Bộ Công thương vừa có báo cáo vừa gửi Quốc hội, giải trình bổ sung chất vấn theo yêu cầu của Tổng thư ký Quốc hội.
Theo đó, tại báo cáo trên, Bộ Công thương cho biết đang nghiên cứu sửa Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, do cơ chế này thực hiện gần 10 năm qua, bộc lộ bất cập.
"Thời gian gần đây, do có sự thay đổi về cơ cấu sử dụng điện, nên giá bán cho nhóm khách hàng không phản ánh kịp thời chi phí sản xuất", Bộ Công Thương nêu.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công tương, giá bán cho nhóm khách hàng sản xuất đang thấp hơn giá phản ánh chi phí, nên ảnh hưởng tới mục tiêu sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Mặt khác, các doanh nghiệp không có động lực đổi mới công nghệ, điều chỉnh sản xuất, nhất là khi nhóm tiêu dùng này chiếm tỷ trọng lớn trong phụ tải của hệ thống điện hiện nay.
"Điều này có nghĩa là vẫn tồn tại việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau", Bộ Công Thương đánh giá.
Thực tế cho thấy, nhằm khắc phục những tồn tại trên, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã nghiên cứu phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, biểu giá bán lẻ này dự kiến còn 5 bậc thay vì 6 như hiện hành.
Khoảng cách giữa các bậc cũng được phân chia lại, phù hợp thực tế dùng điện của người dân, và giá ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) trên 3.450 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Trước đó, liên quan đến vấn đề giá điện, theo nhận xét của cơ quan thẩm tra Quốc hội, cơ chế giá bán lẻ điện hiện tại chưa đồng bộ với thực tế thị trường điện nên không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào và cũng chưa hình thành giá theo từng khu vực địa lý.
Cụ thể, khung pháp lý cho việc tham gia thị trường điện cạnh tranh chưa hoàn thiện. Các nhà máy điện tái tạo được xây dựng theo tư duy "giá FIT", gặp nhiều rủi ro khi tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về giá điện cũng bộc lộ bất cập, như hiện chưa có quy định về giá phân phối điện và giá này do Nhà nước điều tiết tương tự giá truyền tải điện. Giá điện chưa tính đúng, đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực, theo cơ quan thẩm tra.
Trước những bất cập liên quan đến giá điện, ngày 11/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng năm 2023 và định hướng những tháng còn lại của năm 2023.
Tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình phương án điều chỉnh giá trước ngày 25/10/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình tự, thủ tục quy định.
Gần đây nhất, phương án điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và doanh nghiệp do lo ngại phương án này sẽ ảnh hưởng đến đời sống cũng như phương án sản xuất kinh doanh khi giá điện lâu nay “chỉ tăng không giảm”.
Liên quan đến vấn đề trên, các chuyên gia đánh giá cần có cơ quan xem xét giá nhiên liệu độc lập ngoài Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nếu thực hiện điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình đánh giá, tuy đề xuất của EVN là theo đúng cơ chế thị trường, nhưng hiện Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì EVN không dám tự điều chỉnh giá điện.
Theo ông Đào Nhật Đình, về mặt thị trường điện, trong khối ASEAN, số quốc gia điều chỉnh giá điện từ 3-4 tháng chiếm số lượng nhiều nhất. Điều chỉnh giá điện 3 tháng cũng được, nhưng vấn đề đặt ra là phải làm sao để công khai, minh bạch.
“Theo tôi, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra. Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương nên làm việc, mời thêm những chuyên gia đầu ngành về năng lượng và giá do Chính phủ chỉ định, để quyết định việc điều chỉnh giá điện. Trường hợp, nếu giá than biến động mạnh thì có thể điều chỉnh 3 tháng/lần, còn không thì điều chỉnh 6 tháng/lần để tránh giật cục”, chuyên gia Đào Nhật Đình nêu quan điểm.
Cũng liên quan đến đến vấn đề giá điện, theo GS.TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cần xem xét vấn đề ở góc độ vĩ mô hơn, điều đầu tiên là phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện, do đó, cần phải có ngay thị trường điện cạnh tranh, thị trường này có 3 khâu quan trọng: Phát điện, bán buôn và bán lẻ. Bên cạnh đó, để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh.