BĐS, Chứng khoán ra khỏi Top 10 công ty tăng trưởng tốt nhất Việt Nam, thay thế bởi Con cá heo, Con ong... của ngành logistics

Bảo An | 13:11 16/03/2023

Năm nay, hầu hết các tên tuổi lần này rất mới lạ và tập trung vào nhóm logistics, công ty chưa niêm yết. Khác với năm ngoái, Top 10 chủ yếu là các công ty đã niêm yết ở nhóm bất động sản và tài chính như Hưng Thịnh Land, Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai, Tập đoàn Sao Mai, Chứng khoán Tân Việt, Chứng khoán KB Việt Nam…

BĐS, Chứng khoán ra khỏi Top 10 công ty tăng trưởng tốt nhất Việt Nam, thay thế bởi Con cá heo, Con ong... của ngành logistics

CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2023, bao gồm, CTCP Tín Việt, CTCP Dịch vụ Hàng hải Hàng không Con cá heo, Chứng khoán VPS, CTCP Vantage Logistics, CTCP Giao nhận Vận tải Con ong….

So với bảng xếp hạng năm ngoái, hầu hết các tên tuổi lần này rất mới lạ và tập trung vào nhóm logistics, công ty chưa niêm yết. Khác với năm ngoái, Top 10 chủ yếu là các công ty đã niêm yết ở nhóm bất động sản và tài chính như Hưng Thịnh Land, Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai, Tập đoàn Sao Mai, Chứng khoán Tân Việt, Chứng khoán KB Việt Nam…

Cũng theo báo cáo, CAGR trung bình của Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2018-2021 đạt 24,6%, trong đó, khu vực tư nhân đạt 25,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,2% và khu vực Nhà nước đạt 17,7%. Có thể thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu kép của các doanh nghiệp FAST500 đã được cải thiện so với giai đoạn 2017-2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn trước đó.

Đáng chú ý, năm nay, khu vực tư nhân vươn lên dẫn đầu về CAGR và có mức tăng so với giai đoạn trước lớn nhất (+2,3%), phản ánh khả năng phục hồi và sức bật mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân – động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2023-03-16-luc-13.01.38.png

Về tình hình kinh doanh năm qua, 81,3% số doanh nghiệp cho biết vẫn giữ vững được đà tăng trưởng doanh thu trong năm 2022. Khoảng 70% số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng lên so với năm trước, đặc biệt, hơn một nửa trong số đó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 75%. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng lên của doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2022 đều thấp hơn so với giai đoạn 2020-2021.

Kết quả khảo sát còn cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận ổn định trong giai đoạn 2021-2022 cao hơn so với giai đoạn 2020-2021. So với kế hoạch đề ra, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 vượt kế hoạch đều thấp hơn so với năm 2021 trong khi tỷ lệ doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch lại cao hơn.

Theo chia sẻ của phần lớn lãnh đạo các doanh nghiệp, việc có thể duy trì hoạt động ổn định trong một năm với nhiều biến động như năm vừa qua đã là thành công. Hàng loạt thách thức liên tiếp xảy ra như xung đột Nga – Ukraine kéo theo đó là sự suy giảm của khu vực kinh tế châu Âu, việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero-Covid, cầu tiêu dùng toàn cầu và đầu tư suy yếu do các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và những thay đổi về chính sách thương mại của các đối tác nước ngoài…

Trong đó, theo khảo sát, chi phí đầu vào tăng được 84,4% doanh nghiệp ghi nhận là trở ngại lớn nhất phải đương đầu trong năm qua. Kế đến là Nhu cầu thị trường biến động (78,1%), Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới (71,9%), Gián đoạn chuỗi cung ứng (50,0%) và Khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân nhân sự (44,8%).

Nhìn chung, phần lớn các khó khăn đều có xu hướng gia tăng so với năm 2021, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại về Bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh tăng lên nhiều nhất (+39,3%). Ngược lại, mức độ tác động của đại dịch đã giảm đi đáng kể (-47,0%) khi các nền kinh tế trên thế giới dần mở cửa trở lại, kéo theo đó là thách thức liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng cũng được cải thiện (-3,5%).

anh-chup-man-hinh-2023-03-16-luc-13.03.25.png

Năm 2023, lo ngại về suy thoái toàn cầu sẽ diễn ra (93,9%) theo VNR là rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm tới. Cộng đồng doanh nghiệp vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch, cần tích lũy để phục hồi nhưng lại phải đương đầu với nhiều cú sốc như tình hình xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và EU, lạm phát tăng cao… Sự kết hợp cùng lúc của nhiều cú sốc đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Nhiều tổ chức dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc trong năm 2023.

Đơn cử, GDP thế giới năm nay được Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% mà WB công bố hồi tháng 6/2022. Trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro; lãi suất, tỷ giá đều phải điều chỉnh tăng. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn từ phát hành trái phiếu ảnh hưởng của khủng hoảng niềm tin… 69,7% số doanh nghiệp cho rằng giá cả chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, vật tư tăng cao,... là “chướng ngại vật” mà doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt trong năm nay.

Mặc dù có nhiều lo ngại, theo chia sẻ của các chuyên gia và doanh nghiệp, vẫn còn có cơ sở cho những kỳ vọng tích cực. Đặc biệt, vào nửa sau của năm 2023, triển vọng của nền kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn khi mối lo ngại lạm phát dần được giải tỏa và các ngân hàng trung ương đi đến chu kỳ cuối của chính sách thắt lưng buộc bụng.

Nhận diện về các cơ hội trong năm mới, 72,7% số doanh nghiệp kỳ vọng tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của công ty rõ ràng và nằm bắt được xu hướng thị trường sẽ là động lực lớn nhất đóng góp cho phát triển của doanh nghiệp trong năm 2023.

anh-chup-man-hinh-2023-03-16-luc-13.04.19.png

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
BĐS, Chứng khoán ra khỏi Top 10 công ty tăng trưởng tốt nhất Việt Nam, thay thế bởi Con cá heo, Con ong... của ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO