Sự chuyển dịch của xu hướng quảng cáo ngân hàng
Trước đây, quảng cáo của ngành ngân hàng thường được thể hiện dưới các hình thức như TVC, quảng cáo ngoài trời trong các chiến dịch Roadshow, biển quảng cáo tấm lớn,… hay quảng cáo trực tuyến: quảng cáo báo mạng, Google Adwords, SEO,…
Ngày nay, các hình thức quảng cáo ngân hàng đã có nhiều khác biệt. Điểm nhận thấy rõ nhất đó là sự mới mẻ, sáng tạo và cá nhân hóa, khu vực hóa theo từng đối tượng khách hàng.
Nhớ lại chiến dịch hồi đầu năm của Ngân hàng Vpbank, nhà băng này đã khéo léo xây dựng cầu nối giữa tuyên ngôn thương hiệu và "customer insight" (sự thật ngầm hiểu về khách hàng). Từ khẩu hiệu chung “Vì một Việt Nam thịnh vượng”, chiến dịch đã cắt nghĩa những khái niệm thịnh vượng khác nhau, gắn liền với những điều thân thuộc nhất trong cuộc sống hàng ngày của người dân TP Hồ Chí Minh.
Những tấm pano được VPBank dựng lên khắp thành phố. Điều đặc biệt là người dân mỗi quận huyện nhìn thấy những câu tagline khác nhau liên quan đến đặc trưng nơi mình sinh sống.
Các phương thức quảng cáo cũ không hiệu quả đang dần được thay thế bởi những phương thức mới. Chẳng hạn, tài trợ cho các sự kiện, chương trình,... thu hút đông người quan tâm đang trở thành một xu hướng truyền thông mới trong ngành tài chính hiện nay.
Không phải bỗng nhiên, các nhà băng rất tích cực trong việc tài trợ các giải chạy marathon, hoạt động thể thao thu hút được nhiều người tham gia và khuyến khích người dân nâng cao rèn luyện, chăm sóc sức khỏe.
Ngân hàng Vpbank, Techcombank, MBbank... đều gắn tên tuổi của mình vào các giải chạy.
Theo Buzzmetrics, công ty nghiên cứu dữ liệu mạng xã hội và thương mại điện tử, một xu hướng trong marketing ngành ngân hàng là xu hướng trẻ hóa, nhắm tới đối tượng khách hàng GenZ - nhóm người dùng nổi bật ở thời điểm hiện tại.
GenZ dùng để chỉ những người sinh năm 1996 đến 2009 – đã và đang là thế hệ tiêu dùng của hiện tại và tương lai. Thế hệ Z (còn được gọi là thế hệ hậu Millennials và thế hệ kỹ thuật số) được dự đoán có sức chi tiêu ước tính khoảng 200 tỷ đô la mỗi năm và 1 nghìn tỷ đô la trên toàn cầu.
Cũng theo Buzzmetrics, xét về đặc điểm trên mạng xã hội, GenZ là nhóm khách hàng tương đối đặc biệt. Họ chủ yếu tương tác trong cộng đồng của mình, các tương tác trên fanpage của ngân hàng thường không thể hiện hết kỳ vọng của họ. Đây là điểm khiến các thương hiệu khó tiếp cận và dễ bỏ lỡ những cơ hội GenZ quan tâm.
Thay đổi để phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ
Khi đối tượng khách hàng mục tiêu của ngân hàng thay đổi, cách thức truyền thông, marketing cũng có những điều chỉnh theo.
Đầu tiên, phải nói đến yếu tố bắt "trend" (xu hướng) của các ngân hàng giờ không thua kém một ngành hàng nào, thậm chí còn có phần màu sắc cá tính hơn, phù hợp với đối tượng khách hàng được mở rộng từ GenZ tới Millennials và Gen X.
*Thế hệ Millennials hay còn gọi là thế hệ Y, khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000 (18-35 tuổi).
Nhiều ngân hàng thời gian thông qua con đường âm nhạc để đến gần hơn với khách hàng thông qua việc tổ chức các nhạc hội, tài trợ cho các chương trình, show âm nhạc.
Các chương trình nhạc hội quy tụ những ca sỹ được giới trẻ hâm mộ, tổ chức ở quy mô lớn và miễn phí.
Mới đây, chương trình truyền hình The Masked Singer Vietnam - Ca sỹ mặt nạ đã gây được tiếng vang lớn. Ngân hàng Quốc tế VIB trên cương vị nhà tài trợ chính của chương trình, nhờ đó, có được chiến dịch marketing hiệu quả.
Đây không phải lần đầu tiên một ngân hàng làm thương hiệu bằng âm nhạc, nhưng có thể nói, VIB đã thành công trong "thương vụ đầu tư" này một cách xuất sắc. Những thông điệp như "Dẫn đầu xu thế thẻ" để quảng bá cho các sản phẩm thẻ được VIB gửi gắm một cách khéo léo.
Đã bắt đầu có một số ngân hàng quan tâm hơn đến GenZ - thế hệ chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới. Ở Việt Nam, số lượng GenZ vào khoảng 14,4 triệu người, một con số khiến những người làm marketing và các nhãn hàng chẳng thể làm ngơ.
Vì vậy, mới xuất hiện những tính năng bất ngờ như xem cung hoàng đạo trên app Ngân hàng. Năm ngoái, MBbank giới thiệu tính năng Horoscope, giúp khách hàng chiêm nghiệm về 12 chòm sao ngay trên App MBBank.
SCB và MBbank cũng phát hành thẻ cung hoàng đạo để thu hút nhóm khách hàng GenZ.
Hình thức truyền tải cũng chứng kiến sự thay đổi lớn từ phía ngân hàng. Trước đây, các bài đăng của ngân hàng thường sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, giới thiệu chi tiết khuyến mãi. Hiện tại, các nhà băng đã khéo léo lồng ghép chương trình của mình qua những hình thức thể hiện gần gũi hơn với GenZ như truyện tranh, meme,... với cách dùng từ cởi mở hơn rất nhiều.
*Meme hiểu nôm na là một phần của phương tiện truyền thông, thường hài hước và lan truyền nhanh chóng qua Internet.
Chị Linh, sinh năm 1988, làm việc ở ngân hàng TMCP từ năm 2011 đến 2021, nhận xét "Thời tôi mới vào ngân hàng, các thông điệp truyền tới khách hàng đều được định hình ở hai từ "chuyên nghiệp". Ngôn ngữ giao tiếp và các hình thức truyền tải của ngân hàng ngày nay so với trước thì quá cởi mở và "teen""
Chị Linh nói thêm "Những năm 2011 chưa có khái niệm Gen Y, GenZ, chỉ phân ra 7X, 8X, 9X... còn lứa tuổi còn đi học gọi chung là "teen". Bất cứ cách nói chuyện không theo chuẩn mực hay những xu hướng của giới trẻ nào đều được quy thành phong cách "teen". Và bạn sẽ bị đánh giá là trẻ con, không chuyên nghiệp nếu sử dụng phong cách này trong công việc. Ngày nay mọi chuyện đã khác."