Bí mật sau thành công của ‘The Glory’ và ‘Squid Game’: Tầm nhìn 70 năm của tộc trưởng Samsung tạo tiền đề xây dựng 'quyền lực mềm' đặc biệt cho Hàn Quốc

Băng Băng | 15:14 07/04/2023

Ít ai biết rằng thành công của những bộ phim Hàn Quốc ngày nay bắt đầu từ nhà sáng lập Samsung Lee Byung Chul. Thậm chí vị danh nhân này ban đầu còn chẳng nghĩ làm phim điện ảnh.

Bí mật sau thành công của ‘The Glory’ và ‘Squid Game’: Tầm nhìn 70 năm của tộc trưởng Samsung tạo tiền đề xây dựng 'quyền lực mềm' đặc biệt cho Hàn Quốc

Hãng tin Bloomberg cho biết mỗi khi Chanette Thompson, một thợ trang điểm sống tại Los Angeles vấp ngón chân hay cụng đầu vào đâu là cô lại kêu lên “Aish”, nghĩa là “Ôi không” hoặc “Chết tiệt” trong tiếng Hàn Quốc. Điều trớ trêu là cô Thompson chưa từng đến Hàn Quốc hoặc thậm chí nói được tiếng Hàn.

Theo Bloomberg, đây là minh chứng rõ nhất cho việc Thompson xem quá nhiều phim Hàn Quốc và bị ảnh hưởng văn hóa nặng.

Trên thực tế, Thompson đã bắt đầu nghiện xem các chương trình của Hàn Quốc từ cách đây 10 năm với bộ phim “Nụ hồng hờ hững” (Pink Lipstick), một bộ truyền hình hài lãng mạn dài tập gợi nhớ đến những bộ phim mà cô từng xem với bà ngoại lúc nhỏ.

Hiện nay, tài khoản Netflix của Thompson ngập tràn các bộ điện ảnh Hàn Quốc. Thậm chí cô thợ trang điểm này còn đăng ký hẳn một tài khoản trên nền tảng Viki nữa để có thể theo dõi các chương trình của Hàn Quốc. Cô cũng thường xuyên đến các nhà hàng Hàn để thử những món ăn mà mình thấy trên phim và đặt kế hoạch du lịch xứ sở kimchi vào năm 2025.

“Tôi có xem truyền hình Mỹ nhưng tôi xem các kênh của Hàn Quốc còn nhiều hơn nữa”, Thompson nói.

Cô Thompson chỉ là một trong vô số những trường hợp nghiện phim Hàn Quốc và chịu ảnh hưởng về văn hóa tại Mỹ.

Vinh quang cho Hàn Quốc

Theo Bloomberg, kể từ sau thành công của những bộ phim như “Ký sinh trùng” (Parasite), “Trò chơi con mực” (Squid Game) trên nền tảng Netflix, Hàn Quốc đã thực sự trở thành một trong những trung tâm giải trí điện ảnh của thế giới.

Nghiên cứu của hãng Media Partners Asia cho thấy Hàn Quốc là nhà sản xuất điện ảnh lớn thành công duy nhất của Châu Á trên thị trường Mỹ. Họ cũng là những nhà chế tác lớn hiếm hoi trên Netflix có thể vươn tầm ra ngoài nước Mỹ, tiếp cận được vô số những thị trường khác.

Phía Netflix cho biết hơn 60% khách hàng, bao gồm nhiều quốc tịch đã xem các chương trình của Hàn Quốc trong năm vừa qua, điều mà hiếm có một quốc gia nào làm được.

Thậm chí gần đây, bộ phim “Vinh quang trong thù hận” (The Glory) của Hàn Quốc đã đứng đầu lượng theo dõi trên Netflix suốt 2 tuần liền tính trong tháng 3/2023, bằng tổng lượng xem của 2 bộ phim tiếng Anh đứng sau cộng lại. Tác phẩm này cũng là một trong 10 bộ phim ăn khách nhất của Netflix trong hơn 90 thị trường, từ Argentina, Pháp, Ấn Độ cho đến Nam Phi.

“Các tác phẩm Hàn Quốc hấp dẫn ở bất cứ thị trường nào”, nhà sản xuất Hyun Park của Studio Dragon, nơi làm nên tác phẩm “Vinh quang trong thù hận” tự hào nói.

Phim "Vinh quang trong thù hận"

Hãng tin Bloomberg cho hay Netflix đã đổ 500 triệu USD đầu tư cho thị trường phim ảnh Hàn Quốc năm 2021 sau thành công của “Trò chơi con mực” cùng nhiều chương trình khác, qua đó đẩy số dự án điện ảnh lên ít nhất 34 tác phẩm trong năm nay.

Số liệu của Media Partners thì cho thấy Netflix hiện đã tiêu tốn đến 1 tỷ USD mỗi năm cho Hàn Quốc khi chứng kiến những thành công trên.

Không chịu chậm chân, hàng loạt các doanh nghiệp giải trí khác như Disney+, Apple TV+ cũng gia nhập cuộc đua đầu tư điện ảnh Hàn Quốc. Thậm chí đến Amazon vốn không có dịch vụ phát sóng điện ảnh trực tuyến tại Hàn Quốc cũng nhanh chóng mua lại một chương trình của quốc gia này để phát sóng ra bên ngoài.

Thế nhưng tất cả những sự thành công đó không phải chỉ qua một đêm là có được.

Khởi nguồn Samsung

Vào thập niên 1950, nhà sáng lập Samsung là ông Lee Byung Chul đã thành lập nên CJ CheilJedang, một công ty con về thực phẩm và sức khỏe.

Ban đầu sản xuất truyền hình không nằm trong kế hoạch nhưng với bối cảnh Chiến tranh lạnh thời đó cũng như việc Mỹ muốn hạn chế sự bành trướng của Liên Xô, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc đã ủng hộ việc công ty đầu tư mảng giải trí. Mọi người khi đó tin rằng việc giành chiến thắng bằng “quyền lực mềm” sẽ đem lại lợi thế quốc gia cho Hàn Quốc.

Đến thập niên 1990, hai người cháu của nhà sáng lập Lee là Lee Jay Hyun và Miky Lee đã biến CJ thành một đế chế giải trí khổng lồ. Họ đã sáng lập cũng như thâu tóm hàng loạt nền tảng truyền hình trong nước, doanh nghiệp tổ chức sự kiện cũng như hãng thu âm.

Vào năm 1994, CJ đã đầu tư 300 triệu USD cho DreamWorks, một xưởng phim mới được thành lập bởi đạo diễn lừng danh Steven Spielberg. Đến năm 1998, tập đoàn này khai trương hệ thống rạp chiếu phim tiêu chuẩn mới đầy thành công tại Hàn Quốc và lan nhanh sang cả thị trường Châu Á.

Phim "Yêu tinh"

Ban đầu đế chế gia tộc họ Lee chỉ chú trọng đến mảng điện ảnh mà bỏ qua phân khúc phim truyền hình cho nhừng nhà sản xuất trong nước. Thế nhưng vào năm 2010, đế chế này bắt đầu lấn sân sang mảng sản xuất truyền hình với hàng loạt hợp đồng ký kết cùng các biên kịch, đạo diễn nổi tiếng nhất Hàn Quốc khi đó.

Năm 2016, Studio Dragon được thai nghén từ CJ ENM và cùng năm đó họ cho ra mắt siêu phẩm “Yêu tinh” (Goblin), bộ phim truyền hình đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc đạt tỷ suất người xem 20% chỉ trong 1 tập.

Thế nhưng sự bùng nổ chỉ thật sự đến khi Netflix tiến quân vào Châu Á.

Thay đổi kế hoạch

Vài năm sau khi “Yêu tinh” làm nên lịch sử tại Hàn Quốc, hãng Netflix bắt đầu tấn công thị trường Châu Á với dự định ban đầu là Nhật Bản. Những lãnh đạo Phương tây khi đó cho rằng Nhật Bản với truyện tranh và sự phổ cập văn hóa ra thế giới sớm nhất sẽ là ưu thế để phát triển.

Thế nhưng trong quá trình phát triển, Netflix bắt đầu nhận ra Hàn Quốc mới là nơi có khả năng thu hút người xem trên khắp thế giới. Các kênh truyền hình ở Nhật Bản, Đài Loan hay Hong Kong đều có những chương trình Hàn Quốc nổi tiếng phát đi phát lại.

Vậy là vào năm 2019, Netflix quyết định hợp tác với Studio Dragon để cùng phát triển. Trong vài năm sau đó, hàng triệu người Hàn Quốc đã đóng tiền để mở tài khoản Netflix, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hãng.

Thế rồi với việc gắn phiên dịch, thuyết minh cho các bộ phim Hàn Quốc, sản phẩm của Netflix tiếp tục công phá vô số thị trường khác, từ Châu Mỹ Latinh, Châu Âu cho đến chính sân nhà Mỹ.

Ngoài ra, dịch bệnh khiến nhiều người ở nhà hơn và thế là các bộ phim xuất sắc của Hàn Quốc tiếp tục được ưa chuộng. Tính đến mùa thu năm 2021, hàng loạt tác phẩm của Hàn Quốc như “Trò chơi con mực”, “Ngôi trường xác sống”, “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” đã lọt vào danh sách các bộ phim ăn khách nhất lịch sử của nền tảng này.

Phim "Hạ cánh nơi anh"

Số liệu của Netflix cũng cho thấy các tài khoản của họ tốn nhiều thời gian xem phim Hàn Quốc hơn bất kỳ sản phẩm quốc gia nào khác ngoài Mỹ.

Nhờ sự bùng nổ này mà các studio làm phim Hàn Quốc đã tăng sản lượng thêm hơn 50% trong 3 năm qua. Riêng trong năm 2022, Hàn Quốc đã cho ra mắt hơn 125 phim truyền hình và chương trình giải trí.

Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của Studio Dragon là CJ ENM đã chịu ảnh hưởng từ thành công này và quyết định thành lập thêm 2 xưởng sản xuất nữa, bao gồm CJ ENM Studios và Fifth Season, nhằm tăng sản lượng tác phẩm.

Thậm chí, hãng đã thành lập Studio Dragon chi nhánh Nhật Bản và đang xây dựng một chi nhánh tương tự ở Thái Lan để mở rộng thị trường.

*Nguồn: Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bí mật sau thành công của ‘The Glory’ và ‘Squid Game’: Tầm nhìn 70 năm của tộc trưởng Samsung tạo tiền đề xây dựng 'quyền lực mềm' đặc biệt cho Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO