sự quan tâm.
Dự án 6 tỷ USD - sẽ không đánh đổi bằng mọi giá
Đây là một dự án rất lớn với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU.
Trong Hội nghị lấy ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do UBND Tp.HCM tổ chức vào ngày 19/10 vừa qua, có nhiều ý kiến ủng hộ việc xây dựng.
Lãnh đạo thành phố khẳng định, sẽ không đánh đổi bằng mọi giá để phát triển các dự án, mà có sự cân nhắc hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và các vấn đề về tài nguyên, môi trường. Những tác động của hệ thống đường bộ kết nối cảng đối với khu dự trữ sinh quyển hiện hữu sẽ được đặc biệt quan tâm.
Theo ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), khu vực dự kiến xây cảng Cần Giờ tại cù lao Con Chó (xã Thạnh An, H.Cần Giờ), cạnh cửa sông Cái Mép - Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Vị trí xây dựng cảng Cần Giờ có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía nam Trung Quốc.
"Thời gian qua, hãng tàu MSC đang rất quan tâm, tìm hiểu, mong muốn tham gia hợp tác và đang tích cực phối hợp với Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn nghiên cứu đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Từ 13 năm trước, khi báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, tôi đã khẳng định Việt Nam hội tụ đầy đủ thuận lợi về vị trí địa lý, mọi điều kiện, chỉ "yếu" về hãng tàu. Nếu không có đề xuất của MSC, để làm được cảng trung chuyển ở bất cứ vị trí nào trên đất nước cũng là rất khó", ông Phúc nêu quan điểm.
Chân dung Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới
Mediterranean Shipping Company (MSC) được thành lập từ năm 1970 bởi thuyền trưởng người Ý Gianluigi Aponte. Theo số liệu thống kê của Công ty phân tích vận tải biển Alphaliner, tính đến ngày 5/1/2022, MSC đã sở hữu hoặc thuê lượng tàu có thể chuyên chở được 4.284.728 container, vượt qua tổng khả năng chuyên chở 4.282.840 container của Maersk.
Cũng từ thời điểm này, MSC đã vượt qua Maersk để trở thành hãng vận tải đường biển chở hàng container lớn nhất thế giới sau 25 năm Maersk nắm giữ vị trí này. MSC đã hiện diện trên tất cả các cảng quan trọng nhất toàn cầu cùng thị phần khoảng 18% trong ngành vận tải biển.
Theo các chuyên gia, điều đáng nói ở đây là kể từ tháng 1/2025, MSC sẽ ngừng hợp tác với Maersk, hoạt động độc lập và hãng sẽ cần thiết kế lại mạng lưới vận chuyển của mình ngay từ lúc này. Trước đây MSC sử dụng chung cảng trung chuyển với Maersk, là cảng Tanjung Pelepas (Malaysia). Nếu Cần Giờ được phát triển kịp thời và MSC được chấp thuận đầu tư, họ sẽ dịch chuyển lượng hàng trung chuyển về Cần Giờ.
Tính tới thời điểm đầu năm 2023, MSC sở hữu hơn 700 tàu chở hàng, hơn 500 văn phòng tại 155 quốc gia cùng 180.000 nhân viên đang làm việc cho hãng. Các tàu chở hàng của doanh nghiệp giao thương trên 215 tuyến thương mại tại 500 cảng trên thế giới.
Những con số ấn tượng về MSC (Ảnh: MSC)
MSC nổi tiếng với việc sở hữu những chiếc tàu có công suất chở hàng lớn nhất thế giới. Năm 2015, công ty nhận chuyển giao tàu chở container lớn nhất thế giới thời điểm đó, MSC Oscar, với công suất hơn 19.000 TEU từ tập đoàn Daewoo.
Tháng 3 năm 2023, hãng tiếp tục phá vỡ kỷ lục trên khi sở hữu thêm 2 tàu chở hàng MSC Tessa và MSC Irina với công suất lần lượt là 24.116 và 24.345 TEU, củng cố thêm cho đội tàu vốn đã rất dày của MSC.
Nhờ đó, công ty có thể tự hào khẳng định thương hiệu của mình là hãng vận chuyển container hàng đầu thế giới, với mục tiêu xây dựng mối quan hệ dài hạn với khách hàng ở mọi quốc gia mà họ có mặt.
Tàu chở container lớn nhất thế giới hiện nay – MSC Irina (Ảnh: Vessel Finder)
MSC thực hiện hoạt động chở hàng của mình trên rất nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp (gạo, cacao, đường…), hoá chất, thực phẩm, khoáng sản… Các hoạt động về logistic tại các cảng biển cũng rất được chú trọng.
Bên cạnh các tuyến đường thủy, các tuyến đường bộ và đường sắt cũng được MSC chú trọng đầu tư nhằm đa dạng và tối ưu hóa việc vận chuyển và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Thêm nữa, MSC cũng bắt đầu đầu tư vào vận tải hàng không như là một dịch vụ bổ sung cho mảng kinh doanh truyền thống, mở ra cơ hội đa dạng hóa hơn nữa cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, MSC tập trung vào áp dụng các công nghệ mới vào công việc kinh doanh, giúp khách hàng đặt chỗ, quản lý và theo dõi những lô hàng của mình một cách trực tuyến, đem lại trải nghiệm tốt hơn rất nhiều.
Có thể thấy, bên cạnh mảng kinh doanh truyền thống đang rất phát triển, MSC vẫn tiếp tục cải thiện và đưa ra nhiều giải pháp tối ưu hóa hơn để phục vụ khách hàng.
Các lĩnh vực kinh doanh chính của MSC (Ảnh: MSC)
MSC xuất hiện tại vùng biển Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2003 và đã đầu tư rộng rải vào các lĩnh vực vận tải hàng hóa trong nhiều năm qua. Tại khu vực miền Nam Việt Nam, MSC cung cấp dịch vụ vận tải hàng từ Cảng Vũng Tàu tới các khu vực bờ Tây và bờ Đông Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trụng Quốc.
Tại khu vực miền Bắc và miền Nam Việt Nam, công ty cũng cung cấp một vài dịch vụ trung chuyển hàng hóa tới Tanjung Pelepas và Singapore và một vài khu vực khác.
MSC hiện đang đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam ở các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. HCM và Quy Nhơn.
Tàu MSC Oliver cập Cảng Cái Mép của Việt Nam (Ảnh: CMIT)
Dự án cảng Cần Giờ được dự kiến sẽ trải qua 7 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2024 và đưa vào hoạt động vào năm 2040. MSC đánh giá dự án có tầm quan trọng rất lớn trong chiến lược của mình những năm tới đây.