Cách để hưởng lương hưu lên đến hàng trăm triệu mỗi tháng

Nhật Hạ | 15:12 09/09/2024

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 hiệu lực từ ngày 1-7-2025 có một số thay đổi về chính sách lương hưu.

Cách để hưởng lương hưu lên đến hàng trăm triệu mỗi tháng

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 hiệu lực từ ngày 1-7-2025 có một số thay đổi về chính sách lương hưu. Trong đó, luật cho phép người lao động và người sử dụng lao động được phép tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung để hưởng lương hưu ở mức cao

Theo đó, Luật BHXH 2024 đang quy định 5 loại hình bảo hiểm gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí bổ sung. 

Cả 5 loại hình bảo hiểm đều đưa ra mức sàn và trần đóng, chẳng hạn người tham gia BHXH bắt buộc  có thể phải đóng tối đa 47,9 triệu đồng mỗi tháng; trong khi đối với BHXH tự nguyện, mức đóng tối đa có thể là 37 triệu đồng mỗi tháng...

Quy định trên của pháp luật được cơ quan BHXH Việt Nam giải thích nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa những người tham gia BHXH. Bởi lẽ, không có trần đóng BHXH khiến mức đóng chênh lệch nhiều lần, tạo khoảng cách lớn về lương hưu giữa lãnh đạo doanh nghiệp với người lao động, khu vực Nhà nước với khối tư nhân.

Thực tế, trước đây các đơn vị ngoài quốc doanh, đơn vị FDI (tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) tham gia BHXH trên nền lương 200 đến 300 triệu đồng mỗi tháng, dẫn tới lương hưu rất cao.

“Việc khống chế trần đóng nhằm điều chỉnh chênh lệch lương hưu cao - thấp, phù hợp với thu nhập và mức sống trung bình của toàn xã hội, không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới quỹ hưu trí. Trên thực tế, đóng cao hưởng cao, có đóng có hưởng… theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng”- đại diện BHXH Việt Nam cho hay.

Thêm vào đó, chính sách BHXH có vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh và được Nhà nước bảo hộ, nên lương hưu thường xuyên được điều chỉnh để người về hưu có thể đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, khi Nhà nước điều chỉnh lương hưu, có sự chênh lệch rất lớn giữa các mức lương hưu.

Ví dụ, Nhà nước điều chỉnh tăng 10% lương hưu trên mặt bằng lương hưu bình quân 5 triệu đồng, số tiền tăng thêm là 500 nghìn đồng/tháng/người. Nhưng với người có lương hưu 80 triệu đồng, số tiền tăng thêm là 8 triệu đồng.

Điển hình là trường hợp bà A, giám đốc một doanh nghiệp lớn. Trước khi về hưu, mức đóng BHXH của bà rất cao, có thời điểm đạt hơn 150 triệu đồng/tháng. Tháng 6-2016, bà A nghỉ hưu với mức lương 75 triệu đồng/tháng. Sau một số lần điều chỉnh lương hưu, hiện nay bà A đang nhận lương hưu khoảng 105 triệu đồng/tháng.

Cách để người dân được hưởng lương hưu cao

Trong dự thảo Luật gần nhất đang đề xuất, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Đối với những người muốn hưởng lương hưu cao, Luật BHXH cho phép họ tham gia chế độ hưu trí bổ sung. Theo đó, mức đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn mức đóng.

Luật cũng quy định, khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân. Hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng nêu rõ: Nhà nước khuyến khích phát triển tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các chính sách ưu đãi quy định tại pháp luật về thuế. Đồng thời, Nhà nước hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm hưu trí bổ sung, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch.

Nguyên tắc chi trả từ quỹ hưu trí được quy định tại Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Cụ thể, đối tượng được nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân gồm: người tham gia quỹ và người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động.

Số tiền thanh toán từ tài khoản hưu trí cá nhân phụ thuộc vào giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và kế hoạch chi trả quy định tại hợp đồng tham gia quỹ hưu trí, văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.

Trong quá trình chi trả, tài khoản hưu trí cá nhân được tiếp tục đầu tư tại quỹ hưu trí theo lựa chọn của người tham gia quỹ. Người tham gia quỹ nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân được lựa chọn nhận chi trả theo chế độ hàng tháng hoặc một lần. 

Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích phát triển quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các chính sách ưu đãi thuế, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn để hưởng lương hưu cao hơn.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết về việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, bao gồm văn bản thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hai bộ cũng sẽ phối hợp để đưa ra quy định xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bảo hiểm hưu trí bổ sung trong thời gian tới.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện cho bốn doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các quỹ này đạt 857,97 tỷ đồng.


(0) Bình luận
Cách để hưởng lương hưu lên đến hàng trăm triệu mỗi tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO