Nếu trong nhà bạn sở hữu một quả bóng đá, rất có thể quả bóng ấy có nguồn gốc từ Sialkot, một thành phố phía đông bắc Pakistan, gần biên giới Kashmir.
Hơn 2/3 số quả bóng đá trên thế giới được sản xuất từ 1.000 nhà máy trong khu vực, trong đó có cả quả bóng Al Rihla của Adidas – quả bóng chính thức của FIFA World Cup 2022 tại Qatar.
Tại Sialkot, khoảng 60.000 người làm việc trong ngành sản xuất bóng cho môn thể thao vua, tương đương khoảng 8% dân số thành phố. Họ thường làm việc nhiều giờ và thực hiện khâu từng mảnh của quả bóng bằng tay.
Công nhân bôi chất kết dính lên vải, tạo thành phần da tổng hợp của quả bóng đá. Với thành phần từ cotton, polyester và polyurethane, các nguyên liệu của da tổng hợp đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Vật liệu của Trung Quốc được sử dụng để làm những quả bóng giá rẻ, trong khi vật liệu từ Hàn Quốc được dùng cho những quả bóng chất lượng cao. Đối với những quả bóng dành cho giải Bundesliga của Đức hoặc các giải đấu châu Âu khác, các thành phần sẽ được nhập từ Nhật Bản.
Công nhân kiểm tra các tấm da bóng tại Anwar Khawaja Industries. Mỗi quả bóng cơ bản được ghép từ 20 hình lục giác và 12 hình ngũ giác, nối với nhau bằng 690 mũi khâu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quả bóng đá được ghép lại bằng keo nóng, một quá trình được gọi là liên kết nhiệt. Những quả bóng này vẫn có chất lượng cao và giá thành sản xuất rẻ hơn, nhưng chi phí vận chuyển chúng tốn kém hơn và không thể xì hơi hoặc sửa chữa như quả bóng khâu tay.
Quả bóng thành phẩm trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt để đáp ứng các tiêu chuẩn của FIFA. Tại đây, một quả bóng đang được kiểm tra độ tròn để đảm bảo độ tròn hoàn hảo, độ nảy và chuyển động thực. Người dân trên khắp thế giới mua khoảng 40 triệu quả bóng đá mỗi năm và doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng vọt trong thời gian diễn ra World Cup.
Theo Bloomberg