Theo báo cáo phân tích vừa công bố của CTCK Bảo Việt (BVSC), 9T2022, loại trừ khoản bất thường từ đánh giá lại Phúc Long (~642 tỷ đồng) thì lợi nhuận 9T2022 của Masan Group (MSN) chỉ tăng trưởng chưa đến 20%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng hồi đầu năm của BVSC.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng thịt chế biến của MCH đóng góp ~1.400 tỷ (tăng 65,8% so với cùng kỳ năm trước), nhờ vào thương hiệu ‘Ponnie’ – dẫn đầu trong mảng xúc xích thanh trùng và ‘Heo cao bồi’ – rất được ưa chuộng bởi cả trẻ nhỏ và người lớn. Doanh thu MCH trong 9T2022 cũng tăng 5,4% lên hơn 19.000 tỷ đồng.
Trái lại, Masan MEATLife (MML) là nhân tố ghi nhận doanh thu giảm mạnh nhất. Theo đó, 9T2022 doanh thu của MML đạt 3.232 tỷ đồng, giảm đến 78,7% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu giảm mạnh do MML không còn hợp nhất mảng Thức ăn chăn nuôi. Nếu loại trừ yếu tố này thì doanh thu chỉ giảm khoảng 2,9%.
EBITDA của MML cũng giảm mạnh (-102,5%), ngoại trừ do ''khuyết'' mảng TACN, thì hiệu quả mảng Thịt mát giảm do giá heo giảm trong khi những cải thiện của mảng gà chưa đóng góp đáng kể vào tổng thể KQKD.
CTCK này nhận định, sản phẩm MEATDeli của MML sau khi tăng độ phủ nhanh sau 2 năm 2020 – 2021 thì tạm thời đang chững lại do nhiều lý do.
Cụ thể, trong mảng heo, doanh thu trang trại giảm 6% do giá heo hơi giảm trong khi sản lượng tăng; doanh thu thịt mát giảm 28% từ mức nền cao năm 2021 (thời điểm này giãn cách xã hội khiến cho thịt mát ở siêu thị/cửa hàng tiện lợi rất được ưa chuộng và bán được giá).
Trong ngắn hạn, BVSC nhận định mảng heo của Masan đang gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, sau thời gian đầu tăng trưởng nhanh nhờ phủ rộng tại chuỗi WinMart/WinMart+, MeatDeli đã chững lại khi vấp phải sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu thịt mát khác trên thị trường.
Thứ hai, tình hình vĩ mô khó khăn đang làm chậm lại quá trình tăng trưởng, cũng như làm chậm lại quá trình chuyển dịch tiêu thụ thịt từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại, cụ thể là người tiêu dùng đang tìm kiếm những lựa chọn rẻ hơn để vượt qua thời điểm khó khăn về kinh tế.
Trong mảng gà, doanh thu tăng trưởng 22% nhờ cả sản lượng và giá bán tăng. Điều này đến từ việc giá gà vẫn duy trì ở mức cao so với nền thấp năm ngoái (do dịch COVID-19 và cúm gia cầm) giúp cho biên gộp và biên EBITDA của 3F chuyển từ âm sang dương.
Tổng thể, BVSC cho rằng chiến lược của Masan sẽ gặp phải một số khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh sức mua giảm do thất nghiệp, lạm phát, tín dụng thắt chặt và giá cả các loại tài sản tích lũy giảm mạnh.
Do đó, CTCK này điều chỉnh giảm doanh thu dự báo cho cả năm 2022 và 2023. Năm 2022, BVSC dự phóng MML đạt doanh thu 4.545 tỷ đồng và năm 2023 là 6.792 tỷ đồng. BVSC đưa ra giả định, nhờ đẩy mạnh được sản lượng nên các nhà máy giết mổ hoạt động hiệu quả hơn, lỗ từ KQKD qua đó dự báo giảm sang năm 2023.