Thông tin một công ty đăng tuyển lao công không quá 35 tuổi tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đang gây ra làn sóng tranh cãi dữ dội, lo ngại tình trạng phân biệt tuổi tác trong thị trường lao động đầy khó khăn. Xu hướng tuyển dụng ưu tiên người trẻ, thường được gọi là ‘lời nguyền tuổi 35’, khiến nhóm người trung niên đang tìm việc cảm thấy vô cùng sợ hãi, theo Sixth Tone.
Chia sẻ về thông tin chỉ tuyển lao công trong khoảng 35 tuổi, nhà tuyển dụng lý giải rằng yêu cầu độ tuổi xuất phát từ tính chất công việc nặng nhọc, bao gồm thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt bằng tay, cũng như làm ca đêm và sáng sớm. Tuy nhiên, sau 1 tuần gây tranh cãi, thông tin tuyển dụng đã được điều chỉnh, nâng giới hạn độ tuổi ứng tuyển lên “tuổi nghỉ hưu hợp pháp”.
Các hashtag như “Không ai mất khả năng làm việc ở tuổi 35” nhanh chóng trở thành xu hướng trên Weibo. Phần lớn đều đồng tình rằn, việc giới hạn độ tuổi càng khiến người lao động sau 35 tuổi gặp rất nhiều bất lợi.
“Một người ở tuổi 35 vẫn đang ở giai đoạn sung sức nhất, cả về thể chất, tinh thần lẫn kinh nghiệm. Tại sao độ tuổi này lại bị coi như một rào cản?”, một bình luận cho biết.
Cái gọi là ‘lời nguyền tuổi 35’ từ lâu đã gây khó khăn cho nhóm những người lao động thuộc các ngành nghề văn phòng. Cụm từ này phản ánh xu hướng chuộng lao động trẻ, khi nhiều nhà tuyển dụng cho rằng người trên 35 tuổi ít năng động, tốn kém hơn so với người mới ra trường và không sẵn sàng làm thêm giờ vì vướng bận gia đình.
Luật sư mảng lao động Yang Baoquan tại Bắc Kinh cho biết: “Có quan niệm cho rằng những người lao động lớn tuổi không theo kịp những phát triển công nghệ mới nhất. Họ không đủ sức theo kịp khối lượng công việc nặng nhọc”.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy yếu, nhóm này càng trở thành bộ phận dễ chịu tổn thương nhất. Hàng chục nghìn việc làm đã bị cắt giảm chỉ trong vài tháng, đặc biệt ở giới công nghệ. Một cuộc khảo sát của nền tảng tuyển dụng Lagou Zhaopin cho thấy 87% lập trình viên rất lo lắng về việc bị sa thải hoặc không thể tìm được công việc mới sau khi bước sang tuổi 35.
“Trong khoảng từ 20 đến 30, hầu hết mọi người đều tràn đầy năng lượng. Bạn sẵn sàng tiến về phía trước và hy sinh bản thân vì công ty hơn. Nhưng một khi bạn trở thành cha mẹ và cơ thể bắt đầu già đi, bạn làm thế nào để theo kịp lịch trình 996?”, một cựu giám đốc bán hàng tại Meituan cho biết.
“Bước sang tuổi 30, lo lắng về tuổi tác khi tìm việc gần như là điều không thể tránh khỏi”, Wen (39 tuổi), đến từ Đông Bắc Trung Quốc chia sẻ với Sixth Tone. Cô cho biết ở tuổi 34, dù có bằng cử nhân, cô vẫn bị từ chối khi ứng tuyển vị trí thu ngân tại một hiệu sách vì bị cho là “quá già”.
“Sau khi xem hồ sơ, nhà tuyển dụng chỉ hỏi tôi có trên 30 tuổi không và liệu tôi có đủ sức khỏe để đứng làm thu ngân cả ngày không”, cô nhớ lại.

Tình trạng phân biệt tuổi tác khiến nhiều lao động như Wen rơi vào thế bất lợi. Cạnh tranh với những ứng viên trẻ hơn, họ phải không ngừng trau dồi kỹ năng và sức khỏe để không trở thành lạc hậu.
“Nếu tuổi tác không phải rào cản, tôi chắc chắn sẽ chọn quay lại trường để nâng cao chuyên môn. Cái giá của việc lớn tuổi ngày càng đắt đỏ. Mỗi năm trong sự nghiệp đều trở nên đáng quý hơn bao giờ hết”, Wen chia sẻ.
Vào tháng 11 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã có động thái bước đầu trong việc giải quyết vấn đề này bằng cách nâng giới hạn độ tuổi tham gia kỳ thi công chức quốc gia từ 35 lên 40. Theo luật sư Liu Yuanye từ Công ty Luật Quảng Đông Shendong, xu hướng ‘lời nguyền tuổi 35’ đi ngược lại với nguyên tắc bình đẳng trong tuyển dụng.
“Tuổi tác không nên là thước đo duy nhất để đánh giá. Định kiến đối với lao động trung niên không chỉ hạn chế cơ hội việc làm mà còn gây lãng phí nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm”, ông Liu nhận định.
Không rõ hiện tượng “lời nguyền tuổi 35” bắt đầu như thế nào, nhưng một sự thật là nó vẫn đang diễn ra trong thị trường việc làm ở Trung Quốc. Theo thông tin của cơ quan giám sát chính sách dân số Trung Quốc, cạnh tranh việc làm ngày càng lớn là một trong những lý do khiến giới trẻ nước này trì hoãn kết hôn.
Lương, 38 tuổi, đã chuyển từ nhân viên hỗ trợ kỹ thuật sang huấn luyện viên cá nhân. Anh đã thất nghiệp hơn 3 năm vì đại dịch và sự trì trệ của tình hình kinh tế Trung Quốc. Tuổi tác cũng là một trong số các nguyên nhân.
“Mặc dù tôi trông khá trẻ, nhưng khi biết tuổi thì họ lại nhìn bằng đôi mắt khác, tôi bị liệt vào nhóm đang bị xã hội đào thải”, Lương chia sẻ.
Không thể trả tiền thuê nhà hàng tháng đắt đỏ, Lương chuyển về quê nhà Quảng Châu. Anh chưa kết hôn và 3 người anh em họ chạc tuổi anh cũng lâm vào tình trạng tương tự. Lương cho rằng chỉ những người có công việc ổn định, chẳng hạn như người làm việc Nhà nước và giáo viên mới có khả năng lập gia đình.
Theo: Sixth Tone, Business Insider