Chuyện phụng dưỡng bố mẹ già yếu là điều con cái nên làm. Thế nhưng trên thực tế không phải ai cũng làm được. Nhiều người cảm thấy nặng nhọc, thậm chí là phiền phức khi phải chăm sóc cha mẹ lúc về già. Thế nhưng đây không phải là cảm nhận của cô Cheng dù phải dành 10 năm chăm mẹ chồng đau ốm.
Diễn đàn Toutiao đã đăng tải bài viết kể về câu chuyện của cô Cheng và nhận không ít lời bàn luận. Cô năm nay 59 tuổi, làm dâu trong 1 gia đình có 3 anh chị em. Khi mới về làm dâu, bố chồng còn làm kỹ sư, mẹ chồng cô là giáo viên cấp 2. Nhìn chung đây là 1 gia đình đàng hoàng và có tiềm lực tài chính.
Tuy nhiên, chồng cô lại là người không có thành tích học tập tốt. Lớn lên người này còn bỏ học, đi làm công nhân trong 1 nhà máy. Trong khi đó, chị chồng và em chồng đều rất giỏi giang, có thành tích học tập tốt, thậm chí còn đi du học.
Vì thế họ sớm có được sự nghiệp vững chãi. Từ đó trở đi bố mẹ chồng thường dành nhiều sự quan tâm hơn tới 2 người này. Ngược lại, chồng cô không được bố mẹ kỳ vọng dù tâm tính rất tốt, dù vậy 2 vợ chồng cũng không dám so bì.
Thậm chí, khi chồng cô cố gắng làm lụng, tích cóp tiền và mua tặng mẹ 1 chiếc đồng hồ, bà cũng không hề vui vẻ. Dù món quà này không quá đắt đỏ nhưng ít nhất nó cũng xuất phát từ tấm lòng. Vì thế, vợ chồng cô đều rất buồn vì cách cư xử của mẹ.
Tới lúc em chồng kết hôn, bố mẹ còn tặng hẳn 1 cơ ngơi là căn nhà trị giá 80.000 NDT (khoảng 2,6 tỷ đồng). Trong khi đó, vợ chồng cô Cheng phải tự lực cánh sinh, sau nhiều năm làm lụng vất vả mới có được 1 căn nhà rộng khoảng 80m2. Dù vậy, 2 vợ chồng chỉ buồn chứ không ganh tỵ, vì tài sản do mình làm ra mới là thứ giá trị nhất.
Cho tới khi 2 vợ chồng ổn định kinh tế, bố mẹ họ cũng đã già yếu. Sau khi bố chồng cô Cheng qua đời, mẹ sống trong khổ sở, nhớ thương, chẳng bao lâu sau cũng ngã bệnh.
Lúc này, các anh em tập trung lại chăm sóc bà. Sau khi ra viện, bà bị liệt không thể đi lại được như trước nữa. Sức khỏe của bà xuống dốc nên 3 anh em phải bàn nhau vấn đề ai là người chăm sóc bà.
Trong thâm tâm bà rất muốn ở với gia đình người em út. Thế nhưng không ngờ rằng người này lại thoái thác ngay. Em út lấy lý do nhà có trẻ nhỏ nên rất ồn ào, không tiện để mẹ sống chung. Chị chồng lại lấy lý do ngày nào cũng bận rộn, thậm chí còn chẳng kịp ăn cơm, không thể chăm sóc cho mẹ.
Vì thế, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào vợ chồng cô Cheng. Lúc này, dĩ nhiên cặp đôi không hề từ chối, thậm chí còn vui vẻ nhận việc chăm sóc mẹ già.
Kể từ đó, cô Cheng trở thành người chăm sóc mẹ chồng mỗi ngày. Suốt khoảng thời gian này, thậm chí chị chồng, em chồng còn không tới thăm mẹ già. Họ luôn nói rằng công việc bận rộn nên không có nhiều thời gian lui tới, chỉ những dịp lễ tết họ mới có mặt cho tròn bổn phận.
Sau 10 năm chăm sóc mẹ bệnh tật, gia đình cô Cheng phải bỏ đi rất nhiều thú vui. Họ giữ không gian yên ắng, không quá náo nhiệt để không ảnh hưởng tới mẹ già. Họ cũng không thể ra ngoài đi chơi quá nhiều ngày vì phải chăm mẹ.
Cho tới 1 ngày, khi mẹ qua đời, các anh em đã dò hỏi chuyện tài sản của bà cụ. Họ dò xét xem cô Cheng có nhận được gì từ mẹ hay không nhưng cô khẳng định không có.
Cho đến khi tang lễ của bà cụ kết thúc, vài ngày sau cô bỗng thấy thông báo từ ngân hàng. Tài khoản của cô bỗng nhiên có thêm 1,8 triệu NDT (5,9 tỷ đồng).
Đây chính là tài sản mà mẹ chồng tiết kiệm, dành dụm bấy lâu nay. Nay bà muốn gửi cho vợ chồng cô Cheng với hy vọng họ sẽ luôn bình yên, thuận lợi. Đây cũng là tình cảm mà bà dành cho 2 con sau khi hiểu được tấm lòng của các con.
Sau nhiều năm chăm sóc mẹ già, sống có hiếu, cô Cheng nhận được món quà bất ngờ và vô cùng giá trị. Cuộc sống là những bài học giá trị, cho dù chúng ta có chịu thiệt nhưng chỉ cần sống đúng lòng mình chắc chắn sẽ có được “trái ngọt”.
Theo Toutiao