Boeing có thể phải chia nhỏ bộ máy, pha loãng cổ phiếu, CEO thừa nhận sẽ cần rất nhiều thời gian

Vũ Anh | 14:00 26/10/2024

Để quay trở lại đúng quỹ đạo, Boeing sẽ cần đến một chiến dịch vô cùng khó khăn để giành lại lòng tin của khách hàng, các hãng hàng không, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chính nhân viên công ty.

Boeing có thể phải chia nhỏ bộ máy, pha loãng cổ phiếu, CEO thừa nhận sẽ cần rất nhiều thời gian

Boeing, công ty tiên phong trong kỷ nguyên máy bay phản lực, đồng thời đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với thành công nền kinh tế Mỹ, đã mất phương hướng. Để quay trở lại đúng quỹ đạo, Boeing sẽ cần đến một chiến dịch vô cùng khó khăn để giành lại lòng tin của khách hàng, các hãng hàng không, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chính nhân viên công ty.

Sau loạt sự cố an toàn, công đoàn Boeing đồng loạt đình công khiến tình trạng cạn kiệt tiền mặt càng trở nên tồi tệ. Mọi người lúc này đặt ra câu hỏi, rằng liệu ván cờ kết thúc ra sao, trong một kịch bản xấu có liên quan đến biểu tượng quốc gia?

Hiện phía cơ quan quản lý, dưới áp lực từ các nhà lập pháp, bắt đầu giám sát chặt chẽ hơn Boeing, làm chậm quá trình giao hàng và phê duyệt các mẫu máy bay mới. Kelly Ortberg, người đã tiếp quản vị trí giám đốc điều hành của Boeing cách đây chưa đầy 3 tháng, đã nói với các nhà đầu tư và nhân viên vào tuần trước: “Niềm tin vào công ty của chúng tôi đã bị xói mòn. Sẽ mất thời gian để đưa Boeing trở lại di sản trước đây, nhưng với sự tập trung và văn hóa phù hợp, chúng tôi có thể trở thành một công ty biểu tượng hàng đầu trong ngành hàng không vũ trụ một lần nữa”.

Để chặn dòng tiền ‘chảy máu’, Ortberg cắt giảm 17.000 việc làm và bán tới 25 tỷ USD cổ phiếu hoặc nợ. Boeing cũng đang xem xét việc bán một số doanh nghiệp vũ trụ để cứu nguy chính mình. 

Vấn đề, theo nhiều cách, bắt nguồn từ 737 MAX, phiên bản mới nhất của dòng máy bay thân hẹp đã có từ nhiều thập kỷ. Việc tập trung cắt giảm chi phí đào tạo, cộng thêm những sai lầm về thiết kế, đã dẫn đến vụ tai nạn chết người của Chuyến bay 610 Lion Air cách đây 6 năm. Việc Boeing không thừa nhận sai lầm khiến mọi thứ càng đi quá xa. 

Sau vụ tai nạn 737 MAX đầu tiên, vào ngày 29 tháng 10 năm 2018, tại Indonesia, Boeing hạ thấp các vấn đề liên quan đến hệ thống điều khiển bay bị lỗi và thay vào đó chỉ ra những sai lầm của phi công và bộ phận bảo dưỡng. Theo thỏa thuận với các cơ quan quản lý, Boeing chỉ đạo nhóm truyền thông của mình xóa khỏi thông cáo báo chí mọi nội dung đề cập đến công việc sửa chữa tính năng buồng lái mới khiến máy bay lao xuống đất. Bản thông cáo báo chí chỉ tuyên bố MAX “an toàn như bất kỳ máy bay nào từng bay trên bầu trời”.

Bộ phận những người chỉ trích cho rằng sự suy thoái bắt đầu vào những năm 1990, khi Boeing áp dụng nhiều phương pháp quản lý phổ biến tại nhà cung cấp General Electric, đồng thời tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn. Quyết định chuyển trụ sở chính từ trung tâm sản xuất ở Seattle đến Chicago vào năm 2001—và sau đó đến Virginia vào năm 2022—là một ví dụ điển hình.

Trong bối cảnh văn hóa tại Boeing thay đổi, một số kỹ sư lo sợ việc phải nêu lên các vấn đề an toàn với nhà quản lý. Một nhân viên của Boeing còn bị phát hiện đã chịu áp lực tài chính để lừa dối Cục Hàng không Liên bang không yêu cầu thời gian mô phỏng cho các phi công lái MAX. Anh sợ mình sẽ trở thành người bị đổ lỗi.

Khi nhậm chức CEO vào năm 2020, David Calhoun cho biết công ty sẽ tập trung vào việc xây dựng lòng tin và quay trở lại với những điều cơ bản. “Chúng tôi sẽ ít lập kế hoạch dài hạn hơn”, Calhoun nói với các phóng viên vào thời điểm đó. “Chúng tôi sẽ quay trở lại để khôi phục lòng tin với nhau, lòng tin với khách hàng và lòng tin với cơ quan quản lý. Chúng tôi sẽ minh bạch trong mọi bước đi”. 

Các giám đốc điều hành của Boeing liên tục nhấn mạnh sẽ tập trung vào vấn đề an toàn, kỹ thuật và chất lượng. Công ty đã không có lợi nhuận hàng năm kể từ năm 2018.

Tai nạn của Alaska Airlines vào tháng 1 cho thấy nhiều vấn đề của Boeing vẫn chưa được giải quyết. Các cuộc điều tra của chính phủ tiết lộ rằng những công nhân tuyến đầu vẫn phải đối mặt với áp lực sản xuất. Một số máy bay có vấn đề vẫn được đưa xuống dây chuyền và ra khỏi nhà máy.

David Boulter, giám đốc an toàn của FAA, cho biết chìa khóa để sửa chữa Boeing là đảm bảo tất cả nhân viên đều có cơ hội lên tiếng. Nhà sản xuất máy bay nức tiếng này đã mất khoảng 20% ​​giá trị thị trường kể từ sau tai nạn của Ethiopian Airlines vào tháng 3 năm 2019. Đến khi đại dịch bùng phát, cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh vì toàn bộ hoạt động sản xuất dừng lại.

Hiện tại, các nhà đầu tư đã chấp nhận rằng thu nhập của Boeing sẽ thu hẹp dần trong tương lai. Cổ phiếu hãng hiện trị giá 155 USD. 

Theo các chuyên gia phân tích Phố Wall, việc có thể tăng sản lượng lên hơn 50 chiếc MAX và 10 chiếc Dreamliner mỗi tháng sẽ tạo ra hơn 10 tỷ USD mỗi năm, nhưng điều này đang ngày càng trở nên bất khả thi. Giám đốc tài chính Brian West cho biết các hoạt động của Boeing trong năm 2025 sẽ đốt một lượng lớn tiền mặt. 

Để khơi dậy câu chuyện thành công, Boeing phải quay trở lại những năm 1990, khi một nhóm do kỹ sư lâu năm của công ty thiết kế 777 cùng các hãng hàng không. Con đường tốt nhất để tiến về phía trước cũng có thể là chia nhỏ công ty để mỗi bộ phận có thể tập trung tốt hơn vào thế mạnh của mình.

Với khoản nợ 58 tỷ USD, trong đó 12,5 tỷ USD sắp đáo hạn vào năm 2025 và 2026, không có cách nào để Boeing dễ dàng thoát ra mớ tơ vò. Hãng có thể phát hành thêm cổ phiếu để pha loãng - điều mà các nhà đầu tư cực kỳ lo sợ. 

Theo: WSJ, The NY Times 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Boeing có thể phải chia nhỏ bộ máy, pha loãng cổ phiếu, CEO thừa nhận sẽ cần rất nhiều thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO