Vấn đề thuế quan gần đây đang gây tác động mạnh các “ông lớn” công nghệ, và điều đó có khả năng làm lung lay làn sóng bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Sau cùng thì, chính các công ty công nghệ lớn đã đóng vai trò tài trợ chủ yếu cho sự phát triển của AI: Microsoft, Meta, Alphabet và Amazon dự kiến sẽ chi hơn 270 tỷ USD cho hạ tầng trung tâm dữ liệu trong năm nay, theo ước tính của Citigroup.
Họ đã chi rất nhiều cho các con chip của Nvidia – công cụ tính toán chủ lực của làn sóng AI. Chỉ vài ngày trước đây, điều này đã giúp cổ phiếu Nvidia tăng vọt lên mức chưa từng có; công ty này thậm chí từng trở thành doanh nghiệp niêm yết có giá trị lớn nhất thế giới trong một thời gian ngắn.
Việc duy trì đà phát triển của AI phụ thuộc vào việc các công ty công nghệ có sẵn sàng tiếp tục chi tiêu như hiện tại và trong tương lai – trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng rõ rệt.
Một số mảng kinh doanh mang lại nguồn tài chính dồi dào cho các ông lớn công nghệ thực chất không miễn nhiễm với suy thoái. Meta gần như hoàn toàn phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo – lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nếu thuế quan cao hơn đẩy giá cả lên và khiến người tiêu dùng thận trọng hơn. Google cũng phụ thuộc vào quảng cáo: Khoảng 3/4 doanh thu năm ngoái đến từ lĩnh vực này.
Ngay cả trước khi các mức thuế mới xuất hiện, các công ty công nghệ đã chi tiêu rất mạnh tay cho AI. Theo ước tính của Citi hồi tháng 2, họ dự kiến sẽ chi khoảng 325 tỷ USD cho đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu trong năm tới.

Khoản chi tiêu đó sẽ không nhất thiết là không bền vững — nếu không vì một thực tế đáng lo ngại: AI vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng như một ngành kinh doanh thực thụ. Cho đến nay, AI vẫn chưa mang lại lợi nhuận lớn cho bất kỳ ai - ít nhất là chưa tương xứng với những khoản đầu tư khổng lồ mà nó đòi hỏi.
John Blackledge, một nhà phân tích công nghệ tại TD Cowen cho biết mảng điện toán đám mây của Amazon trước đây tạo ra 4 USD doanh thu tăng thêm cho mỗi 1 USD chi phí đầu tư. Với các khoản đầu tư vào AI tạo sinh (generative AI), tỷ lệ hiện tại chỉ khoảng 20 xu cho mỗi USD mặc dù Blackledge dự đoán trong vài năm tới, con số này sẽ tiệm cận mức 4 USD như trước.
Xét về tiềm năng của AI, có lý do để cho rằng các công ty công nghệ sẽ coi thuế quan là tín hiệu để đẩy mạnh đầu tư vào AI, đồng thời cắt giảm chi tiêu ở các mảng khác. Một số nhà phân tích tin rằng họ sẽ vẫn giữ nguyên các kế hoạch chi tiêu lớn.
Tuy nhiên, kịch bản có khả năng xảy ra hơn là ít nhất một số công ty sẽ bắt đầu điều chỉnh. Họ nhiều khả năng sẽ dùng lý do thuế quan để biện minh cho việc giảm tốc độ chi tiêu. Trên thực tế, làn sóng đầu tư ồ ạt này phần lớn được thúc đẩy bởi nỗi sợ bị bỏ lại phía sau so với các đối thủ cũng đang “rót tiền” mạnh tay vào công nghệ này.
Một ví dụ điển hình có thể là dấu hiệu cho những gì sắp xảy ra: Microsoft đã bắt đầu giảm tốc việc xây dựng trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, bao gồm cả một dự án trị giá 1 tỷ USD ở bang Ohio.
Mặc dù công ty vẫn giữ kế hoạch chi hơn 80 tỷ USD cho hạ tầng trong năm tài khóa này, nhưng những động thái này cho thấy một lập trường thận trọng hơn về dài hạn. Các nhà phân tích tại TD Cowen cho biết trong một bản tin tháng trước rằng Microsoft đã hủy nhiều hợp đồng thuê mặt bằng ở Mỹ và châu Âu - một phần do nguồn cung trung tâm dữ liệu vượt quá nhu cầu dự báo của công ty.
Các công ty công nghệ từng cho thấy họ có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi. Họ đã làm được điều đó khi đại dịch Covid-19 bùng phát: Google trì hoãn các chiến dịch quảng cáo và giảm tốc độ tuyển dụng, trong khi Meta cam kết kiểm soát tốc độ tăng trưởng chi tiêu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này không mang theo nhiều cơ hội như trước. Khi đó, nhu cầu tăng vọt do nhiều người học tập và làm việc tại nhà – điều này có lợi cho các dịch vụ công nghệ. Nhưng lần này, khi giá cả leo thang và người tiêu dùng bắt đầu thắt chặt chi tiêu, cơ hội như vậy gần như không tồn tại.
Trong số các “ông lớn” công nghệ, Meta có lẽ là công ty nhạy cảm nhất với suy thoái kinh tế, bởi vì hãng này gần như không có nguồn thu nào ngoài quảng cáo.
Microsoft, Amazon và ở một mức độ nào đó là Google có thể chống chịu tốt hơn. Cả ba công ty này đều sở hữu các mảng điện toán đám mây lớn, chủ yếu phục vụ khách hàng doanh nghiệp. Ở lĩnh vực này, lợi ích từ đầu tư vào AI rõ ràng hơn – dù vẫn chưa thể coi là chắc thắng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Google vẫn chủ yếu dựa vào quảng cáo, còn Amazon cũng dễ bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong mảng thương mại điện tử và quảng cáo.
Một “nạn nhân” lớn khác nếu làn sóng đầu tư AI bị chững lại do thuế quan chính là Nvidia. Giám đốc điều hành của hãng – ông Jensen Huang – chỉ mới tháng trước còn mạnh miệng tuyên bố rằng việc chi tiêu gần như không giới hạn cho các trung tâm dữ liệu AI là điều tất yếu. “Chúng ta phải hợp tác với toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đầu đến cuối, để chuẩn bị cho một thế giới với hàng trăm tỷ, tiến tới hàng nghìn tỷ USD đầu tư vào hạ tầng AI”, ông nói với các nhà phân tích.
Những phát ngôn như vậy đã được các nhà đầu tư hồ hởi đón nhận, trong tâm thế muốn đón đầu làn sóng công nghệ tiếp theo. Nhưng giờ đây, chỉ trong chớp mắt, tất cả có thể chỉ là một giấc mộng hão huyền.
Theo: WSJ