Bộ GTVT nói gì về Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ do Tập đoàn CT Group đề xuất

Đinh Tịnh - Quang Minh | 08:56 25/01/2024

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group về đề xuất xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao tuyến TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Bộ GTVT nói gì về Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ do Tập đoàn CT Group đề xuất
C.T Group mong muốn xây dựng Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo hình thức PPP trị giá10 tỷ USD

Trước đó, ông Trần Kim Chung, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức PPP.

Ông Trần Kim Chung cho biết, đây sẽ là tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tổng chiều dài khoảng 174 km, bao gồm 12 ga, chạy cả tàu khách và tàu hàng. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 9,98 tỷ USD, tuyến đường đi qua địa phận 6 địa phương gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.

Tập đoàn CT Group dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách sử dụng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ khá lạc quan. Theo đó, theo kịch bản trung bình, đến năm 2035, tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển hơn 16,4 triệu lượt hành khách và 19,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Đến năm 2050, tuyến sẽ đạt lượng hành khách gấp 2,5 lần năm 2035, tương ứng hơn 42 triệu lượt hành khách; lượng hàng hóa gấp 4,24 lần năm 2035, tương ứng 81 triệu tấn.

Theo Tập đoàn CT Group, Tập đoàn sẽ hợp tác với Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng công ty Công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) để hình thành một liên doanh đầu tư có tên là Liên doanh tàu điện tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long (CMEX) để nhận gói hỗ trợ tài chính cho Dự án từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank), Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Ngoài doanh thu từ hoạt động vận tải hàng khách và hàng hóa, CMEX dự kiến hoàn vốn đầu tư cho Dự án bằng việc thực hiện phát triển đô thị theo mô hình Green TOD. Trong đó, mỗi nhà ga sẽ là công trình hiện đại mang bản sắc riêng của mỗi tỉnh với 5 bán kính khác nhau lần lượt từ 500 m đến 10.000 m.

Tập đoàn CT Group khẳng định, đã lập phương án phát triển đồng bộ 12 khu đô thị ga dọc tuyến theo chủ trương phát triển TOD của Chính phủ. Hiệu quả của 12 dự án sẽ giúp thời gian thu hồi vốn của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được rút ngắn từ 50 năm còn 25 năm.

Tập đoàn cam kết hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong 6 tháng đầu năm 2024 để trình phê duyệt; đồng thời cam kết huy động tối đa các nguồn lực để hoàn thành Dự án trước năm 2032.

Trước sự đề nghị trên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn số 738/BGTVT-KHĐT gửi tới Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group (có địa chỉ tại 20 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) để phản hồi về đề xuất của doanh nghiệp tư nhân này về Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Theo đó, Bộ GTVT đánh giá cao sự quan tâm của Tập đoàn CT Group tới sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và lĩnh vực đường sắt nói riêng.

Theo Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có vai trò quan trọng kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực.

Thực hiện quy hoạch trên, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt (trực thuộc Bộ GTVT) triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Hiện Ban Quản lý dự án đường sắt đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận, làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.

Tại Công văn số 738/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT cho biết, đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là cơ quan đầu mối cung cấp thông tin và hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu Dự án. Sau khi kết quả nghiên cứu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ GTVT sẽ thông báo trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn) để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu theo quy định pháp luật về đấu thầu.

“Chúng tôi đề nghị Tập đoàn CT Group theo dõi thông tin về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để nghiên cứu tham gia đầu tư theo quy định”, Công văn số 738/BGTVT-KHĐT do ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Ông Trần Kim Chung và đế chế C.T Group được hình thành thế nào?

Trần Kim Chung - Chủ tịch tập đoàn C.T Group còn được biết đến là “ông vua” đa ngàng nghề, “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực bất động sản phía Nam.

Ông Trần Kim Chung quê gốc ở Bình Định, từng học tại Đại học Havard (Mỹ), hiện là Chủ tịch C.T Group, một trong những doanh nghiệp có tiếng tại thị trường bất động sản phía Nam.

Hoạt động kinh doanh chính của C.T Group trải rộng trên các lĩnh vực như: bất động sản, bán lẻ, xây dựng, đầu tư tài chính. Trong đó, bất động sản và bán lẻ là hai ngành kinh doanh then chốt nhất.

Ông Trần Kim Chung sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là cán bộ công chức nhà nước trong thời kỳ bao cấp. Năm 14 tuổi, ông quyết định liên kết với xưởng sản xuất kem của ông chú để mở một cơ sở bánh kem. Khi mới bắt đầu, ông Chung kiêm tất cả công việc, từ sản xuất bánh đến đóng gói và đi bán (giao hàng cho khách).

Sau 2 năm hoạt động, tiệm bánh kem buộc phải đóng cửa, vì các đối thủ cạnh tranh “mọc lên như nấm sau mưa” mà còn áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất... Đó là bài học đầu đời về lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp trên thương trường của ông.

Những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường Đại học, ông đã trải qua rất nhiều ngành nghề như phối hợp cùng bạn bè để mở nhà hàng và cung cấp suất ăn công nghiệp, sản xuất rượu bia, xuất khẩu gạo sang Đông Âu, phân phối điện thoại, đất đai…

Ngày 29/6/1992, ông Trần Kim Chung thành lập Công ty TNHH Thương Mại Sài Gòn. Các sản phẩm khởi đầu như: hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, vật tư. Năm 1993, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ C&T, có nghĩa là “Challenge of the Twenty – first Century”. Cùng thời điểm đó, ông Chung thành lập thêm Công ty TNHH Him Lam.

Năm 1998, ông thành lập Công ty cổ phần Quốc tế C&T và nhiều công ty khác. Năm 2000, ông phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ các mặt hàng cao cấp phân phối khắp cả nước.

Đến năm 2006, ông Trần Kim Chung quyết định thành lập Tập đoàn C.T Group đa ngành nghề - nhà phát triển đô thị toàn diện.

Suốt hơn 30 năm qua, doanh nhân Trần Kim Chung hướng Tập đoàn C.T Group với sáu hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường Việt như: bất động sản, bán lẻ, xây dựng, tài chính, ẩm thực – giải trí, du lịch sinh thái…

Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản được xem là lĩnh vực mũi nhọn của Tập đoàn. Từ bất động sản nhà ở, bất động sản bán lẻ thương mại dịch vụ, bất động sản du lịch…

Lịch sử kinh doanh của Tập đoàn cho thấy, nhờ chiến lược đa ngành nên kể từ năm 1992 đến nay C.T Group đã thoát qua được ba giai đoạn khó khăn ứng với 3 cuộc khủng hoảng kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua.

Ví dụ năm 1992, C.T Group làm xuất nhập khẩu rất nhiều ngành như xuất khẩu gạo và làm nhà máy chế biến… Nhưng đến năm 2007-2009, C.T Group phải đóng cửa một số ngành vì nhận thấy một số ngành đã đến thời suy thoái.

Hay như khi Tập đoàn đang ở đỉnh cao của ngành mỹ phẩm, chiếm 50% thị phần hàng mỹ phẩm cao cấp Hàn Quốc, nhưng sau khi thấy thị trường có quá nhiều doanh nghiệp tham gia và thị trường bị phân mảnh, đã đến lúc quá “đông đúc” chật chội cho doanh thu thì C.T Group chuyển hướng.

Mới đây, C.T Group kết thúc kế hoạch 30 năm lần I và công bố kế hoạch 30 năm lần II (2022 – 2052) với nhiều ngành công nghệ mới.

Trước đó, Tập đoàn đã đầu tư nguồn lực trong rất nhiều năm để nghiên cứu các ngành công nghệ mới này trước khi công bố kế hoạch 30 năm lần II và vẫn duy trì có chọn lọc 3 ngành truyền thống bền vững mà Tập đoàn đã làm nhiều năm: Phát triển đô thị; Phát triển hạ tầng gổm môi trường, giao thông vận tải, logistic, xây dựng và ngành thứ ba là thực phẩm, chăm sóc sức khỏe.

6 ngành công nghệ này cũng nhanh chóng trưởng thành với các sản phẩm bắt đầu thương mại hóa trong 2023 và toàn cầu hóa trong năm 2024 với những công ty như: Công ty CT Optimal với công nghệ Trí tuệ nhân tạo (Pháp), AI Master (Việt Nam); Công ty Realcoin Global (Dubai) làm tiền số xanh; Công ty CT UAV với công nghệ Máy bay không người lái; Công ty VGCT với công nghệ Gen & tế bào; công nghệ Năng lượng mới với khá nhiều công ty và công nghệ Lượng tử với Công ty Anam Quantum.

Và mới đây là Công ty CT Semiconductor (trụ sở tại TP.HCM) chuyên về vi mạch bán dẫn đã xây xong nhà máy ở Sóng Thần, Bình Dương.

C.T Group cũng ra mắt Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN, trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ Carbon.

Gần đây, dự án tuyến đường sắt cao tốc kết nối từ TP.HCM đi miền Tây cũng nằm trong dự án Tập đoàn mong muốn đầu tư. Ông Trần Kim Chung đánh giá, đây là dự án rất khó làm, rất nhiều đời Thủ tướng (kể cả trước giải phóng) đã muốn làm dự án này nhưng chưa làm được.

Nguyên nhân vì nhiều khó khăn, chi phí lớn và khả năng thu hồi vốn thấp. Nhưng nếu đánh giá một cách toàn diện thì đây là một dự án đem lại giá trị rất cao về kinh tế xã hội và về hạ tầng, mang lại sự đột phá và “lột xác” cho miền Tây.


(0) Bình luận
Bộ GTVT nói gì về Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ do Tập đoàn CT Group đề xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO