Bloomberg: 98% kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái

Linh Anh | 12:17 27/09/2022

Với hơn 400 mã đỏ trên S&P 500 trong phiên giao dịch ngày 26/9, thị trường tài chính Mỹ đang cho thấy sự quan ngại sâu sắc trước nguy cơ suy thoái kinh tế.

Bloomberg: 98% kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái

Sau phiên giao dịch đầu tuần, S&P 500 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Chỉ tính riêng trong tháng này, nó đã giảm 8%. Đồng bảng anh rơi xuống mức thấp kỷ lục trong khi đồng USD không ngừng tăng giá khiến thị trường hàng hóa chịu nhiều tác động. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tiếp tăng, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã lên 3.898%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2010.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở châu Âu và Mỹ tiếp tục thể hiện quyết tâm kiểm soát lạm phát, dẫn tới sự gia tăng đáng kể của lãi suất toàn cầu.

Khi những tin xấu liên tiếp xuất hiện trên khắp thế giới, áp lực bán gia tăng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất có thể vẫn còn ở phía trước.

“Thật không may, đây mới chỉ là khởi đầu của tiến trình bởi FED sẽ không dừng lại cho tới khi kiểm soát được lạm phát đang phi mã. Thị trường tài chính, vì vậy, cũng sẽ chịu những tác động tiêu cực cho tới khi đà tăng giá chóng mặt hiện nay tìm được hồi kết”, Stephanie Lang, Giám đốc đầu tư tại Homrich Berg, cho biết.

Tính tới cuối phiên giao dịch ngày 26/9, S&P 500 đã giảm ngày thứ 5 liên tiếp. Các cổ phiếu công nghệ trên Nasdaq cũng chịu tác động nặng nề bởi làn sóng bán tháo. Russell 2000, với các công ty giá trị vốn hóa nhỏ, cũng mất tới 1,4%.

Mô hình tính toán xác suất của Ned Davis Research chỉ ra rằng thế giới có 98% rơi vào suy thoái. Hai chuyên gia Alejandra Grindal và Patrick Ayres của công ty cho biết họ thấy con số này trong những thời kỳ suy thoái trầm trọng trước đó, chẳng hạn như vào năm 2020 hay giai đoạn 2008-2009.

“Con số này cho thấy nguy cơ suy thoái nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu đang tăng nên. Nó sẽ tạo ra nguy cơ sụt giảm hơn nữa với các thị trường chứng khoán khắp thế giới”, họ viết trong một bản khuyến nghị.

Suốt năm 2022, các nhà đầu tư luôn tìm kiếm cơ hội để đầu tư trước những nguy cơ được cảnh báo trước. Thậm chí, ngay trước khi Mỹ công bố chỉ số PMI tháng 8, nhiều người đã tin rằng lạm phát ở Mỹ đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, con số thực tế cho thấy lạm phát tiếp tục gia tăng ngay cả khi giá nhiên liệu, năng lượng đã giảm xuống.

Lisa Shalett, CIO của Morgan Stanley Wealth Management, cho rằng các dấu hiệu của suy thoái kinh tế đang ngày một rõ ràng, nhất là khi các nhà đầu tư nhận ra rằng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) luôn có độ trễ.

Hầu hết các nhà đầu tư thường chỉ giỏi trong việc chuyển dữ liệu kinh tế thành dự báo thu nhập trong vòng 6 tháng tiếp theo. Điều này có nghĩa bất cứ sự thay đổi nào về thu nhập ở thời điểm hiện tại đều có thể mang đến cảm giác “an toàn sai lầm” khi mà chính sách thường có độ trễ lâu hơn, đôi khi lên tới 2 năm.

“Thị trường giá xuống này vẫn chưa kết thúc và các nhà đầu tư nên sẵn sàng cho những biến cố nếu họ tiếp tục đánh giá thấp tác động của tăng lãi suất”, bà Shalett cảnh báo.

Tham khảo: Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bloomberg: 98% kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO