Bất ngờ với lí do làm "hồi sức" Vinasun

Minh Trang | 09:17 27/07/2022

Chiến lược hợp tác thương quyền được đẩy mạnh thay vì đầu tư, sở hữu xe như trước có vẻ đã phát huy tác dụng khi biên lợi nhuận gộp của Vinasun cải thiện rõ nét từ 2018 đến nay.

Sau 2 năm thua lỗ nặng nề, bước sang năm 2022, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Mã chứng khoán VNS) - doanh nghiệp taxi với thương hiệu Vinasun có thị phần lớn nhất miền Nam - đã báo lãi trở lại với mức lãi ròng 12,5 tỷ đồng trong quý 1/2022 và 56,4 tỷ đồng trong quý 2/2022.

Kỳ vọng chấm dứt lỗ trong năm 2022 giúp cổ đông Vinasun cất đi nỗi lo cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc. 

Đáng chú ý, mức lợi nhuận của quý 2/2022 là mức lợi nhuận theo quý cao nhất mà Vinasun đạt được kể từ quý 4/2016. Mặc dù doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tương đương một nửa của giai đoạn trước năm 2017 nhưng biên lợi nhuận gộp (tỷ lệ giữa giá vốn và doanh thu) tăng vọt lên mức 35% - cao gấp đôi giai đoạn trước năm 2017- là yếu tố đem lại mức lợi nhuận khả quan cho doanh nghiệp.

Lý do Vinasun có lãi trở lại

Việc có lãi trở lại cho thấy thực tế: Xe Vinasun được chạy là có lãi. Khi dịch Covid-19 đã được khống chế, các hoạt động kinh doanh, giao thương, vận chuyển phục hồi,  tài xế quay trở lại công ty và 100% xe được đưa vào hoạt động, không rơi vào tình cảnh “nằm không” trong bãi, Vinasun sẽ không lỗ.

Điều này được lý giải bởi mô hình kinh doanh taxi truyền thống. Doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải được chia theo (1) tỷ lệ nhất định giữa tài xế và công ty hoặc (2) theo hình thức khoán doanh thu cho tài xế.

Các doanh nghiệp taxi sở hữu đội xe có thể điều chỉnh tỷ lệ “ăn chia” với tài xế dựa trên các tính toán về chi phí khác, để hoàn toàn đảm bảo công ty vẫn có lãi. Với chi phí kinh doanh, chi phí khấu hao và chi phí nhân viên là 2 thành tố chiếm tỷ lệ cao nhất.

Đối với Vinasun, số liệu tính từ Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2018, 2019 cũng như 6 tháng đầu năm 2022, chi phí khấu hao chiếm 23-24% tổng chi phí và bằng 22% doanh thu. Còn chi phí nhân viên chiếm 40-43% tổng chi phí và bằng 41% doanh thu.

Riêng 2 năm “bất động” 2020-2021, tỷ trọng chi phí khấu hao tăng lên, chiếm lần lượt 30% và 37% tổng chi phí, bằng 38% và 57% doanh thu còn nhân viên giảm xuống tỷ lệ 39% và 34% tổng chi phí, nhưng vọt lên bằng 49% và 52% doanh thu.

Điều này phản ánh việc các xe phải nằm bãi không hoạt động, không đem lại doanh thu nhưng vẫn chịu chi phí khấu hao và doanh nghiệp vẫn phải trả một phần thu nhập cho nhân viên. Đó cũng là lý do khiến cho giá vốn cao vượt doanh thu trong 2 năm này và Vinasun bị lỗ.

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu - ở trạng thái bình thường - chiếm 19% chi phí kinh doanh của Vinasun, riêng năm 2020 và 2021 chỉ chiếm 15% và 12% khi giá xăng đi xuống và các chi phí khác lớn hơn. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp vận tải, chi phí nhiên liệu có thể chuyển sang cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá cước.

Vào cuối tháng 3/2022, trước việc giá xăng tăng liên tục, Vinasun đã thực hiện tăng giá cước xe taxi.

Trả lời báo chí, ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Vinasun cho hay, giá nhiên liệu cấu thành 35% giá cước. Vinasun tăng bình quân 1.000 đồng trên mỗi km, tương đương với tăng 6,6% là phù hợp với biến động giá xăng dầu.

Tại ĐHCĐ thường niên 2022, Chủ tịch công ty cũng tiết lộ, Vinasun đã tiến hành hỗ trợ tài xế từ 1 - 3% (tùy loại xe) trên tổng doanh thu để bù vào giá xăng, tăng mức phân chia phần vượt định mức lên đến 90%.

Trở lại quá khứ, câu chuyện “đi xuống” của Vinasun được nhìn thấy rõ ràng từ quý 4/2016 khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế liên tục giảm dù được “tài trợ” đáng kể từ lợi nhuận thanh lý xe cũ.

Đó là thời điểm bắt đầu giai đoạn mâu thuẫn lợi ích gay gắt giữa hãng taxi truyền thống Vinasun và “taxi công nghệ” Grab, Uber. Vinasun đã cho rằng Grab có những hành vi vi phạm pháp luật trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được nhận những ưu đãi lớn và bất bình đẳng so với taxi truyền thống, trực tiếp tạo ra  thiệt hại lớn đối với Vinasun, sau đó khởi kiện lên tòa án.

Vụ kiện diễn ra suốt 3 năm 2017–2020 và kết thúc với việc Vinasun thắng kiện nhưng hãng taxi truyền thống này vẫn không thể chiến thắng trên thương trường khi kết quả kinh doanh liên tục sụt giảm cùng với sự thu hẹp quy mô đội xe và đội ngũ tài xế.

Cùng lúc, 2 năm đại dịch COVID bùng nổ khiến cho hoạt động kinh doanh chính của Vinasun ngừng trệ khi chính sách giãn cách xã hội được thực thi.

Ở thời kỳ đỉnh cao (2015 – 2016), số lượng nhân sự Vinasun lên đến hơn 17.000 người và đội xe trên 6.000 chiếc. Cuối năm 2021, quy mô nhân sự của Vinasun còn 1.877 người, giảm 2.521 người, tương ứng giảm 57,3% so với đầu năm. Số xe còn 2.071 chiếc. Đến ngày 31/3/2022, số nhân sự tiếp tục giảm còn 1.764 người.

Đến cuối quý 2/2022, số lượng nhân viên nhóm công ty đã tăng lên 2.034 người. Đây là quý đầu tiên nhân sự Vinasun tăng trở lại sau 3 năm liên tiếp giảm tài xế. Kết quả kinh doanh của Vinasun cũng bắt đầu khởi sắc trở lại. 

Là hãng taxi hoạt động chủ yếu tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Vinasun vô tình được hưởng lợi thế so sánh so với các hãng xe công nghệ trong giai đoạn cuối năm 2021 khi tài xế xe công nghệ (và cả taxi truyền thống) đồng loạt nghỉ việc, dẫn tới việc thiếu xe.

Người dân thay vì thói quen gọi xe công nghệ như nhiều năm trước, đã bắt đầu tìm kiếm taxi truyền thống trở lại. Tại các khu chung cư Tp. Hồ Chí Minh có sảnh taxi, Vinasun luôn chiếm các vị trí đẹp đáp ứng nhu cầu có xe ngay của khách hàng. 

Khách hàng đã không hoàn toàn quay lưng với taxi truyền thống như Vinasun khi họ có thể gọi xe nhanh (thậm chí nhanh hơn taxi công nghệ), giá cước chấp nhận được, ứng dụng gọi xe vận hành ổn định.

Mô hình hợp tác thương quyền sẽ giúp Vinasun hồi sinh?

Sự phục hồi của Vinasun cũng đến từ những nỗ lực thay đổi mô hình kinh doanh của công ty này.

Năm 2017, khi bắt đầu cuộc chiến với taxi công nghệ, Vinasun đã chuyển dần sang mô hình “hợp tác kinh doanh thương quyền” để giảm áp lực vận hành. Theo đó, với phí thương quyền 11 triệu đồng/năm, ký quỹ 12 triệu đồng ban đầu, tài xế hợp tác với Vinasun nhận mức chiết khấu 15,5% doanh thu hàng ngày, được khai thác hệ thống tổng đài, điểm tiếp thị, sân bay và được hỗ trợ thủ tục đổi màu xe của họ.

Mặc dù có những ý kiến cho rằng việc hợp tác kinh doanh thương quyền đã khiến chất lượng dịch vụ của Vinasun đi xuống, nhưng có lẽ mô hình này đem lại những lợi ích về lợi nhuận cho Vinasun đủ để Ban điều hành công ty quyết định đẩy mạnh triển khai việc chuyển nhượng xe dưới hình thức trả chậm cho tài xế để kinh doanh taxi theo phương thức thương quyền.

Điều này thể hiện qua việc biên lợi nhuận gộp đã tăng dần từ năm 2018, 2019 - sau khi áp dụng mô hình. 6 tháng đầu năm 2022, biên lợi nhuận gộp của Vinasun tăng vọt lên mức 30% - cao gấp đôi giai đoạn trước năm 2017, mặc dù doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tương đương một nửa của giai đoạn trước năm 2017.

Bên cạnh đó, Công ty này đang tiếp tục hoàn thiện các tính năng của Vinasun App cùng hệ thống tổng đài, bổ sung chức năng chốt giá trên App giúp khách hàng biết trước số tiền phải trả cho lộ trình định sẵn. Công ty đã hoàn thiện dịch vụ thanh toán online trả trước (VNS Prepaid) thông qua việc liên kết với các ngân hàng và các ví điện tử lớn như MoMo, Payoo…

Nhìn chung, với kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022, sự hồi phục của Vinasun là điều nhìn thấy được. Nhưng để trở lại thời hoàng kim với mức doanh thu trên 4.000 tỷ đồng/năm thì Vinasun chắc chắn phải tăng đội xe. Họ có thể dùng chiến lược hợp tác thương quyền để thực hiện điều này thay vì đầu tư, sở hữu xe như trước. Và thị trường sẽ theo dõi “đội xe thương quyền” của Vinasun.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bất ngờ với lí do làm "hồi sức" Vinasun
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO