“Càng về cuối năm kinh tế vĩ mô càng ổn định hơn”

Phạm Minh thực hiện | 14:56 30/01/2023

Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng với MarketTimes về kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2022 và nhận định năm 2023.

“Càng về cuối năm kinh tế vĩ mô càng ổn định hơn”
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng. (Ảnh: Int)

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP năm 2023, Việt Nam cần đẩy mạnh được kinh tế số, ổn định thị trường tài chính, lấy lại niềm tin của giới đầu tư. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam càng về cuối năm 2023 càng ổn định hơn.

MarketTimes: Theo như số liệu củaTổng cục Thống kê công bố, năm 2022 GDP đạt 8,02 và lạm phát là 3,15. Nếu như so sánh với một số nền kinh tế trên thế giới thì đây có thể nói là mức tăng trưởng cao nhất và mức lạm phát thấp nhất. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đây đều là những con số khá lạc quan và tích cực, nghĩa rằng chúng ta có mức độ tăng trưởng tốt và kiểm soát được lạm phát trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.

Đặc biệt, kinh tế trong nước cũng đang gặp nhiều diễn biến khó lường như lạm phát khiến giá cả tăng lên rất nhiều, doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ tết sớm, các công ty vào những tháng cuối năm không có đơn đặt hàng của nước ngoài…

Về thị trường tài chính cũng cho thấy, VNIndex giảm hơn 30%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng vào những tháng cuối năm, bất động sản cũng không phát triển mạnh, tăng trưởng tín dụng cho đến cuối năm là gần mức 14% và ngân hàng nhà nước có tăng 1,5 – 2% nhưng có lẽ cũng chỉ đủ xoa dịu tâm lý nền kinh tế đang gặp khó khăn, không có hiệu quả nhiều….

Thế nhưng, Việt Nam ngoài những con số về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, xuất khẩu cũng lên đến 733 tỷ USD với tỷ lệ lên đến trên 200% GDP. Đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng 13,5% tương đương 22,1 tỷ USD. Đây thực sự là những con số tích cực cho nền kinh tế.

MarketTimes: Với một loạt khó khăn của nền kinh tế như vậy, nhưngkết quả tăng trưởng vẫn đạt chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra. Đâu là động lực của năm 2022 để tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,02%, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, có nhiều yếu tố tác động tích cực lên nền kinh tế.

Thứ nhất, xuất nhập khẩu tăng cả 2 chiều lên đến 733 tỷ USD, riêng xuất khẩu tăng 11% lên đến 372 tỷ USD.

Thứ hai là có những phát triển về kinh tế số.

Thứ ba là vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lên đến 97%, cùng nền nông nghiệp luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, có một đặc điểm về kinh tế Việt Nam là người lao động rất cần cù, năng lực lao động thấp nhưng chịu khó, đây cũng là một động lực để tăng trưởng kinh tế.

MarketTimes: Theo dự báo năm 2023 tình hình kinh tế sẽ khó khăn hơn, động lực tăng trưởng là xuất nhập khẩu cũng sẽ suy giảm, hầu hết các tổ chức quốc tế cũng dự báo là kinh tế năm 2023 cũng có dấu hiệu chững lại, thấp hơn 2022. Theo ông, chúng ta có giải pháp gì để có đạt được mức tăng trưởng 6,5% như Quốc hội đặt ra cho năm 2023?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước tiên, chúng ta vẫn kỳ vọng vào xuất nhập khẩu mặc dù nền kinh tế thế giới có thể chậm lại năm 2023, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ. Nếu nền kinh tế chậm lại thì nhu cầu các sản phẩm sẽ giảm đi, theo đó là hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng. Khi nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái thì chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng đến các thị trường: tài chính, đầu tư, chứng khoán.

Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động rất lớn từ việc FED tăng lãi suất 7 lần, tỷ giá hối đoái bị ảnh hưởng rất nhiều, VND bị suy yếu và Ngân hàng nhà nước phải bán ngoại tệ ra với một lượng lớn, có lúc dự trữ quốc gia xuống đến chỉ còn khoảng 80 - 90 tỷ USD.

Xét năm 2023 FED có thể tăng lãi suất nhưng khả năng ở mức độ sẽ thấp hơn năm 2022. Và nếu Mỹ kiểm soát được lạm phát vào năm 2023 thì nửa cuối năm Mỹ sẽ dừng việc tăng lãi suất, đó là điều tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, nội lực của nền kinh tế Việt Nam, chủ trương kỹ thuật số của chính phủ là một chủ trương đúng đắn và cần được đẩy mạnh. Đây là một động lực quan trọng bởi khi chúng ta không tận dụng được kinh tế số thì những quy trình như sản xuất kinh doanh đến vấn đề đề tài chính của chúng ta sẽ bị chậm với bước đi của toàn cầu.

Riêng về thị trường tài chính, Chính phủ phải làm mọi cách để lấy lại sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Năm 2022, các vụ án cùng các vấn đề ngân hàng, việc hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng có rất nhiều lỗi lầm, từ đó dẫn đến sự bất mãn của người dân, sự mất tin tưởng đến thị trường. Những điều này có nghĩa 2023 là năm phải lấy lại được niềm tin của giới đầu tư.

Nhưvậy, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều biến động trong năm 2023, với cả hai hướng tích cực và tiêu cực, nhưng phần tích cực sẽ nhiều hơn và càng về cuối năm càng ổn định hơn.

MarketTimes: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Càng về cuối năm kinh tế vĩ mô càng ổn định hơn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO