Cách để bạn có thể biếu được bố mẹ 10 triệu/tháng: “Thể hiện tình cảm thì không có cái gì tốt hơn món quà vật chất”

Vân Anh - Design: Ngọc Hải | 18:59 14/06/2024

Tháng nào, hai bạn trẻ này cũng cân đối chi tiêu để có thể trích 10 triệu đồng từ tiền lương biếu bố mẹ.

Cách để bạn có thể biếu được bố mẹ 10 triệu/tháng: “Thể hiện tình cảm thì không có cái gì tốt hơn món quà vật chất”

Tháng nào cũng đều đặn biếu bố mẹ 10 triệu đồng

Khi đi làm và kiếm được tiền lương, không chỉ lo cho bản thân mà người trẻ còn tính toán đến chuyện trích một phần thu nhập để báo hiếu cha mẹ. Thu nhập chưa dư dả, có người ngậm ngùi chỉ tặng cha mẹ vài trăm ngàn đồng hàng tháng, đồng thời giữ lời hứa “ne mai giàu thì mình báo hiếu sau" trong tim. Tuy nhiên, cũng có người trẻ tìm cách chắt bóp đủ đường, nỗ lực gia tăng thu nhập để có tiền dư dả gửi về tặng phụ huynh.

Hàng tháng biếu bố mẹ 10 triệu đồng là một con số không nhỏ, nhưng nhờ chăm chỉ kiếm tiền và quản lý tài chính, hai bạn trẻ dưới đây đã thành công hoàn thành mục tiêu báo hiếu của mình.

Kiều Trinh (1998, TP. Hải Phòng) đi làm trong ngành dịch vụ y tế. Mức lương hàng tháng của cô nàng là hơn 20 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền làm thêm bên ngoài khoảng 2-4 triệu đồng. Đáng khen, dù mới đi làm chính thức được 3 năm nhưng hàng tháng nào cô nàng luôn đều đặn trích 10 triệu đồng/tháng biếu bố mẹ, dù không ở chung nhà với gia đình, tức phải tự một mình trang trải chi phí sinh hoạt ở thành phố khác.

9476d2992dd8cefc57fcb6f57c423327.jpg
Ảnh minh hoạ

“Mình luôn nghĩ rằng ra trường tức là trở thành người lớn, có thu nhập ổn định thì cần biếu bố mẹ thoải mái. Con số 10 triệu đồng biếu cha mẹ có thể to so với những người trẻ khác, tuy nhiên gia đình mình thì không. Vì bố mẹ đang nuôi một đứa em học Đại học, trong khi bố vừa mắc bệnh vừa không có việc làm. Nên mình tự ý thức cần phải hỗ trợ tài chính cho gia đình càng nhiều càng tốt.

Mình mới bắt đầu biếu bố mẹ tiền từ đầu năm trở lại đây, sau khi em vào Đại học. Khoảng 1-2 năm sau, khi em mình đã quen với cuộc sống ở Hà Nội, đồng thời tìm được việc làm phụ giúp gia đình, mình sẽ cắt giảm số tiền trợ cấp cho gia đình để tính toán chuyện tương lai khác", Kiều Trinh tâm sự.

Bên cạnh đều đặn biếu bố mẹ 10 triệu đồng/tháng, vào những dịp đặc biệt như sinh nhật cha mẹ hay Tết, Kiều Trinh sẽ mua quà hoặc tặng tiền cho gia đình. Đơn cử như trong đợt Tết Nguyên đán năm nay, cô nàng vừa biếu bố mẹ 15 triệu đồng tiền mặt.

Một trường hợp khác, hàng tháng Lâm Minh (29 tuổi, Hà Nội) cũng đều đặn trích 10 triệu đồng gửi tặng phụ huynh, con số chiếm 15-20% thu nhập của chàng trai. Ngoài ra, do đang sống chung nhà cùng gia đình nên mỗi khi cha mẹ cần sắm đồ đạc giá trị lớn nào đó, anh chàng cũng bỏ tiền “góp vốn" hoặc tự mình “mua đứt".

Lâm Minh chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu đi làm, mình đã mong muốn kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Lương cao thì mình vừa tự lo được cho bản thân mà còn đỡ đần bố mẹ khi về già. 

Trong tương lai, mình mong muốn một ngày bản thân có thể tự tin nói được rằng có thể tặng bố mẹ tài sản lớn, cuốn sổ tiết kiệm hàng trăm triệu đồng hoặc đưa họ đi khám ở những nơi tốt nhất. Còn về dự định gần, đều đặn gửi 10 triệu đồng sẽ là khoản chi được mình đưa ra cho bố mẹ để sắm sửa đồ sinh hoạt và mua những thứ họ thích, đi chơi đâu đó".

64b2698f824760a60b7d8cdd45336f4e.jpg
Ảnh minh hoạ

Chi tiêu ra sao để tháng nào cũng có tiền biếu bố mẹ?

Với Lâm Minh, anh chàng cho biết 10 triệu đồng/tháng biếu bố mẹ là khoản chi tiêu lớn nhất trong tháng. Còn lại chàng trai hầu như không có nhu cầu tiêu xài hay đi du lịch quá hoang phí, do đó con số biếu phụ huynh nằm trong ngưỡng ngân sách của chàng trai.

Nhiều người từng hỏi Lâm Minh, tháng nào cũng đưa nhiều tiền tặng bố mẹ thì sau này có trường hợp cần dùng đến tiền thì tính sao. Anh chàng giải thích, đi kèm với bảng chi tiêu hàng tháng của mình: “Mình sống ở Hà Nội, nhưng chi phí đắt đỏ nhất với nhiều người là nhà ở, ăn uống thì mình đã có nhà rồi. Mình coi 10 triệu đồng/tháng vừa là tiền biếu bố mẹ chi tiêu, nhưng cũng là tiền ‘đóng trọ’. Ngoài tiền biếu phụ huynh, mình dành khoảng 30-40% thu nhập còn lại cho chi phí sinh hoạt, sở thích và đầu tư cho công việc. Còn lại bao nhiêu thì mình gửi tiết kiệm và đầu tư.

Hiện, với tiền tiết kiệm và đầu tư mình cũng đang dồn hết cho dự định mua nhà. Vì khi kết hôn, mình cũng muốn sở hữu bất động sản riêng cho mái ấm nhỏ của mình, thay vì ở chung cùng cha mẹ".

2209e8331a7e04f0ac70049c594fff6e.jpg
Ảnh minh hoạ

Còn về phía Kiều Trinh, do không có thu nhập dư dả và sống ở thành phố khác cùng gia đình nên cô nàng đã phải thu hẹp nhiều chi tiêu, nếu không muốn đến cuối tháng, hầu bao sẽ xẹp xuống khá nhanh.

Kiều Trinh chia sẻ về cách cô quản lý tài chính: “Mình coi biếu bố mẹ là việc phải làm trong tháng, nên luôn cất riêng khoản tiền này đầu tiên sau khi nhận lương. May mắn là từ đầu năm nay, thu nhập khá ổn định nên chưa bao giờ mình cần giảm bớt số tiền này. 

Ngoài khoản biếu bố mẹ, mình còn dành hơn 50% thu nhập còn lại để lo toan chi phí sinh hoạt, nhà cửa, đối nội - đối ngoại của bản thân. Tháng nào tiêu ít mình có thể tiết kiệm vài ba triệu đồng, còn tháng nào chi tiêu nhiều thì lương sẽ bay đi hết sạch”.

Trước câu hỏi hàng tháng đều phải trích ½ thu nhập tặng cha mẹ thì có tạo áp lực tài chính hay không, Kiều Trinh trả lời: “Tất nhiên là có rồi". Tuy nhiên, cô vẫn suy nghĩ theo chiều hướng tích cực là mình vẫn có sức khoẻ, đồng thời có công việc tốt để hỗ trợ gia đình.

“Hiện mình vẫn sống khá thoải mái sau khi trích 10 triệu đồng tặng gia đình. Vì thứ nhất, mình đang sống ở Hải Phòng nên chi phí sinh hoạt không quá đắt đỏ. Thứ hai, mình không thích dành quá nhiều tiền sắm sửa cho bản thân hay tụ tập vui chơi cùng mọi người.

Ngoài ra, mình cũng hạnh phúc vì giúp được gia đình khi cha mẹ cần tiền. Trong nhiều trường hợp, con cái muốn thể hiện tình cảm với cha mẹ thì không cái nào tốt hơn là dùng vật chất để bộc lộ cả", Kiều Trinh bày tỏ.


(0) Bình luận
Cách để bạn có thể biếu được bố mẹ 10 triệu/tháng: “Thể hiện tình cảm thì không có cái gì tốt hơn món quà vật chất”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO