Tờ New York Times (NYT) cho hay trong 20 năm qua, số lượng bệnh viện tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi khi nền kinh tế bùng nổ. Đặc biệt các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân đã tăng gấp 8 lần. Hàng loạt bệnh viện đã vay vốn để mở rộng, phục vụ nhiều bệnh nhân hơn và cung cấp nhiều dịch vụ hơn.
Thế nhưng khi người dân không còn khám bệnh nhiều như trước thì hàng loạt bệnh viện đã phải vật lộn để trả nợ. Hậu quả là hơn 200 bệnh viện đã tuyên bố phá sản trong 5 năm qua, cao gấp nhiều lần so với chỉ 7 bệnh viện trong 5 năm trước đó.
Mặc dù số lượng bệnh viện đóng cửa chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số gần 40.000 bệnh viện tính đến cuối năm 2023 nhưng xu hướng xì hơi bong bóng này đang khiến các chuyên gia lo lắng.
"Đây chỉ là khởi đầu và sẽ còn nhiều hơn nữa", chuyên gia phân tích độc lập He Bin nói với NYT.

Bong bóng sụp đổ
Kinh tế Trung Quốc bùng nổ trong 20 năm đã khiến các bệnh viện mọc lên như nấm nhờ nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Tuổi thọ trung bình tại đây đã tăng hơn 15 năm kể từ thập niên 1970, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là dưới 0,5% vào năm 2023, giảm từ 30% vào thập niên 1950.
Thế nhưng tăng trưởng giảm tốc và khó khăn kinh tế lại đang bắt đầu khiến bong bóng ngành y tế tại đây bộc lộ dấu hiệu xì hơi.
Một ví dụ điển hình là bệnh viện Huiren ở thành phố Suqian đã nợ lương nhân viên nhiều tháng và cuối cùng phải đóng cửa vào tháng 9/2024.
Cơ sở y tế này từng là nơi điều trị vô sinh và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nhưng giờ đây lại trở thành khu bỏ hoang khi các thiết bị khám chữa bệnh đã bị dọn sạch.
Trên thực tế, ngành y tế Trung Quốc đã gặp khó khăn tài chính kể từ đại dịch Covid-19 khi chi phí hoạt động tăng cao vì lượng xét nghiệm khổng lồ. Doanh thu khám chữa bệnh cũng giảm vì mọi người sợ ra chỗ đông đúc dễ bị lây nhiễm.
Sau khi các lệnh giãn cách bị dỡ bỏ, nền kinh tế Trung Quốc lại phải đối mặt khủng hoảng bất động sản khiến người dân mất nguồn thu, buộc họ phải tiết kiệm cả tiền chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, chính quyền địa phương không bán được đất dự án nên cũng chẳng thừa ngân sách để hỗ trợ cần thiết cho các bệnh viện công lẫn tư.
Mặc dù dân số lão hóa nhanh khiến chi phí chăm sóc sức khỏe lại chảy vào các quỹ bảo hiểm, thế nhưng chính phủ lại đang cắt giảm chi tiêu. Hậu quả là các bệnh viện rơi vào cảnh khốn đốn vì bảo hiểm không hoàn trả đầy đủ tiền thanh toán.
Những điều này đã trở thành cơn ác mộng với vô số bệnh viện khi họ vay nợ rất nhiều những năm gần đây để mở rộng dịch vụ.
Theo "Niên giám thống kê y tế Trung Quốc", nợ của bệnh viện công đã tăng gần gấp 4 lần từ năm 2011 đến năm 2021.
Bệnh viện liên kết của Đại học Y khoa Jiaying tại Meizhou là một ví dụ điển hình. Cơ sở này đã đầu tư đến 16 triệu USD cho một tòa nhà mới năm 2021 với kỳ vọng được nâng cấp phân loại trong ngành y tế. Thế nhưng doanh số sụt giảm trong và hậu đại dịch khiến doanh thu kinh doanh giảm 50% trong năm 2023.
Hậu quả là vào tháng 11/2024, bệnh viện này đã phải thanh lý tài sản và đình chỉ hoạt động, trong khi đội ngũ y tế bị nợ lương đến 10 tháng.

Gánh nặng bảo hiểm
Tờ NYT cho hay dân số già hóa khiến gánh nặng bảo hiểm y tế lớn hơn bởi càng ít người trẻ thì số tiền đóng bảo hiểm càng giảm, nhưng số tiền chi lại tăng lên.
Thậm chí giáo sư Liu Junqiang tại Đại học Thanh Hoa đã ước tính rằng quỹ bảo hiểm sẽ cạn kiệt vào thập niên 2030. Trước đó ông Liu vào năm 2019 đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng như kiểm soát chi phí y tế.
"Chúng ta phải giải quyết thận trọng các vấn đề nợ dài hạn của bệnh viện", người đứng đầu Lei Haichao của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã phải cảnh báo vào tháng 1/2025.
Ủy ban Y tế Quốc gia đã yêu cầu tất cả các quan chức chính quyền địa phương vào tháng 6/2024 rằng phải chú ý chặt chẽ đến thâm hụt ngân sách, nợ dài hạn và tiền lương chưa trả trong ngành y tế.
Đối với những người làm việc trong bệnh viện, những khó khăn về tài chính là quá rõ ràng.
Cô Nana Yang tại một bệnh viện công ở tỉnh Chiết Giang cho biết tiền lương của mình đã bị cắt giảm lần đầu tiên trong 12 năm sự nghiệp. Bệnh viện đã cắt giảm trợ cấp tiền ăn cũng như ngừng cung cấp nước uống miễn phí.
Đây được cho là một tín hiệu đáng báo động khi ngành y tế được cho là ổn định ở Trung Quốc.
Hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc hiện theo 1-2 chương trình bảo hiểm chính, vốn bao gồm 2/3 dân số. Thế nhưng số người đóng bảo hiểm đã giảm trong 4 năm liên tiếp khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, khó khăn kinh tế, khủng hoảng bất động sản làm giảm thu nhập, lo lắng về tương lai...khiến người dân tiết kiệm chi tiêu.
Theo một cựu viên chức kế toán tại một bệnh viện ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã giảm số tiền bảo hiểm mà các bệnh viện được hoàn trả, góp phần gây ra khó khăn tài chính cho các cơ sở y tế.
Hiện người dân Trung Quốc đang chuyển sang các giải pháp thay thế rẻ hơn là đến bệnh viện, ví dụ như các phòng khám cộng đồng giá rẻ hoặc khám bệnh từ xa với bác sĩ riêng.

Chuyên gia He nói với NYT rằng tình hình hiện nay là "đặc biệt đau đớn" cho các bệnh viện công đã mở rộng nhanh trong 10 năm qua. Các cơ sở này chi tiêu xa hoa để được phân loại cao hơn nhằm tăng doanh thu, đầu tư vào các tòa nhà mới để rồi đối mặt với thảm cảnh hiện nay.
"Các bệnh viện không lường trước được rằng nền kinh tế sẽ đột nhiên bắt đầu suy thoái", ông He đánh giá.
*Nguồn: NYT