CEO Quản lý quỹ Phú Hưng: Nghị quyết 68 thúc đẩy văn hóa tích lũy tài sản hợp pháp, công bằng và toàn diện

Ngọc Ly | 14:49 27/05/2025

Sự tích lũy của cải của tầng lớp người giàu có sẽ mang lại sự ổn định thông qua tiêu dùng trong nước và thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp mới và cải tiến công nghệ.

CEO Quản lý quỹ Phú Hưng: Nghị quyết 68 thúc đẩy văn hóa tích lũy tài sản hợp pháp, công bằng và toàn diện

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lớn, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cùng nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người dân phát triển, giàu mạnh, đặc biệt là Nghị quyết 68 mới đây của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Các chuyên gia dự báo tầng lớp trung lưu sẽ ngày càng nhiều lên, dẫn đến nhu cầu quản lý tài sản, tài chính ngày càng được chú trọng. Trước đó, theo báo cáo The Wealth Report 2025, Việt Nam hiện có khoảng 5.459 cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD. Đơn vị này cũng dự báo đến năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 cá nhân siêu giàu, tăng 30% so với năm 2023.

Trao đổi về vấn đề này trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, với những chính sách kể trên, dự báo trong tương lai sẽ có nhiều nhiều tầng lớp trung lưu và giàu có hơn tại Việt Nam do đó việc quản lý tài sản, tài chính cũng sẽ được chú trọng hơn, để người dân có thể sớm tự do về tài chính, góp phần tạo nên Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

BTV Khánh Ly: Số lượng tầng lớp triệu phú hay tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, các ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM): Tôi cho rằng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và triệu phú của Việt Nam là kết quả tất yếu của hơn hai thập kỷ phát triển kinh tế ổn định và cải cách thị trường. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Sự tích lũy của cải của tầng lớp người giàu có sẽ mang lại sự ổn định thông qua tiêu dùng trong nước và thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp mới và cải tiến công nghệ.

Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn tư nhân sẽ tham gia nhiều hơn vào sự phát triển của nền kinh tế với sự hỗ trợ về cải tiến chính sách như Nghị quyết 68. Trong bối cảnh này, quản lý tài sản sẽ giúp định hướng vốn vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao, cho phép nhiều người gia tăng và củng cố tài sản của họ.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội: Việt Nam đang ở trong thời kỳ đất nước phát triển và đang đứng ở Top 30 của nền kinh tế thế giới. Từ năm 1986 đến nay, chúng ta thấy xã hội, hạ tầng giao thông ở các cơ sở phát triển và trong hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng tất yếu sẽ có nhiều các lĩnh vực, các ngành đã được phát triển từ bất động sản, ngân hàng, chứng khoán…

screenshot-2025-05-27-153749.png

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội

Chúng ta cũng hỗ trợ và đồng hành với những doanh nghiệp sản xuất với quy mô nhỏ và quy mô vừa, giúp thúc đẩy các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức đã phát triển một cách giàu mạnh. Trong ASEAN, ví dụ Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.. cách đây khoảng 10-20 năm, họ đã có nhiều cá nhân trở thành triệu phú, tỷ phú, và nay Việt Nam chúng ta không nằm ngoài xu hướng tất yếu của khu vực và trên thế giới.

Kết quả trên có phải đang cho thấy người Việt Nam ngày càng chú trọng hơn về quản lý đầu tư, quản lý tài sản và tài chính cá nhân và trở thành những người tự do về tài chính, thưa hai ông?

Ông Lu Hui Hung: Đúng vậy, xu hướng người dân chú trọng vào việc quản lý tài chính hiện nay đã rất rõ ràng. Khi thu nhập tăng lên, người Việt có xu hướng suy nghĩ nghiêm túc hơn về cách làm giàu và bảo vệ tài sản của họ. Điều thú vị nhất chính là hiện nay thế hệ trẻ Gen Z và Gen Y (Millennials) đã bắt đầu đầu tư qua các nền tảng số từ rất sớm.

Theo các nghiên cứu toàn cầu, 30% Gen Z đã bắt đầu đầu tư ngay từ những năm đầu tuổi trưởng thành. Tại Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng, chúng tôi ghi nhận mức tăng gần 40% nhà đầu tư trẻ, cho thấy nhu cầu này là rất thực tế và đang phát triển nhanh chóng.

Để tìm kiếm sự tự do tài chính, người trẻ ở Việt Nam giao dịch cổ phiếu, tiền điện tử và thậm chí cả các công cụ phái sinh, với một tư duy táo bạo và tự chủ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ tăng cao. Chính từ vấn đề này, các dịch vụ quản lý tài sản chuyên nghiệp của các công ty quản lý tài sản không chỉ giúp nhà đầu tư tích lũy mà còn cần truyền thông đúng đắn, hướng dẫn họ xây dựng kỷ luật đầu tư và lập kế hoạch tài chính dài hạn để đạt mục tiêu tài chính cho tương lai.

TS. Mạc Quốc Anh: Truyền thống trước đây, các cá nhân hay tổ chức thường tích luỹ tài chính bằng cách gửi khoản tiền tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng hay mua trái phiếu, tín phiếu…

Nhưng, trong thời gian vừa qua đã có thêm nhiều kênh đầu tư khác như thị trường cổ phiếu, bất động sản, vàng… và các quỹ đầu tư cũng đã được thành lập cả trong nước lẫn các quỹ nước ngoài vào Việt Nam. Người dân hay các doanh nghiệp khi đầu tư thông qua các quỹ, vốn được quản trị một cách bài bản bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệp cũng sẽ giảm thiểu các rủi ro, nhờ đó mọi người làm chủ về tài chính hơn. Như vậy, Việt Nam ngày càng đa dạng hóa hơn về các kênh đầu tư, từ đó người dân càng có thể tiếp cận và quản lý tài sản, tài chính nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn, giúp cho số triệu phú, tỷ phú ngày càng gia tăng hơn ở Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam cũng ngày càng có các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế đất nước, đặc biệt các kênh đầu tư hiện nay đều đang được quản lý hiệu quả minh bạch hơn. Theo các ông, các chính sách này đang phát huy như thế nào?

Ông Lu Hui Hung: Việt Nam đang chuyển mình từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư nước ngoài sang khai thác và vận dụng vốn trong nước để phát triển kinh tế hiệu quả hơn.

Hiện nay, chúng ta đã và đang chứng kiến các quy định đổi mới của nhà nước ngày càng minh bạch hơn, chính sách bảo vệ nhà đầu tư được cải thiện và xu hướng khuyến khích tích lũy tài sản tư nhân ngày càng mạnh mẽ. Những thay đổi này đang trao quyền cho người dân tham gia vào việc tích lũy của cải thông qua các kênh đầu tư hợp pháp và an toàn. Đây là một sự cải tiến tích cực và cần thiết để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng đời sống của người Việt Nam.

Đối với thị trường chứng khoán, Việt Nam đang thực hiện những cải cách tương tự các nước đi trước qua việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX hay việc áp dụng chuẩn mực IFRS và xây dựng khung pháp lý cho các sản phẩm trái phiếu cũng như tài chính kỹ thuật số. Những yếu tố này sẽ tạo thành một hệ thống trụ cột cho một thị trường hiện đại, toàn diện và đi vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững.

Một điểm đặc biệt nổi bật gần đâynghị quyết 68, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân toàn diện, không chỉ là thúc đẩy tập đoàn tư nhân lớn mà còn thúc đẩy kênh khởi nghiệp. Các ông đánh giá như thế nào về nghị quyết này trong việc thúc đẩy nền kinh tế, gia tăng tài sản, tài chính cho người Việt Nam?

Ông Lu Hui Hung: Nghị quyết 68 là một bước đi táo bạo và hoàn toàn có chiến lược cụ thể. Tôi nhận thấy nghị quyết này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam đang muốn phát huy hết sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân - không chỉ các tập đoàn lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ và các doanh nhân cá nhân cũng được chú trọng phát triển.

Nghị quyết này thúc đẩy một nền văn hóa tạo ra tài sản tích lũy một cách hợp pháp, công bằng và toàn diện, mở ra cơ hội cho “mỗi hộ gia đình đều có thể khởi nghiệp”. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của người xưa: Giữ của cải trong nhân dân.

Theo nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới và IFC chỉ ra rằng, một khu vực có nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ sẽ nâng cao năng suất quốc gia, tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc toàn cầu và góp phần tạo nên của cải quốc gia. Mục tiêu là đến năm 2030, các doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp hơn 60% GDP. Vì vậy, nghị quyết này không chỉ nhằm hỗ trợ kinh doanh mà còn hướng tới xây dựng một xã hội nơi mỗi người Việt Nam đều có thể trở thành thành phần chủ động trong nền kinh tế, chứ không chỉ là người nhận lương.

TS. Mạc Quốc Anh: Chúng ta đang thúc đẩy một cộng đồng phát triển, Việt Nam hiện nay có 940.000 doanh nghiệp, trong đó là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 98,5%. Tại Nghị quyết số 68, kinh tế tư nhân sẽ có vai trò và vị trí quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Chính vì vậy, sắp tới chúng ta sẽ có một phong trào để huy động một lực lượng kinh tế tư nhân sẽ phát triển một cách giàu mạnh, trong đó có nhiều hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ về thuế. Chúng ta đã giảm thuế đất đai, thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, có rất nhiều các dư địa để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Các doanh nghiệp có thể tận dụng tốt cơ hội của Nghị quyết 68, đó là thứ nhất, mở rộng về mặt quy mô sản xuất, đầu tư, nguồn lực và phải mạnh dạn đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ hai là có nhiều các sản phẩm, dịch vụ có đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế trong bối cảnh chúng ta có 16 các hiệp định song phương và đa phương, rồi các hợp tác mang tính toàn diện với các nước đứng đầu ở trên thế giới.

Rất nhiều cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân, cũng như sẽ có nhiều kênh để đa dạng hóa về đầu tư thông qua các thị trường trong chuỗi giá trị liên kết và rất nhiều các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh sẽ trở thành các doanh nghiệp, các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn trong năm 2025 và những năm tới.

Với những chính sách kể trên, dự báo trong tương lai sẽ có nhiều nhiều tầng lớp trung lưu và giàu có hơn tại Việt Nam, theo các ông ngành quản lý tài sản sẽ diễn ra như thế nào và người dân nên làm gì để có thể sớm tự do về tài chính, góp phần tạo nên Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên mới?

Ông Lu Hui Hung: Khi Việt Nam ngày càng giàu có và tinh tế hơn về tài chính, ngành quản lý tài sản cũng cần phải phát triển nhanh chóng để kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giới trung lưu. Về phía các công ty quản lý quỹ, dịch vụ quản lý tài sản cũng cần mở rộng phạm vi truyền thông về lợi ích quản lý tài chính trong cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng cả các nhà đầu tư bán lẻ trẻ tuổi tiếp cận nhiều hơn về các sản phẩm đầu tư trên nền tảng số.

Thị trường sẽ cần đẩy mạnh sự đa dạng hoá sản phẩm đầu tư như mở rộng các lĩnh vực đầu tư vào ESG, công cụ tư vấn tự động và các chiến lược danh mục đầu tư dài hạn để phù hợp với nhiều mục tiêu tích lũy tài sản của người dân.

Đối với mỗi cá nhân, tự do tài chính giờ đây là điều hoàn toàn có thể đạt được nhưng nó đòi hỏi bạn phải hành động. Trước tiên, hãy xây dựng kiến thức tài chính cần thiết: hiểu về rủi ro, cách lập ngân sách và nhận thức được sức mạnh của lãi kép. Tiếp theo, hãy bắt đầu đầu tư sớm và có chiến lược thông minh và mục tiêu rõ ràng, chứ đừng chỉ chạy theo xu hướng tức thời.

Cuối cùng, hãy tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia khi cần thiết. Tại Công ty CP Quản Lý Quỹ Phú Hưng, chúng tôi đánh giá dịch vụ quản lý danh mục đầu tư là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành quản lý tài sản tại Việt Nam. Việc phân bổ tài sản đầu tư theo chiến lược rõ ràng và mục tiêu cụ thể sẽ giúp nhiều người dân quản lý tài chính một cách hiệu quả, đồng thời gia tăng giá trị tài sản và góp phần tạo nên một Việt Nam thịnh vượng, bền vững hơn.

TS. Mạc Quốc Anh: Chủ trương, đường lối của Đảng luôn mong muốn dân giàu nước mạnh và bây giờ, doanh nhân, người dân phải giàu thì đất nước mới mạnh. Với tinh thần Nghị quyết 68 sẽ tạo ra một không gian mới, những xung lực mới, những thị trường mới để hỗ trợ, đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển. Khi doanh nghiệp phát triển sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, cũng như tiếp cận được những thị trường ở khu vực và trên thế giới. Nhờ vậy, thị trường của chúng ta cũng sẽ được thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Ở trong xu hướng của một Việt Nam thịnh vượng, xu hướng tất yếu sẽ tạo ra một thế hệ doanh nhân mới, thế hệ các cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn, không chỉ giàu về tài sản và quan trọng nhất là giàu về trí tuệ. Do đó ngành quản lý tài chính, tài sản ở trong nước cũng sẽ cần phải phát triển mạnh mẽ và bài bản hơn nữa, theo kịp với sự phát triển của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế trong kỷ nguyên mới.


(0) Bình luận
CEO Quản lý quỹ Phú Hưng: Nghị quyết 68 thúc đẩy văn hóa tích lũy tài sản hợp pháp, công bằng và toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO