Các cường quốc đang cạnh tranh gay gắt trong ‘cuộc chạy đua’ mới: Chi hàng chục tỷ USD để ‘tìm nước’, Trung Quốc đã sớm hoàn thành sứ mệnh

Vu Lam | 06:41 23/08/2023

Hiện tại, các quốc gia cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân đang trong "một cuộc chạy đua” để đưa các thiết bị lên Mặt trăng. Song, việc hạ cánh an toàn lại là một câu chuyện khác.

Các cường quốc đang cạnh tranh gay gắt trong ‘cuộc chạy đua’ mới: Chi hàng chục tỷ USD để ‘tìm nước’, Trung Quốc đã sớm hoàn thành sứ mệnh

Kế hoạch thực hiện sứ mệnh lên Mặt trăng đang diễn ra trên khắp thế giới, được thúc đẩy bởi những tham vọng mới trong quá trình nghiên cứu và khám phá không gian. Trong số đó, nhiều công ty đang nhắm đến vùng cực nam của Mặt trăng, nơi các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện về dấu hiệu của nước vào năm 2008 và 2009. 

Theo NASA, nước là nguồn tài nguyên quan trọng cho những căn cứ trên Mặt trăng trong tương lai. Một ngày nào đó, nước có thể sử dụng để uống và làm mát, hay thậm chí là làm nhiên liệu tên lửa cho các sứ mệnh khám phá những nơi xa xôi hơn trong hệ Mặt trời. Hơn nữa, việc khai thác tài nguyên tự nhiên ở Mặt trăng sẽ giúp các tàu vũ trụ trong tương lai không phải vận chuyển nhiên liệu từ Trái đất. 

Csaba Palotai, phó giáo sư ngành khoa học vũ trụ tại Viện Công nghệ Florida, cho hay: “Nước là chìa khoá cho nhiều khía cạnh của cuộc sống trên Mặt trăng. Các nhà khoa học cho rằng Mặt trăng chứa rất nhiều nước. Đó là lý do tại sao chúng ta đang thực hiện các nhiệm vụ này để xác minh lượng nước chính xác ở hành tinh này.” 

Các nhà nghiên cứu đã xác nhận nước có tồn tại trên các khu vực khác của Mặt trăng, bao gồm cả bề mặt có ánh nắng và bao phủ bởi bóng tối. 

im-839566.png

Những nỗ lực của các quốc gia cũng như doanh nghiệp tư nhân giờ đang nhằm mục đích đưa nhiều tàu thám hiểm và phi hành gia lên Mặt trăng để tiến hành thí nghiệm và khám phá. Tuy nhiên, bề mặt bao phủ bởi bóng tối của Mặt trăng lại là khu vực khó tiếp cận hơn. 

Nga là quốc gia đầu tiên nỗ lực hạ cánh một thiết bị xuống cực nam của Mặt trăng. Tuy nhiên, mới đây, các quan chức của cơ quan vũ trụ Nga cho biết tàu Luna-25 đã xảy ra va chạm với bề mặt của Mặt trăng. Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết sự cố hồi cuối tuần xảy ra sau khi cơ quan này không thể điều khiển Luna-25 vào quỹ đạo trước khi hạ cánh.

Trong khi đó, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) dự kiến sẽ hạ cánh một tàu vũ trụ vào ngày 23/8, thuộc sứ mệnh Chandrayaan-3, tới một địa điểm ở vùng cực nam. Tại đây, cơ quan này dự kiến sẽ sử dụng một chiếc xe tự hành có tên là Pragyan và thực hiện các thí nghiệm. 

Mỹ cũng có kế hoạch để triển khai các đợt đổ bộ tại khu vực này của mặt trăng. Kế hoạch này nằm trong một phần của chương trình thuộc NASA, thuê ngoài các công ty tư nhân vận chuyển thiết bị mà họ phát triển.

Một trong những công ty này là Intuitive Machines, tuần trước cho biết họ đã đưa ra thời hạn 6 ngày từ 15/11, đúng thời điểm SpaceX cũng phóng tàu Noca-C lên Mặt trăng. Thiết bị này sẽ mang theo một số dữ liệu thương mại của NASA. 

im-839324.jpeg
Tên lửa Soyuz cùng với tàu Luna-25 chuẩn bị cất cánh từ bệ phóng ở Nga. 

Astrobotic Technology cũng là công ty đang lên kế hoạch đưa một tàu thám hiểm của NASA lên cực nam Mặt trăng trong năm tới để đo lường lượng nước trên hành tinh này. Ngoài ra, tàu Peregrine của Astrobotic dự kiến sẽ được phóng lên Mặt trăng vào cuối năm nay nhưng điểm đến không phải ở cực nam. 

Trong khi đó, ispace, công ty có trụ sở tại Tokyo, hồi tháng 4 đã nỗ lực trở thành công ty tư nhân đầu tiên hạ cánh xuống Miệng núi lửa Atlas, nằm ở bán cầu bắc của Mặt trăng. Tuy nhiên, tàu đổ bộ đã gặp sự cố khi đo lường độ cao và cuối cùng cạn nhiên liệu, sau đó đâm xuống bề mặt Mặt trăng. 

Việc hạ cánh xuống Mặt trăng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nguyên nhân chủ yếu là do bầu khí quyển mỏng của hành tinh này không chứa đủ không khí để giảm tốc độ của con tàu đang cố gắng hạ cánh. 

Thay vào đó, nhiệm vụ hạ cánh xuống Mặt trăng sẽ cần đến quá trình giảm tốc độ cho tàu vũ trụ đang ở khoảng vài nghìn km/h, sử dụng các động cơ giữ cho con tàu không lao xuống quá nhanh trước khi bị tác động bởi lực hấp dẫn của Mặt trăng. 

Nga và Nhật Bản không phải là những quốc gia duy nhất gặp khó khăn khi đổ bộ lên Mặt trăng. Năm 2019, sứ mệnh lên Mặt trăng đầu tiên do tư nhân tài trợ của Israel đã thất bại, sau khi tàu Beresheet đâm vào bề mặt Mặt trăng cũng do tàu không thể giảm tốc khi hạ cánh. Cuối năm đó, tàu thăm dò thuộc sứ mệnh Chandrayaan-2, cũng va chạm với bề mặt Mặt trăng sau sự cố với bộ đẩy phanh. 

im-839341.jpeg
Thiết bị thăm dò của tàu Thường Nga 5 được trưng bày tại Bảo tàng Thiên Văn Trung Quốc. 

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia hạ cánh thành công 3 sứ mệnh tàu không người lái trên Mặt trăng trong thập kỷ qua. Gần đây nhất, tàu Thường Nga 5 của Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã thực hiện sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng thành công vào năm 2020. Tàu này đã lấy các mẫu đất, đá trên Mặt trăng, sau đó gửi lên một tàu cất cánh từ bề mặt để quay trở lại Trái đất. Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cho các sứ mệnh tiếp theo đến Mặt trăng, bao gồm cả phần cực nam. 

Phần cực nam của Mặt trăng tối và lạnh hơn so với khu vực có ánh sáng, nơi các sứ mệnh của tàu Apollo được thực hiện. Do đó, việc đổ bộ lên bề mặt ở phần này khó khăn hơn. 

NASA đang dự định đưa các phi hành gia đến gần khu vực này và xác định 13 khu vực hạ cánh tiềm năng cho sứ mệnh Artemis III. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện bằng các tàu đổ bộ do SpaceX thiết kế. 

Tham khảo WSJ


(0) Bình luận
Các cường quốc đang cạnh tranh gay gắt trong ‘cuộc chạy đua’ mới: Chi hàng chục tỷ USD để ‘tìm nước’, Trung Quốc đã sớm hoàn thành sứ mệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO