Trong một khuyến nghị gửi tới khách hàng hôm 12/9, nhóm các chuyên gia, bao gồm Marko Kolanovic và Nikolaos Panigirtzoglou, của JPMorgan, nhấn mạnh rằng thị trường tài chính toàn cầu có lẽ sẽ không “tệ” như lo sợ của nhiều người. Họ cho rằng các thị trường có thể hưởng lợi từ những biện pháp kích thích tài khóa của Trung Quốc, các kế hoạch hỗ trợ năng lượng ở châu Âu và tâm lý nhà đầu tư vốn ở mức khá thấp.
“Dữ liệu kinh tế và vị thế của nhà đầu tư là những yếu tố quan trọng với hiệu suất tài sản rủi ro hơn là những quan điểm cứng rắn của các ngân hàng trung ương”, khuyến nghị nói.
Thực tế, tâm lý tích cực đã trở lại với thị trường trong những ngày gần đây khi mà các nhà đầu tư hy vọng rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh, ít nhất là ở Mỹ. Hôm 12/9, MSCI AC World Index đã có chuỗi tăng cao nhất 4 ngày kể từ tháng 5, khi các nhà đầu tư sẵn sàng cho những dữ liệu giá tiêu dùng quan trọng mà Mỹ công bố trong ngày 13/9.
JPMorgan lập luận rằng lạm phát giảm dần sẽ là điều tích cực với các cổ phiếu có chu kỳ và những cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ (vốn được các nhà đầu tư ưa thích) cùng với thị trường mới nổi và chứng khoán Trung Quốc hơn là các biện pháp phòng vệ “tốn kém”. JPMorgan cũng ủng hộ giảm tỷ trọng năng lượng và giữ cho một tâm lý tích cực với hàng hóa.
“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tự điều chỉnh khi những vấn đề được giải quyết và FED đã phản ứng quá mức với mức tăng 0,75%. Chúng ta có thể sẽ thấy FED thay đổi quan điểm, điều tích cực đối với các tài sản có tính chu kỳ”, nhóm nghiên cứu viết.
Họ cũng có quan điểm tích cực với đồng USD và kỳ vọng đường cong lợi suất trái phiếu của Mỹ và châu Âu sẽ đi ngang.
JPMorgan không đơn độc với quan điểm của mình.
Isaac Poole, Giám đốc đầu tư tại Oreana Financial Services Ltd., nói rằng dữ liệu hiện tại cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ "hạ cánh mềm". Theo kịch bản đó, thu nhập ở Mỹ có thể tương đối tốt trong năm tới, thậm chí là gây ngạc nhiên, khi có quá nhiều quan điểm bi quan đã được đưa ra.
Tham khảo: Bloomberg