Các DN có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lớn nhất sàn chứng khoán: Hòa Phát, Hoa Sen, Vinamilk, FPT, Masan... xuất hiện ở đâu?

Lan Hạ | 22:45 08/04/2025

Sản phẩm của ngành Dệt may, thủy sản vốn chủ yếu xuất khẩu nên đây là nhóm có tỷ trọng từ thị trường nước ngoài cao nhất, đứng đầu là Dệt May Phan Thiết (mã chứng khoán PTG), Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC), Dệt May Hòa Thọ (HTG).

Các DN có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lớn nhất sàn chứng khoán: Hòa Phát, Hoa Sen, Vinamilk, FPT, Masan... xuất hiện ở đâu?

Theo thống kê từ Báo cáo tài chính năm 2024 của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam, tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài so với tổng doanh thu nằm trong khoảng từ 11-99%.

Sản phẩm của ngành Dệt may, thủy sản vốn chủ yếu xuất khẩu nên đây là nhóm có tỷ trọng từ thị trường nước ngoài cao nhất, đứng đầu là Dệt May Phan Thiết (mã chứng khoán PTG), Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC), Dệt May Hòa Thọ (HTG), Garco 10 (M10), Dệt May Thành Công (TCM) với tỷ lệ từ 89-99%.

ty-trong-doanh-thu-xuat-khau-1-.jpg

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Gần 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng đến người tiêu dùng Mỹ.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục báo tin vui khi đạt gần 103 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ đã công bố kế hoạch thuế quan bao gồm mức thuế suất cơ bản 10% và mức thuế suất đối ứng áp dụng cho từng đối tác thương mại cụ thể, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế 46%.

Mức thuế cơ bản và thuế đối ứng có hiệu lực lần lượt từ ngày 5 và 9 tháng 4. Đặc phái viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tới Mỹ để cụ thể hóa các nội dung đàm phán nhằm sớm đạt thỏa thuận, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.

Báo cáo phân tích của CTCK SSI đánh giá, với mức thuế cơ bản hiện tại của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam khoảng 3,53% thì mức thuế cơ bản mới 10% sẽ không có nhiều tác động quá tiêu cực, do đây là mức thuế chung đối với tất cả các quốc gia.

Trên thực tế, điều này có thể mang lại lợi thế nhẹ cho Việt Nam vì sự chênh lệch thuế giữa các đối tác thương mại chính của Mỹ không quá lớn.

Trong khi đó, thuế đối ứng - nếu được thực hiện - có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu vì chuỗi cung ứng và nhu cầu không thể điều chỉnh nhanh chóng trong ngắn hạn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách áp thuế đối ứng nếu được áp dụng sẽ khiến cho các doanh nghiệp hoặc phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận hoặc phải chuyển hoạt động xuất khẩu sang khu vực khác ngoài Mỹ.

Theo SGI Capital, khu vực tăng trưởng kinh tế và thương mại sống động, mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay nhờ cơ cấu dân số và hạ tầng là tam giác ASEAN - Trung Quốc - Ấn Độ. Các quốc gia như Việt Nam sẽ cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu tận dụng xu hướng này để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Đây là một quá trình dài và không dễ dàng nhưng Việt Nam vẫn có những lợi thế nội tại và quyết tâm chính trị để thực hiện thành công sự chuyển đổi này.

Dù thế nào, các doanh nghiệp đang có tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên trước những thông tin gần nhất về thuế, cho đến khi truyền tác động đến các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu dệt may trong năm 2024 – gấp 4-5 lần so với các thị trường chính khác gồm Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc. Do vậy việc chuyển dịch sang các thị trường khác sẽ cần nhiều thời gian.

Theo SSI, Mỹ chiếm khoảng 18% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2024, thấp hơn Trung Quốc (19%) nhưng cao hơn Nhật Bản (15%), EU (10%) và Hàn Quốc (8%). Mức thuế đối với hàng thủy sản Việt Nam thấp hơn so Trung Quốc, nhưng mức chênh lệch này đang thu hẹp đáng kể so với dự đoán.

Ngành thủy sản có thể đối mặt với những thách thức nếu nhu cầu toàn cầu đình trệ và áp lực từ sản phẩm Trung Quốc tăng lên ở các thị trường xuất khẩu khác. Việc tăng giá cước vận chuyển và quá trình thông quan kéo dài cũng có thể tạo thêm áp lực cho ngành.


(0) Bình luận
Các DN có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lớn nhất sàn chứng khoán: Hòa Phát, Hoa Sen, Vinamilk, FPT, Masan... xuất hiện ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO