Bí mật của TS Mai Liêm Trực trên bàn đàm phán quốc tế và chuyện gỡ nút thắt viễn thông ở Hiệp định Thương mại Việt Mỹ

Thái Trang - Hoàng Ly/TK: Hải An | 07:45 07/09/2023

Hai lần du học tại Đức, 3 năm công tác tại Campuchia hậu diệt chủng Pol Pot, điều mà TS Mai Liêm Trực thu được không chỉ là kiến thức về khoa học kỹ thuật. Đó còn là tính kỷ luật, sự am hiểu về văn hoá phương Tây, tư duy về kinh tế thị trường - điều giúp ông rất nhiều sau này trên bàn đàm phán quốc tế cũng như trong công việc.

Bí mật của TS Mai Liêm Trực trên bàn đàm phán quốc tế và chuyện gỡ nút thắt viễn thông ở Hiệp định Thương mại Việt Mỹ
mlt-mini-title-1-web-2.jpg

Sau kháng chiến chống Pháp, con em của nhiều cán bộ kháng chiến ở miền Nam được đưa ra miền Bắc và học phổ thông nội trú ở các trường học sinh miền Nam tại nhiều tỉnh thành phố. Là người ham học, Mai Liêm Trực rất say mê đọc sách và giỏi cả Toán lẫn Văn, nên được cử đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc cả 2 môn.

Học hết phổ thông, cậu học 8 tháng tiếng Đức và sang Đức học đại học chuyên ngành vô tuyến điện, thời đó gọi là điện nhẹ (điện nặng là điện lực) tại Đại học tổng hợp kỹ thuật Dresden (đại học tổng hợp kỹ thuật lâu đời nhất của Đức). Thời đó, việc sang Đức - một quốc gia phát triển hơn Việt Nam rất nhiều là một thay đổi rất lớn, cậu Trực sang nước bạn học thì còn chưa biết mở radio. “Việt Nam thời đó làm gì đã có radio nên khi mở phải học, bỡ ngỡ với nhiều thứ lắm”, ông Mai Liêm Trực kể lại.

Với Đại học Dresden, ông Trực tốt nghiệp về nước làm, rồi sau đó quay trở lại đây làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Ở nước Đức, ông Trực không chỉ học được về kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức, mà còn học được rất nhiều về văn hóa và triết lý của họ.

“Mê văn học, sang Đức, tôi cũng đọc nhiều về văn học, và thuộc ca dao tục ngữ của họ. Học ca dao tục ngữ, thành ngữ không phải để học tiếng, mà học để sửa mình, học cách sống văn minh của họ”, ông Trực tâm sự.

mlt-mini-quote-1-web-2.jpg

“Người Việt Nam mình, nhất là các cậu sinh viên thời đấy, dù được rèn luyện khi ở tập thể nhưng vẫn cứ lộn xộn, nhất là đi đá banh về hay quẳng quần áo lung tung. Hồi đó, tôi ở cùng phòng với một cậu người Đức. Khi thấy mình lộn xộn, bạn nói một câu thành ngữ của Đức: ‘Mỗi vật có một vị trí của nó’, mình nghe câu đó rồi thấy mình để sai chỗ là không được. Sau này, tôi tập cho mình tính ngăn nắp, trật tự của người Đức”, ông Trực kể lại một câu chuyện thời đi học.

Người Đức bao giờ cũng rất kỷ luật, quy trình, đúng hẹn, và ông Trực quen với nếp sống đó. Đây là tính cách ăn sâu vào cách làm việc sau này của vị lãnh đạo cấp cao ngành bưu điện.

Tốt nghiệp Đại học tổng hợp kỹ thuật Dresden về nước, ông Mai Liêm Trực ghi nguyện vọng của mình trong hồ sơ: “Ăn cơm của dân đã mòn răng rồi nên tổ chức giao việc gì sẽ làm việc nấy!”. Do ghi nguyện vọng cá nhân một cách rất hồn nhiên như vậy nên ông Trực bị kiểm điểm. “Có thể do tôi bị cho rằng mình ám chỉ việc phải ăn cơm ngô chăng?”, ông Trực cười to khi kể lại chuyện xưa.

Rồi cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông nói: “Thực ra, lúc đó là tôi nói rất thật lòng mình. Lúc đi 10 tuổi thì tôi toàn ăn cơm của dân. Ra Bắc, dân Nghệ An đói khốn khổ sau chiến tranh chống Pháp như vậy mà vẫn luộc khoai cho mình ăn, rồi đi xa học (được đi du học ở Đức)… thì sau này về bảo làm gì phải làm nấy là đúng thôi”.

mlt-mini-quote-2-web-2.jpg

Ông Trực chia sẻ thêm: “Cái suy nghĩ đấy nó ăn vào máu của mình, thấy đó như một cái nợ trong người mình. Thực tế lúc đó là tôi thấy anh mình, em mình chiến đấu còn không màng sống chết, việc phân công mình làm gì thì sẽ làm cũng bình thường thôi, chứ có cái gì đâu!”.


Được phân công và trở thành kỹ sư thông tin thời chiến trong ngành bưu điện, ông Mai Liêm Trực nhanh chóng thích nghi với tình hình thực tế, dù việc học nhiều thói quen ở nước bạn ngấm sâu vào trong người nên ban đầu cũng có chút… buồn cười.

Ông Trực kể lại: “Hồi mới từ Đức về, đi thăm vợ nơi sơ tán, con cá rửa rồi mà có ruồi bâu, tôi còn kêu bà xã rửa lại rồi mới nấu. Nhưng cũng chỉ lúc đầu thôi, 3 tháng sau khi làm kỹ sư thông tin thời chiến, lên núi lắp đặt thiết bị thông tin, ở nhiều vùng nông thôn và đồi núi, chúng tôi tranh nhau ăn với… ruồi (cười), vì vùng đó ruồi nhiều lắm, không ăn là đói. Lúc đó không thấy khó khăn gì, cũng không kêu ca, vì thời chiến thì cả đất nước, cả thế hệ đều như vậy, ngồi đó mà kêu ca thì không làm được gì cả!”.

Cựu Thứ trưởng nói thêm: “Thực ra, kể cả trong những năm chiến tranh cũng như thời kỳ đổi mới sau này, việc có thể cùng anh em tạo ra kết quả nọ, kết quả kia cũng là bởi cùng nhau làm việc, không ngại gian khổ, chịu khó học hỏi, kiểu ‘có bệnh thì vái tứ phương’ chứ không phải tài giỏi gì. Cứ chịu khó học hỏi mọi lúc mọi nơi thì mình sẽ nhìn thấy câu trả lời ở đâu đó, nhất là về văn hóa, tư duy”.

mlt-mini-title-2-web-2.jpg

Đức là một nước phát triển, giúp ông học được rất nhiều về kiến thức, tính kỷ luật... Vậy còn Campuchia - nơi ông từng có thời gian công tác khá dài thì sao?

Đang làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Tổng cục Bưu điện, tôi được cử làm trưởng đoàn chuyên gia bưu điện sang giúp Campuchia xây dựng lại hệ thống bưu chính viễn thông sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ.

Thời kỳ đó, tôi học được từ nước bạn về tư duy thị trường. Thực chất, họ không trải qua thời bao cấp mấy chục năm như mình, chủ yếu bị tụt hậu do nạn diệt chủng Pol Pot chứ về cơ bản là vận hành nền kinh tế thị trường.

Một ví dụ cơ bản của ngành bưu điện là ở Việt Nam, gửi thư lúc đó rất rẻ, con tem chỉ 4 hào, chỉ bằng ⅕-⅙ giá thành. Chúng tôi muốn tăng mà trình mãi không được. Nhưng sang Campuchia, khi giúp bạn làm giá cước về bưu chính, thư từ, điện thoại, ông Hun Sen (Thủ tướng Campuchia lúc đó) chỉ nói đúng một câu: “Làm gì thì làm, nhưng giá cước phải cao hơn giá thành để có lợi nhuận tái đầu tư”. Thế là đủ.

Nhưng mình nghe thì ngỡ ngàng vì quen sống trong bao cấp hoàn toàn theo cơ chế “Giá - Lương - Tiền” với kiểu “bán như cho, mua như ăn cướp”.

mlt-mini-quote-3-web-2.jpg

Trở về từ Campuchia làm Cục trưởng Cục Viễn thông và chịu trách nhiệm đi đàm phán hợp đồng BCC đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này, những bài học về tư duy thị trường giúp gì cho ông hay không?

Nếu nói chính xác là từ những kinh nghiệm ở Campuchia thì không hẳn, mà nó do tổng hợp từ những kiến thức về văn hóa tôi thu nhận được từ việc học ở nước bạn gồm cả Đức, Campuchia, rồi những lần gặp gỡ đối tác nước ngoài khi còn làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Bưu điện) từ trước đó.

Trong lần đàm phán với Telstra (Úc) về BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh) đầu tiên của Việt Nam sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài, nhờ việc hiểu được tư duy thị trường cũng như văn hóa của bạn mà việc đàm phán có kết quả. Thực tế, hai bên đàm phán căng thẳng suốt mấy tháng trời.

Khi ấy Việt Nam vừa mới thoát khỏi bao cấp (năm 1988) và chưa quen với tư duy thị trường, cũng chưa có bất cứ kinh nghiệm gì nên khi đàm phán luôn sợ bị thiệt và rất khó đi đến một thỏa thuận 2 bên. Mỗi lần đàm phán với đối tác về điều khoản hợp đồng, tôi lại phải đi giải trình với Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, đối tác Úc cũng tương tự với sếp của họ và còn thêm việc phải được sự đồng ý từ luật sư nữa. Rất phức tạp và khó khăn.

mlt-mini-quote-4-web-2.jpg

Thế nhưng, nhờ việc mình hiểu được cái khó của họ, rằng họ cần có lợi nhuận hợp lý thì mới thỏa thuận được (điều nghe có vẻ rất buồn cười vào thời điểm hiện nay) nên bản thân tôi cũng sẵn sàng giải thích với cấp trên của họ. Còn phía Telstra cũng thấy được những khó khăn của tôi, nên họ cũng sẵn sàng giải thích với lãnh đạo của tôi về những khó khăn của phía Australia.

Khi hiểu văn hóa của nhau và dành cho nhau sự tôn trọng thì mới đạt thỏa thuận hai bên chấp nhận được, chứ cứ khăng khăng ép nhau chỉ theo góc nhìn của mình sẽ không đạt được điều gì cả. Hợp đồng BCC năm đó là 15 triệu USD, sau đó thực hiện 1 năm có kết quả tốt nên nâng hợp tác lên gần 130 triệu USD. Tỷ lệ phân chia lợi nhuận được xác định là Việt Nam 68% - Úc 32%, hợp tác kéo dài tới 10 năm và cả 2 bên đều hài lòng.

Lúc đó, hai bên đàm phán có căn cứ chính xác để xác định được tỷ lệ phân chia lợi nhuận đó hay không?


Chúng tôi cũng dựa trên một số yếu tố nhưng căn cứ để xác định chính xác thì không có. Vấn đề là lúc đó phải quyết định thôi. Dự án kinh doanh ăn chia dựa vào cuộc gọi từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, nếu mình không hợp tác thì cũng không có cuộc gọi nào, lấy đâu ra doanh thu ở thời điểm đó để mà chia lợi nhuận, cái đó đâu để dành lại được để cộng dồn sau này.

mlt-mini-title-3-web-2.jpg

Bên cạnh đàm phán thành công các hợp đồng kinh doanh, ông còn có được những kỷ niệm đặc biệt nào khác trong các nhiệm vụ hợp tác quốc tế?

Khi đi đàm phán kinh doanh, hợp tác quốc tế, tôi và nhiều anh em trong ngành nữa đều học thêm được rất nhiều điều. Nói đúng ra, bước ra từ thời bao cấp, mình đi ra nước ngoài giống như chui khỏi cái hang, nhiều thứ mới mẻ và thú vị lắm.

Nếu mình muốn học hỏi thực sự thì kho kiến thức ở bên ngoài là vô tận. Mà chúng tôi học được nhiều điều không chỉ ở các cuộc gặp chính thức, đàm phán, mà học được cả khi ăn tiệc, nói chuyện bên lề với họ. Tôi lại biết vài ngoại ngữ nên việc trao đổi cũng thuận lợi hơn.

Như việc mở cửa thị trường viễn thông, mà đột phá khẩu là việc đưa công nghệ gọi điện thoại VOIP vào Việt Nam có được là nhờ tôi hỏi chuyện một chuyên gia Hong Kong (Trung Quốc) bên lề Hội nghị Bộ trưởng viễn thông khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nhờ đó, Viettel mới tìm ra hướng đi mới cho cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông.

Một kỷ niệm khác mà tôi rất nhớ là việc đàm phán ký hợp đồng mua thiết bị viba của Tập đoàn AWA (Úc), năm 1988.

mlt-mini-quote-5-web-2.jpg

Tháng 12 năm đó, tôi và anh Ba Thân (ông Đặng Văn Thân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ) sang Úc dự Hội nghị ITU quốc tế tại Melbourne (Australia). Hội nghị nghỉ họp cuối tuần, chúng tôi bay về Sidney để đàm phán hợp đồng mua thiết bị viba.

Chúng tôi đi dự hội nghị được Nhà nước đài thọ anh Thân được 4,5 USD/ngày, tôi được 4 USD/ngày. Bên AWA mời chúng tôi về Sidney và đặt khách sạn Hilton. Trước khi đi, anh Thân nói với Vỹ (ông Nguyễn Ngọc Vỹ - sau này là Giám đốc Công ty Tem thuộc VNPT), lúc đó làm phiên dịch, là bảo họ đặt ở khách sạn 2 sao thôi, 5 sao làm gì, mình hay ăn mì ăn liền cũng bất tiện. Chúng tôi đề xuất thế, thì đúng là họ bố trí khách sạn chỉ 2 sao, hay gọi là nhà nghỉ thì đúng hơn.

Khi vào đàm phán, phía bạn trình bày rất chi tiết nội dung và giá cả của dự thảo hợp đồng, bán 1.000 thiết bị viba số AWA với tổng giá trị 15 triệu USD.

Đọc kỹ dự thảo hợp đồng, anh Ba Thân đề nghị bạn giảm 10% vì Việt Nam còn nghèo. Phân tích rất kỹ với nhau các hạng mục, đàm phán kéo dài và khá căng thẳng, phía bạn đồng ý giảm 5% và không thể giảm được hơn nữa. Ông Jeft Wake, Chủ tịch AWA nói: “Vì chúng tôi còn nhiều chi phí nữa khi sang lắp đặt tại Việt Nam”. Anh Ba Thân có vẻ đã xuôi với con số 5%, nhưng tôi không chịu.

mlt-mini-quote-6-web-2.jpg

Tôi nói với ông Chủ tịch: “Ông thấy rồi đấy, các ông bố trí khách sạn 5 sao cho đoàn, nhưng ông Thân nói chỉ cần ở 2 sao thôi để tiết kiệm cho các ông. Khi sang Việt Nam, chúng tôi cũng đảm bảo hợp tác để giảm thiểu chi phí và tiết kiệm tối đa cho các ông”.

Đó cũng là tư duy ở Đức, tính toán tối ưu và hiểu bạn. Ở đây, việc hiểu văn hoá của họ thì mới hiệu quả, chứ cứ khăng khăng nói chuyện đạo lý hay tình hữu nghị nọ kia thì không được việc gì cả. Phải rất cụ thể, thấy được cái khó của người ta và mình chia sẻ với họ khó khăn ấy.

Ông Chủ tịch ngần ngừ, tính toán một lúc, rồi sau đó đồng ý giảm thêm 2,5% nữa. Tức là giảm được 7,5%.

mlt-mini-anh-chen.jpg
Tổng Cục trưởng Đặng Văn Thân (thứ hai từ trái sang) cùng ông Mai Liêm Trực (ngoài cùng bên trái) và Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Úc (ngoài cùng bên phải) ký kết Hợp đồng liên doanh sản xuất viba số giữa Tổng cục Bưu điện với Hãng AWA (Australia), đánh dấu bước số hoá hệ thống truyền dẫn của Việt Nam (năm 1989). Ảnh: Tư liệu

Tối đó, cậu Vỹ phiên dịch mừng quá, nói: “Chú Ba ơi chú Ba, anh Trực đã kèo thêm được 2,5%, là 350.000 đô la, chú Ba hãy chiêu đãi bữa phở đi”. Trước đó, suốt cả hai tuần ở Melbourne, chúng tôi toàn ăn mì ăn liền và bánh mì.

Chúng tôi xuống đường đi một đoạn, thấy có mấy người nói tiếng Việt liền hỏi đường, họ chỉ đường và nói giá 4 USD/bát phở. Nghe vậy, anh Ba Thân mới tần ngần một lát rồi bảo: “Thôi, Vỹ đi mua bánh mì về rồi anh em ăn!”. Sau đó, Vỹ đi mua bánh mì rồi và một con gà rán 1 USD về nữa. Về khách sạn, 3 thầy trò trải báo ra giường ngồi ăn, vẫn rất vui (cười).

mlt-mini-title-4-web-2.jpg

Một đàm phán mà ngành viễn thông có dấu ấn quan trọng là BTA với Mỹ. Viễn thông là một trong hai lĩnh vực nhạy cảm mà phía Mỹ yêu cầu chúng ta phải mở cửa (còn lại là ngân hàng), ông đã làm thế nào để thuyết phục lãnh đạo cấp cao của Nhà nước?

Đàm phán Hiệp định thương mại Việt Mỹ cũng từng rất căng thẳng. Một số người tỏ lập trường nhất quyết không cho liên danh với Mỹ làm viễn thông tại Việt Nam, lấy lý do an ninh quốc gia, không đồng ý mở cửa. Nếu cứ khăng khăng với lý do này, thì sao có Hiệp định thương mại Việt - Mỹ.

Đến phút chót, khi Bộ trưởng Vũ Khoan dẫn đầu đoàn Việt Nam sang Washington DC đàm phán phiên cuối cùng, thì phút chót vẫn vướng hai lĩnh vực, là viễn thông, và ngân hàng.

Khi đó, Nguyễn Thành Hưng (sau này là Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) đi trong đoàn đàm phán gọi điện thoại về cho tôi, nói: Anh Trực ơi, có khó khăn… Tôi cúp máy ngay lập tức, vì biết tất cả các cuộc gọi đều bị phía Mỹ giám sát, mà tôi biết bao giờ cũng có đường điện mật báo về. Sau đó chỉ nửa tiếng, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm điện xuống, nói: Trực lên ngay.

Đến nơi, tôi thấy anh Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ngồi chờ đó, vì ngân hàng và viễn thông là hai lĩnh vực nhạy cảm nhất. Tại đó, tôi cam kết có lộ trình, và nói thẳng là có những cái “khóa”, để có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài.

Tổng cục Bưu điện đã mở cửa cạnh tranh trong nước về kinh doanh dịch vụ Internet và đang mở cửa cho cạnh tranh về viễn thông giữa các doanh nghiệp Việt Nam trước khi mở cửa cạnh tranh với nước ngoài, để các doanh nghiệp Việt Nam cọ xát trong thị trường, giá cước giảm xuống, số lượng người sử dụng tăng nhanh. Để khi mở cửa, nước ngoài không thể thắng các doanh nghiệp Việt Nam.

mlt-mini-quote-7-web-2.jpg

Trước đó, họp Ban cán sự Đảng ở Tổng cục Bưu điện, cũng có ý kiến: “Như thế này là mất Chủ nghĩa Xã hội!”, tôi trả lời: “Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng!”. Khi báo cáo chiến lược phát triển của ngành bưu chính viễn thông, một vị lãnh đạo cấp rất cao xuống dự. Tôi dự kiến cũng có thể xảy ra ý kiến như vậy nên để ông Luận (ông Nguyễn Huy Luận, Phó tổng cục trưởng lúc bấy giờ) đọc báo cáo và tôi làm “cầu thủ dự bị”.

Đến đoạn ông Luận đọc về mở cửa, cạnh tranh, vị lãnh đạo đập bàn vung tay: “Thế này thì mất Chủ nghĩa Xã hội!”.

Lúc đó, tôi mới xin phát biểu: “Năm 1945, cả nước có 5.000 Đảng viên, vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc, mà cụ Hồ và Đảng ta vẫn vượt qua giai đoạn đó. Giờ chúng ta có 2 triệu Đảng viên, tại sao không tin vào Đảng, vào dân. Tại sao lại sợ?”. Vị lãnh đạo cấp cao có vẻ cũng bất ngờ với câu phát biểu đó nên lặng một lúc, chưa có ý kiến gì.

May quá, ông Luận cũng rất hay, thấy không ai nói gì nữa thì đứng dậy, đọc tiếp báo cáo. Vậy là xong, thoát nạn (cười lớn).

mlt-mini-anh-chen-2.jpg

Tôi dám nói câu đó cũng bởi vì mình không mưu cầu gì về chức tước cả, chứ không sẽ không dám nói ngược ý kiến của lãnh đạo. Khi mình thấy đúng, việc làm có lợi, mà lãnh đạo trực tiếp không ủng họ, thì tôi báo cáo với lãnh đạo cấp cao hơn hoặc lãnh đạo khác để làm bằng được thì thôi (cười).

Cảm ơn ông!

Bài: Thái Trang - Hoàng Ly

Ảnh: Việt Hùng - tư liệu

Thiết kế: Hải An


(0) Bình luận
Bí mật của TS Mai Liêm Trực trên bàn đàm phán quốc tế và chuyện gỡ nút thắt viễn thông ở Hiệp định Thương mại Việt Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO