Các ngân hàng ghi nhận nợ xấu thế nào trong năm 2021?

Hoàng Kim | 00:27 01/02/2022

Thống kê của Markettimes về các ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, khoảng 1/3 ngân hàng ghi nhận giá trị nợ xấu tăng mạnh trong năm 2021.

Các ngân hàng ghi nhận nợ xấu thế nào trong năm 2021?
Số liệu: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 các ngân hàng.

Trong bối cảnh gặp khó khăn vì đại dịch, nhu cầu nguồn vốn vay đối với các doanh nghiệp, cá nhân ngày càng gia tăng. Nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tháo gỡ khó khăn, trong năm 2021, các ngân hàng đều có các chính sách kích cầu tín dụng đi cùng với sự ủng hộ từ chính sách. 

Kích cầu tín dụng, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh

Do đó, tín dụng năm 2021 tăng trưởng khá mạnh mẽ. Thống kê cho thấy hàng loạt nhà băng có tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng trong năm 2021 ở mức cao, thậm chí số ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay dưới 10% chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Năm vừa qua, ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay cao nhất ngành lại không phải là những ngân hàng lớn mà lại đến từ nhóm ngân hàng vừa và nhỏ, cụ thể là NamABank với tăng trưởng cho vay lên đến 32,9%. Tiếp đó là MSB với 28%. 3 ngân hàng còn lại trong tốp 5 những ngân hàng tăng cho vay mạnh nhất mới điểm tên tới TCB, VPB và MBB với mức tăng trưởng đều trên 20%. 

Trong số 27 ngân hàng đã có báo cáo tài chính được thống kê, chỉ có 5 nhà băng có tăng trưởng cho vay dưới 10%. 

Tuy đẩy mạnh tín dụng sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân hàng, đồng thời góp phần giải được bài toán khó khăn cho các doanh nghiệp cá nhân thời kỳ khó khăn dịch bệnh, nhưng song song cùng với đó là sự gia tăng của nợ xấu. 

Ngoại trừ NamABank không công bố thuyết minh chi tiết cho biết con số nợ xấu cụ thể, số liệu từ 26 nhà băng cho thấy xu hướng nợ xấu gia tăng mạnh. 

no-xau-2.png
Số liệu: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 các ngân hàng

VietBank đang là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất khi con số này tăng 135% so với đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của VBB tăng từ 1,75% lên 3,65% trong 1 năm.

Cùng có nợ xấu tăng trên 100% là NCB khi nợ nhóm 3 và nhóm 4 của nhà băng này tăng vọt, đẩy nợ xấu cuối năm lên 1.249 tỷ đồng, tương ứng tăng 105%. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,51% lên 3% cuối năm 2021. 

Tổng nợ xấu của cả 26 nhà băng cuối năm 2021 đã tăng thêm 9,19% lên 97.257 tỷ đồng. Thống kê cho thấy 17/26 nhà băng có nợ xấu tăng trưởng dương, trong đó 9 ngân hàng có mức tăng trên 40%.

Ngoài ra, cũng có đến 9 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm, trong đó gồm cả các ngân hàng lớn như BIDV (-38%), TPB (18,5%), OCB (-9%), SHB (-7,7%). Đặc biệt, Kienlongbank đã giảm nợ xấu hơn 61%, đưa tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm mạnh từ 5,42% xuống chỉ còn 1,89% trong năm 2021. 

Chuẩn bị sẵn để đối phó rủi ro nợ xấu

Nợ xấu tăng là kết quả đã được dự đoán từ trước trong bối cảnh dịch bệnh. Ngoài ra, do tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 nên khả năng bức tranh nợ xấu hiện tại vẫn chưa bộc lộ đầy đủ thực trạng của các nhà băng. Nếu như Thông tư 14 không được gia hạn, số liệu nợ xấu thực sự sẽ được hé lộ tại các ngân hàng dự kiến sau ngày 30/6/2022.

Trong trường hợp đợi chờ “nước đến chân mới nhảy”, lợi nhuận của các nhà băng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi buộc trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro. Do vậy, nhiều nhà băng đã tranh thủ dàn trải áp lực này trong năm 2021 để nợ xấu không trở thành gánh nặng trong năm tới. 

Như Vietcombank thông tin, mỗi đồng nợ xấu nội bảng được trích lập hơn 4 đồng dự phòng. Với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt kỷ lục 424%, Vietcombank đã trích lập đủ cho nợ cơ cấu vì Covid-19 trước 2 năm so với thời hạn.

Cùng với VCB, MBB cũng cho biết, Quỹ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng Ngân hàng MB gần 400%, hợp nhất gần 268%. 

Tương tự, các ngân hàng khác cũng đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay, như BIDV 235%, TCB 184%, ACB 198%… Việc các ngân hàng trích lập dự phòng trước các khoản cho vay tái cơ cấu sẽ mang lại triển vọng bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Trong Báo cáo một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng quý 1/2022 vừa được Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu “tăng nhẹ” trong quý 4/2021 nhưng kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trở lại trong quý 1/2022. 

Cùng đồng tình với các tổ chức tín dụng, phần lớn các chuyên gia phân tích cũng lạc quan hơn về tình hình nợ xấu của ngân hàng trong năm tới do nhiều nhà băng đã chuẩn bị đầy đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu. Dù vậy, vẫn cần cẩn trọng rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém hoặc ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Các ngân hàng ghi nhận nợ xấu thế nào trong năm 2021?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO