Thu ngân sách bằng 61% dự toán
Theo báo cáo của Bộ Tài chính 6 tháng đầu năm 2024 Bộ đã điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; quyết liệt thu, chi NSNN; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ đã tham mưu, đề xuất trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng (gồm: giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92,56 nghìn tỷ đồng). Kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng .
Nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 64,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 57,4% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 60,1% dự toán, tăng 19,7% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5% so cùng kỳ.
Chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết tháng 6 năm 2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 156,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,89 năm, lãi suất bình quân 2,33%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.
Điều hành giá cả, thị trường bám sát thực tế
Liên quan đến công tác điều hành giá cả, thị trường, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để tổng hợp, phân tích, xây dựng các kịch bản, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô và tạo dư địa điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm.
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp quản lý, điều hành giá trong 6 tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 6 tháng tăng 4,08% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Tuy nhiên, có thể thấy mức tăng CPI đã tiệm cận mục tiêu điều hành, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm theo Nghị quyết Quốc hội (4-4,5%), thì áp lực kiểm soát lạm phát trong thời gian còn lại của năm 2024 là rất lớn.
Đối với thị trường chứng khoán, trong 6 tháng đầu năm, diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) có xu hướng hồi phục khá, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới tăng trưởng tích cực và đà phục hồi của nền kinh tế tiếp tục được duy trì. Tính đến ngày 28/6/2024 (phiên giao dịch cuối cùng tháng 6), chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm; tăng 10,2% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 19,0% so với cuối năm trước; tương đương 69,1% GDP năm 2023.
Còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp duy trì ổn định. Tính từ thời điểm hệ thống giao dịch TPDN bắt đầu vận hành (ngày 19/7/2023) đến cuối tháng 6 năm 2024, số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống đã công bố trên Chuyên trang thông tin về TPDN của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 1.097 mã trái phiếu của 293 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt khoảng 784,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã có phát sinh giao dịch của 1.095 mã trái phiếu thuộc 293 tổ chức phát hành; tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 685 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 2,94 nghìn tỷ đồng/phiên.
Có 41 doanh nghiệp đã phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng (gấp 2,6 so với cùng kỳ năm 2023), trong đó tổ chức tín dụng chiếm 63,2% (69,6 nghìn tỷ đồng), doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,6% (31,5 nghìn tỷ đồng). Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư là tổ chức mua TPDN trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán (21,9%); các nhà đầu tư cá nhân mua 5,2%.
Chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, Bộ Tài chính kiến nghị Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quyết tâm, chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024 tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN.
Tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…