Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ

Phương Linh | 10:41 28/05/2023

Nhiều du học sinh quốc gia này khi về nước chỉ có mức thu nhập gần bằng tiền thuê nhà tại nước ngoài. Điều này khiến họ nhận ra du học cũng chỉ là một hình thức đầu tư đặc biệt, mà đầu tư thì luôn tiềm ẩn rủi ro, lỗ hay lãi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ

Làm hàng chục năm mới hồi vốn du học

Bài đăng của một cô gái 30 tuổi Trần Linh từng du học ở Mỹ 8 năm tiêu tốn hết 2,68 triệu NDT (tương đương 8,9 tỷ đồng) gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc đầu năm nay. Theo thông tin Trần Linh đề cập, cô đi du học từ năm 16 tuổi, học trung học tại Mỹ sau đó trúng tuyển vào nhiều trường đại học danh tiếng. Ban đầu Trần Linh học chuyên ngành quy hoạch đô thị rồi chuyển sang thiết kế kiến ​​trúc. Cô học cao học xong thì về nước năm 25 tuổi.

Trần Linh nhận công việc đầu tiên trong ngành xây dựng với mức lương 12.000 NDT (gần 40 triệu đồng), cao hơn mặt bằng chung nhưng suốt 4 năm không hề được tăng lương. Trần Linh nhẩm tính nếu cô chỉ gắn bó với công việc này sẽ phải làm đến 19 năm mới kiếm được số tiền để “hồi vốn” ban đầu cho bố mẹ.

Tất nhiên con số này chỉ là tương đối, còn nhiều biến động và chưa xét đến lạm phát nhưng cũng đủ cho thấy chi phí bố mẹ Trần Linh bỏ ra cho con cái đi du học không hề nhỏ. Trần Linh cho biết cô cảm thấy có lỗi vì chưa thể có mức thu nhập tương xứng với sự đầu tư của bố mẹ. 

“Một số người bạn của tôi chưa đi du học nhưng mức lương của họ tại các công ty công nghệ, tài chính, ngân hàng cao hơn tôi 1,5 năm lần. Cũng một phần do ngành của tôi không còn phát triển như thời điểm tôi học đại học. Bố tôi đã rất hối hận vì định hướng sai cho tôi, thỉnh thoảng ông lại nói ước gì ông cho tôi theo học công nghệ. Tôi chỉ thấy mình thật nhỏ bé. Vậy nên không phải cứ học tập chăm chỉ tại nước ngoài rồi về nước là bạn sẽ có cuộc sống như ý muốn đâu”, Trần Linh viết.

Ảnh minh họa

Cô gái Lưu Tư Đạc từng học thiết kế thời trang ở châu Âu 7 năm, 2 năm kinh nghiệm thực tập trong ngành công nghiệp thời trang xa xỉ và có một số tác phẩm xuất hiện trên sàn diễn châu Âu. Thế nhưng khi tốt nghiệp và về nước phỏng vấn cho vị trí trợ lý cho một nhà thiết kế thời trang hàng đầu, cô lại bị thẳng thừng từ chối vì phong cách không phù hợp với thị hiếu nội địa. Yêu cầu ban đầu cho vị trí này thậm chí còn không cần bằng cấp.

Quá trình phỏng vấn làm tan vỡ giấc mơ của cô gái họ Lưu về công việc trong ngành thời trang. Cô chuyển hướng tìm vị trí giảng viên tại trường đại học nhưng cũng chỉ nhận được mức lương 6.000 NDT (gần 20 triệu đồng) cho 30 tiết dạy/tuần. Số tiền này chỉ gần bằng 1 tháng tiền thuê nhà khi Lưu Tư Đạc ở châu Âu và phải mất 30 năm làm việc với bằng khoản đầu tư cho việc đi du học của cô. 

Sau một thời gian quay cuồng với lịch trình dạy học, Lưu Tư Đạc quyết định lên máy bay quay lại châu Âu. “Bận rộn không phải vấn đề, nhưng vừa nghèo vừa bận mới khiến tôi sợ hãi”, cô gái trẻ cho biết.

Vì sao nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước?

Trong một hội nhóm du học sinh về nước trên mạng xã hội Douban của Trung Quốc có đến hơn 40.000 người chia sẻ sự thất vọng của họ về mức lương không như mong đợi, một số còn thất nghiệp hoặc bị sa thải. 

Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng du học là một cách hiệu quả để mọi người nâng cấp bản thân nhờ tiếp thu tri thức, rèn luyện tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Người Trung Quốc thậm chí từng gọi du học là quá trình “mạ vàng”. Chính vì vậy, nhiều du học sinh kỳ vọng khi trở về quê hương, họ sẽ có những ưu thế hơn sinh viên trong nước, dễ kiếm việc làm và có mức lương cao hơn để nhanh chóng bù lại số tiền khổng lồ ban đầu. 

Ảnh minh họa

Thế nhưng khi tỷ lệ thất nghiệp tại đất nước tỷ dân đang ở mức kỷ lục 20,4%, nhiều người trẻ Trung Quốc du học trở về cũng phải cạnh tranh khốc liệt với sinh viên trong nước để tìm kiếm việc làm. Năm 2022, có đến 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp và con số này được dự đoán sẽ đạt hơn 11 triệu trong năm 2023.

Chưa kể những năm gần đây, việc du học đã trở nên dễ dàng hơn, các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu cũng có thể chi trả cho con mình du học. Nhiều học sinh có thành tích không quá nổi trội vẫn có thể ghi danh vào một trường đại học nước ngoài. Vậy nên nhiều nhà tuyển dụng Trung Quốc sẽ chỉ đánh giá cao nếu tấm bằng của ứng viên đến từ các trường danh tiếng hoặc có kinh nghiệm thực tập tại các công ty lớn tại nước ngoài.

Đối với du học sinh, lợi thế tốt nhất giữa họ với sinh viên đại học trong nước là ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp đa văn hóa. Nhưng theo Trương Tín, giám đốc nhân sự cấp cao làm việc cho một công ty liên doanh Trung Quốc, khoảng cách ngôn ngữ giữa du học sinh và người học trong nước ngày càng thu hẹp. Nhiều ứng viên dù không có nền tảng du học vẫn giao tiếp tốt với đồng nghiệp người nước ngoài mà không gặp trở ngại nào. 

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên du học nhưng chỉ tiếp xúc nhiều với người Trung Quốc dẫn đến ngoại ngữ của họ cũng không nổi trội. Một số doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân cho biết sẽ không tuyển dụng du học sinh với lý do "sinh viên trong nước biết nhiều hơn về ngành công nghiệp và thị trường nội địa".

Xét cho cùng, tìm kiếm việc làm chỉ là bước khởi đầu trong cuộc đời của một người. Giáo dục cũng là một hình thức đầu tư đặc biệt và đầu tư thì luôn tiềm ẩn rủi ro. Không ai có thể đánh giá những du học sinh này đã thất bại hay lựa chọn về nước của họ là sai lầm, nhất là khi họ chỉ mới bước chân vào thị trường lao động sôi động tại đất nước tỷ dân.

Theo Toutiao


(0) Bình luận
Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO