CEO Chứng khoán Phú Hưng: Việt Nam đang có lợi thế thuận lợi hơn bao giờ hết

Hà My | 09:24 19/11/2024

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8, ông Chen Chia Ken, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng cho biết, mặc dù trong năm qua đối diện với bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều phức tạp nhưng Việt Nam vẫn đang cho thấy được sức mạnh nội tại của mình cùng các định hướng chính sách tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

CEO Chứng khoán Phú Hưng: Việt Nam đang có lợi thế thuận lợi hơn bao giờ hết

BTV Mùi Khánh Ly: Như ông cũng đã thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi qua phần lớn thời gian của năm 2024, ông có đánh giá như thế nào về thị trường Việt Nam hiện nay?

Ông Chen Chia Ken, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Tính đến hiện tại, chỉ số VN Index đang dao động tại mức hiệu suất 12% so với cuối năm 2023. Con số này xấp xỉ với mức tăng trưởng 12,2% trong cả năm 2023 và vượt trội so với mức tăng bình quân của thị trường chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á trong năm nay.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng có phần khiêm tốn so với những chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới như S&P 500 tăng 24%, Nikkei 225 tăng 17,7%, hay Hang Seng tăng được 20,5%. Xu hướng chuyển dịch dòng tiền về các thị trường phát triển và đầu tư vào cổ phiếu công nghệ đã thể hiện rõ trong năm nay. Vì vậy chúng ta có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đang chưa thực sự hấp dẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua đó khối ngoại liên tục rút vốn và thanh khoản thị trường giảm dần qua từng tháng.

khach-moi-1-.png

Nếu so với các thông tin tích cực đang có như GDP tăng trưởng ở mức cao, những nỗ lực trong việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường của cơ quan quản lý, cùng mức lãi suất thấp… thì mức tăng trưởng của thị trường Việt Nam có vẻ như chưa được như kỳ vọng của nhà đầu tư trong năm nay, theo ông đâu là điểm nghẽn của thị trường?

Theo quan điểm của tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang có một số vướng mắc. Thứ nhất là vấn đề thanh khoản và sự luân chuyển của dòng vốn trong nền kinh tế. Tính từ tháng 4/2023 đến nay, khối ngoại đã bán ròng 19 tháng trong tổng số 20 tháng trên thị trường Việt Nam với tổng giá trị lên đến khoảng 4,4 tỷ USD. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ giá leo thang và chênh lệch lãi suất giữa USD và VND có sự gia tăng.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhìn nhận một vấn đề rằng, thị trường Việt Nam hiện đang không có nhiều lựa chọn mới để đáp ứng với khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài. Một phần là do những giới hạn về vấn đề room ngoại. Cùng với đó là câu chuyện thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn vẫn còn dang dở.

Mặt khác, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ vào thị trường chứng khoán hiện đang không dồi dào như trước. Mặc dù số lượng tài khoản cá nhân mở mới khá tích cực nhưng số liệu cho thấy lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đã giảm trong hai quý liên tiếp. Khi mà lãi suất tiền gửi ngân hàng đang nhích lên và các kênh đầu tư truyền thống như vàng hay bất động sản sôi động trở lại thì việc một phần tiền từ kênh chứng khoán bị hao hụt cũng là điều tất yếu.

Thứ hai là vấn đề cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Hiện nay, đa số lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán đến từ đối tượng là nhà đầu tư cá nhân. Dòng vốn này có tính chất nhạy cảm với thông tin và dễ bị cảm xúc chi phối. Việc chỉ số VN Index liên tục chưa vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm cũng là một bằng chứng cho thấy nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm cách chốt lời nếu VN Index tiến đến vùng này và gây ra trở ngại khiến thị trường khó bứt phá.

Trong khi đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức vẫn còn khiêm tốn. Các loại hình quỹ đầu tư như quỹ tương hỗ hay ETF chưa thực sự phổ biến đến đông đảo người dân trong nước, mặc dù quy mô cũng như số lượng các quỹ ETF hiện nay đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước kia.

khach-1.png

Dự báo bước sang năm 2025, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi và Fed cũng đã cắt giảm dần lãi suất từ tháng 9 năm nay. Vậy theo ông bước sang năm 2025, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ như thế nào?

Tôi cho rằng năm 2025 tình hình địa chính trị toàn cầu sẽ tiếp tục phức tạp, với nhiều diễn biến khó đoán. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn sẽ có triển vọng tích cực hơn nhờ sự phục hồi của thương mại và kiểm soát lạm phát hiệu quả. Hàng loạt các Ngân hàng trung ương lớn như Fed, ECB, PBOC đã thực hiện giảm lãi suất trong năm 2024 và dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2025. Qua đó, nhu cầu tiêu dùng được dự báo cải thiện hơn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất và thương mại.

Theo dự báo mới nhất của IMF, kinh tế toàn cầu dự kiến duy trì mức tăng trưởng ổn định 3,2% trong năm 2025, trong đó, khu vực Châu Âu, Nhật Bản kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn, ngược lại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc được dự báo giảm nhiệt. Mặc dù đối diện với bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều phức tạp nhưng Việt Nam vẫn đang cho thấy được sức mạnh nội tại của mình, và có thể tận dụng được những cơ hội để đạt được mức tăng trưởng khả quan, quanh 7% trong năm 2025, một năm được xem là năm chiến lược của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam đang có lợi thế thuận lợi hơn bao giờ hết nhờ vị trí địa chính trị chiến lược, mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với nhiều quốc gia và là điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI, tăng trưởng kinh tế ổn định và bền bỉ trên 6% cùng với lạm phát trong tầm kiểm soát; các định hướng chính sách tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với những yếu tố trên, tôi hoàn toàn tin rằng bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 sẽ tiếp tục khởi sắc.

Còn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ra sao trong bối cảnh đó? Nhà đầu tư nước ngoài đang kỳ vọng về thị trường như thế nào trong bối cảnh triển vọng nâng hạng đang đến gần?

Năm 2025 sẽ là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua đã có những quyết tâm trong vấn đề giải quyết bài toán nâng hạng thông qua việc sửa đổi luật chứng khoán. Nút thắt giao dịch phải ký quỹ trước (pre - funding) dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được tháo gỡ và cánh cửa nâng hạng đã rộng mở hơn. Tôi cho rằng khi lãi suất chính sách của các quốc gia phát triển giảm nhanh hơn trong năm 2025 sẽ thúc đẩy dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm đến các thị trường mới nổi có mức tăng trưởng tốt như Việt Nam. Mặt khác, kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp của SCIC dự kiến cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2025 bởi đây là năm cuối trong lộ trình 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Điều đó sẽ là những động lực lớn để thu hút dòng vốn ngoại sớm trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.

2-nguoi-1-.png

Những nhóm ngành mà nhà đầu tư quan tâm nếu thị trường được nâng hạng là gì?

Khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, một loạt ngành sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Theo tôi, dòng vốn thường chú ý đến các nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và tiềm năng tăng trưởng bền vững. Đầu tiên là ngành ngân hàng, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế với quy mô lớn và tính thanh khoản cao, hứa hẹn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ nhà đầu tư. Kế đến là bất động sản và tiêu dùng, khi tầng lớp trung lưu phát triển và thu nhập bình quân đầu người tăng, hai ngành này sẽ được hỗ trợ để đạt tăng trưởng mạnh mẽ. Nhóm ngành chứng khoán cũng đáng chú ý, vì các công ty chứng khoán sẽ là những đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ sự gia tăng thanh khoản và sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, giúp họ mở rộng dịch vụ và tăng trưởng nguồn thu từ môi giới và tư vấn đầu tư. Cuối cùng, không thể bỏ qua ngành công nghệ khi xu hướng AI đang bùng nổ, tạo nên nhiều cơ hội phát triển mới. Thực tế tại các thị trường đã được nâng hạng như Qatar, Pakistan và gần đây nhất là Kuwait cho thấy rằng các nhóm ngành này thường thu hút dòng vốn nước ngoài lớn, trở thành các lĩnh vực nổi bật trên thị trường.

Bên công ty ông sẽ có những chiến lược như thế nào để đóng góp vào sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như đón làn sóng nâng hạng?

Để chuẩn bị cho làn sóng nâng hạng, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đã có những chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước hết, chúng tôi tập trung vào việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và tư vấn đầu tư, phát triển các báo cáo phân tích chuyên sâu cho từng nhóm khách hàng, nhằm giúp nhà đầu tư có thông tin chính xác để ra quyết định hiệu quả, đồng thời mở rộng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm tài chính, bao gồm các sản phẩm phái sinh và chứng quyền.

Để đảm bảo trải nghiệm của nhà đầu tư tối ưu, PHS đã đẩy mạnh nền tảng số hóa và công nghệ AI, giúp dễ dàng tiếp cận thông tin và phân tích dữ liệu thị trường. Đặc biệt, gần đây chúng tôi đã cải tiến và ra mắt ứng dụng di động mới, PHS Elite, cung cấp nhiều tính năng ưu việt giúp khách hàng có thể giao dịch và theo dõi thông tin tài chính mọi lúc, mọi nơi. Chúng tôi cũng luôn tích cực trong việc kết nối với các quỹ đầu tư quốc tế, thường xuyên giới thiệu các cơ hội đầu tư hấp dẫn vào thị trường Việt Nam, qua đó thu hút thêm dòng vốn ngoại và góp phần tạo sức bật cho thị trường. Quan trọng nhất, chúng tôi luôn áp dụng các chuẩn mực quản trị minh bạch nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tôi tin rằng tất cả các chiến lược này sẽ góp phần thúc đẩy một thị trường chứng khoán Việt Nam chuyên nghiệp và bền vững!


(0) Bình luận
CEO Chứng khoán Phú Hưng: Việt Nam đang có lợi thế thuận lợi hơn bao giờ hết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO