Cập nhật đến ngày 24/10 đã có 17 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022. NCB, BaoVietBank, LienVietPostBank đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022.
NCB ghi nhận lỗ 199 tỷ đồng trong quý 3/2022 trong khi cùng kỳ lãi 80 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của việc sụt giảm lợi nhuận là thu nhập lãi thuần trong quý 3 lỗ 2,1 tỷ đồng. Các mảng hoạt động khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối vẫn có sự tăng trưởng, tuy nhiên nguồn thu nhập này chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Tổng tài sản của NCB tăng 6% trong 9 tháng đầu năm, đạt 78.198 tỷ đồng. Dư cho vay khách hàng đạt 45.164 tỷ đồng, tăng 8,5%. Tiền gửi khách hàng đạt 64.334 tỷ đồng.
Tại BaoVietBank, lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 ở mức 9,6 tỷ đồng; Lũy kế 9 tháng đạt 36 tỷ đồng. Cho vay khách hàng của BaoVietBank tăng 18% trong 9 tháng đầu năm lên 29.842 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 174 tỷ đồng, tương đương tăng 0,4% lên 37.252 tỷ đồng.
LienVietPostBank có kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 1.233 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận nhà băng này đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm.
Nhiều mảng kinh doanh của LienVietPostBank có kết quả tích cực. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 779 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái do các dịch vụ trọng tâm như Bảo hiểm, Thanh toán quốc tế, Ngân hàng số,…tăng trưởng tốt.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 313 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,8% lên gần 228 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,4% lên hơn 193 nghìn tỷ đồng. Số dư phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 36,7 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, sự phân hóa trong bức tranh kết quả kinh doanh của các ngân hàng đang ngày càng hiện rõ. Trong 17 ngân hàng, mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong 9 tháng đầu năm là 79% (tại SHB), tiếp đến là LienVietPostBank (tăng 72%), VPBank (69%), SeABank (59%),…Trong khi đó, có 2 ngân hàng tăng trưởng âm là BaoVietBank và NCB.