Cắm 4 BĐS để vay thế chấp, người đàn ông bị lừa chuyển khoản 400 triệu đồng: Ngân hàng nói không liên quan, cái kết gây bất ngờ

Ánh Lê | 13:54 09/11/2023

Tin theo 2 người lạ, người đàn ông Trung Quốc suýt mất hết tiền và tài sản.

Cắm 4 BĐS để vay thế chấp, người đàn ông bị lừa chuyển khoản 400 triệu đồng: Ngân hàng nói không liên quan, cái kết gây bất ngờ

Cuối tháng 8/ 2021, Bản tin Phát thanh Truyền hình Trùng Khánh, Trung Quốc đưa tin một doanh nhân họ Hình từ nơi khác đến Trùng Khánh làm ăn, đang cần xoay vòng vốn gấp nên muốn cầm 4 bất động sản đứng tên mình để vay thế chấp ngân hàng.

Qua trung gian, anh Hình đã gặp 1 người đàn ông và 1 người phụ nữ  tự xưng là “nhân viên ngân hàng” và có thể giúp đỡ anh giải quyết nhanh vấn đề. Tuy nhiên, điều doanh nhân này không ngờ tới là sau một số giao dịch được thực hiện, khoản vay mà anh mong chờ đã không xuất hiện. Thậm chí, anh Hình còn có nguy cơ đối mặt với thua lỗ nặng.  

Chia sẻ với các phóng viên, anh Hình cho biết rằng vào tháng 5 năm 2021, qua giới thiệu, anh đã gặp gỡ 2 người tự xưng là nhân viên của Ngân hàng Woori - một ngân hàng đa quốc gia của Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul. Họ nói rằng có thể giúp anh đăng ký vay thế chấp ngân hàng một cách nhanh gọn. Vì vậy, anh Hình đã nộp đơn xin vay thế chấp 4,2 triệu NDT (hơn 14 tỷ đồng) thông qua hai người này và cung cấp cho bên kia các thủ tục liên quan đối với 4 tài sản của mình.

Anh Hình. Ảnh: Sina

Theo 2 nhân viên này, sau khi xem xét trường hợp của anh Hình, đơn xin vay tiền của anh đã được Ngân hàng Woori xét duyệt. Tuy nhiên, trước tiên anh Hình phải trả phí thẩm định ngân hàng, phí xử lý khoản vay và các khoản phí liên quan khác.

Sau đó, người đàn ông họ Hầu đã gửi cho anh một tài khoản rồi yêu cầu anh chuyển khoản phí vay 120.000 NDT (hơn 400 triệu đồng) vào đó. Vốn có tính cẩn thận, anh Hình cũng rất để ý đến các điều khoản trước khi chuyển tiền. Theo đó, khoản của anh là khoản vay với thời hạn một năm.

Trong khoảng thời gian này, người đàn ông họ Hầu đã gặp anh Hình 2 lần nữa ở gần ngân hàng. Hai bên thống nhất đến ngân hàng làm thủ tục thế chấp tài sản vào ngày 26/8/2021. Nhưng ngày hôm đó, đối phương không còn xuất hiện cũng không trả lời điện thoại hay tin nhắn. Cảm thấy có điều gì đó không ổn, anh Hình đã đến ngân hàng Woori để tìm hiểu sự việc nhưng kết quả khiến anh rất bất ngờ. 

Phía ngân hàng phủ nhận liên quan đến vụ việc, đồng thời cho biết đơn vị của họ quả thực có một nhân viên họ Hầu, tuy nhiên người đó không phải là người anh đã gặp. Nói cách khác, có người đã giả mạo nhân viên họ Hầu này để thực hiện hành vi lừa đảo. Quan trọng hơn, ngân hàng này cũng khẳng định hồ sơ cho vay của anh Hình cũng là giả.

Ảnh minh họa: Internet

Lúc này, anh Hình như chết lặng.  Để xác minh tình hình, phóng viên đã cố gắng gọi vào số di động của người đàn ông tự xưng là nhân viên ngân hàng nhưng không liên lạc được. Tại cổng vào chi nhánh Ngân hàng Woori, Trùng Khánh, phóng viên cũng đã phỏng vấn nhân viên họ Lương đang làm việc tại ngân hàng. Người này cho biết bản thân không biết gì về vụ việc.

Lúc này anh Hình mới chấp nhận việc mình đã bị lừa. Trước khi cuộc phỏng vấn của phóng viên kết thúc, anh Hình bất ngờ nhận được khoản thanh toán từ một tài khoản không xác định, số tiền chính xác là 4.500 NDT(hơn 15 triệu đồng). Anh Hình cũng cho biết khoản phí xử lý khoản vay 120.000 NDT cũng đã được trả lại trước đó. 

Sau đó, anh đã trình báo sự việc với cảnh sát Trung Quốc. Phía cảnh sát đã vào cuộc điều tra sự việc và bắt giữ được 2 đối tượng lừa đảo trên sau đó không lâu.

Hiện nay, lợi dụng nhu cầu vay vốn tăng cao của nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ, các đối tượng phạm tội đã mạo danh các ngân hàng, công ty tài chính cho vay tiền với lãi suất rất thấp nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, người bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng trên, mọi người được khuyến cáo nên chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Đồng thời cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền; không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân khi chưa xác định được sự uy tín của đối phương. 

Trong trường hợp bị lừa đảo, nên nhanh chóng trình báo cảnh sát nơi gần nhất để có phương án xử lý kịp thời, tránh tổn thất lớn xảy ra.

(Theo finance.sina.com)


(0) Bình luận
Cắm 4 BĐS để vay thế chấp, người đàn ông bị lừa chuyển khoản 400 triệu đồng: Ngân hàng nói không liên quan, cái kết gây bất ngờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO