ByteDance – công ty mẹ ứng dụng truyền thông xã hội TikTok – là startup giá trị nhất hành tinh. Ngay cả khi định giá chỉ còn 220 tỷ USD, giảm từ mức kỷ lục 500 tỷ USD hồi năm 2021, đây vẫn được xem là điểm đến lý tưởng cho những nhà đầu tư mạo hiểm thích phiêu lưu. Để so sánh, SpaceX, công ty tên lửa của Elon Musk, hiện là startup giá trị thứ hai với 140 tỷ USD.
Đối với phần lớn các nhà đầu tư của ByteDance, một đợt chào bán công khai của công ty này đồng nghĩa với hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD lợi nhuận và ngay lập tức đưa họ vào hàng ngũ những người mạo hiểm hàng đầu. Tuy nhiên, khi được hỏi về chi tiết khoản đầu tư cùng triển vọng của ByteDance, hầu hết đều giữ im lặng hoặc yêu cầu được ẩn danh.
Ly do một phần đến từ việc ByteDance là công ty mẹ TikTok. Ứng dụng mạng xã hội cực kỳ phổ biến ở Mỹ với 150 triệu người dùng này đang bị điều tra rộng khắp với cáo buộc theo dõi và truyền bá nội dung nhạy cảm. Vào tháng 3, Forbes cũng cho biết FBI và Bộ Tư pháp đang điều tra khả năng ByteDance sử dụng ứng dụng TikTok để giám sát các nhà báo Mỹ. Nghi vấn dữ liệu người dùng vẫn có thể được truy cập ở Trung Quốc dù đã bị xóa nhiều năm đã khiến TikTok trở thành tâm điểm gây tranh cãi.
Vài năm sau khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump ra lệnh cấm TikTok, Nhà Trắng và ông Joe Biden đã có động thái tương tự, đồng thời tuyên bố nếu ByteDance không bán TikTok, ứng dụng này sẽ bị cấm mãi mãi. Tương lai vô địch đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư rót vốn mạo hiểm vào TikTok tốt hơn hết đừng nên chọc giận bất kỳ ai.
“Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, cổ phiếu ByteDance liệu có trở thành vấn đề?”, một nhà đầu tư ByteDance yêu cầu giấu tên trầm ngâm. “Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng tìm ra”.
Nếu không liên quan đến chính trị, các nhà đầu tư của ByteDance, trong đó có Shen, sẽ rất vui vẻ nói chuyện về doanh nghiệp “quái vật” này. Công ty đã thu về khoảng 80 tỷ USD doanh thu và 25 tỷ USD lợi nhuận, theo The Information và The Economist. Điều này đưa thu hẹp khoảng cách về quy mô giữa ByteDance và Tencent, tập đoàn có vốn hóa thị trường khoảng 470 tỷ USD.
Khi Shen đầu tư vào ByteDance hồi năm 2014, công ty Sequoia China của ông đã giành được 10% cổ phần với mức định giá 465 triệu USD. Shen có thể mua với giá hời hơn vào năm 2013 song khi đó lại lưỡng lự.
Susquehanna International Group (SIG) cũng đầu tư vào ByteDance, lần đầu tiên vào năm 2012 và cho đến nay đã nắm giữ 15% cổ phần. Một số công ty khác thì đầu tư gián tiếp thông qua Musical.ly, một ứng dụng hát nhép được ByteDance mua lại vào năm 2017.
Tuy nhiên, theo Forbes, một số nhà đầu tư đã bắt đầu rục rịch bán cổ phần tại ByteDance, trong đó có Qiming Venture Partners và GGV.
“Mọi người đã bán khá nhiều và họ đang tranh luận xem có nên bán thêm hay không”, một nhà đầu tư nói.
Dẫu vậy, các công ty nắm giữ cổ phần lớn, bao gồm SIG, Sequoia, General Atlantic và Coatue, đều kiên định với tầm nhìn dài hạn. “Các cổ đông lớn sẽ khó bán đi cổ phần của mình”, một nguồn tin cho biết thêm.
Theo Glen Anderson, một nhà môi giới tại Rainmaker Securities, các nhà đầu tư vẫn bày tỏ sự quan tâm đến ByteDance ở mức vốn hóa thị trường từ 220 tỷ đến 225 tỷ USD.
“Chúng tôi ngạc nhiên rằng, với tất cả sự ồn ào ở Washington, cổ phiếu ByteDance vẫn không thay đổi nhiều về giá”, Anderson nói, song thừa nhận vốn hóa công ty hiện tại chỉ bằng một nửa so với hồi đỉnh cao. Không ai muốn số phận của ByteDance giống Juul, công ty thuốc lá điện tử bị các cơ quan quản lý đánh sập và ghi nhận đà lao dốc tới 98% của cổ phiếu.
“Nếu không có rủi ro pháp lý nào đối với ByteDance, bạn sẽ thấy một đợt tăng giá. So với các công ty công nghệ khác, nó có vẻ vẫn đang được giao dịch khá rẻ”, Anderson nói.
Một nhà đầu tư của ByteDance lập luận rằng, lý tưởng nhất là ByteDance thoát khỏi lệnh cấm, sau đó xem xét niêm yết kép ở Mỹ và Hồng Kông để mang lại lợi nhuận cho cổ đông. Tuy nhiên, nếu không có bất kỳ thỏa thuận đình chiến nào được đưa ra, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với một kịch bản tồi tệ: TikTok bị cấm ở Mỹ còn hoạt động kinh doanh của ByteDance cố thủ ở Trung Quốc.
“Các nhà đầu tư không lo lắng về tính thanh khoản của cổ phiếu. Họ chỉ lo khoản tiền đó không thể về Mỹ”, một chuyên gia nhận định.
Đó cũng chính là lý do vì sao các nhà đầu tư của ByteDance không manh động. “Nếu công khai nói về việc đầu tư vào ByteDance, chính phủ Trung Quốc hoặc một nhà lập pháp nào đó ở Mỹ sẽ chú ý ngay lập tức. Nếu không phải vì yếu tố chính trị, chúng tôi đã không phải làm vậy”, một người cho hay.
Theo FT, lợi nhuận của ByteDance, công ty mẹ TikTok, đã tăng gần 80% vào năm ngoái lên 25 tỷ USD trong bối cảnh các nhà quảng cáo tăng cường chi tiêu cho TikTok và ứng dụng tương tự phiên bản Trung Quốc - Douyin.
Tuy nhiên, bất chấp lợi nhuận ByteDance tăng vọt, tài sản của người sáng lập Zhang Yiming lại lao dốc sau khi CEO TikTok - Shou Zi Chew bị yêu cầu điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Trước đó, ByteDance đã bị chính quyền Mỹ đe dọa cấm TikTok nếu không bán ứng dụng này. Hơn 12 quốc gia khác cũng cấm một phần hoặc toàn bộ TikTok vì những lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Theo: Forbes, FT