Bất ngờ với khoản thu hỗ trợ bồi hoàn hơn 447 tỷ đồng của Vietjet

Quỳnh Anh | 07:54 07/09/2022

Khoản hỗ trợ bồi hoàn hơn 447 tỷ đồng được hưởng từ một nhà cung cấp tàu bay dường như đã bị Vietjet “bỏ quên” trong báo cáo tài chính quý 2/2022 do công ty tự lập.

Bất ngờ với khoản thu hỗ trợ bồi hoàn hơn 447 tỷ đồng của Vietjet
Ảnh minh họa.

Báo cáo soát xét bán niên 2022 của Vietjet vừa được công bố có khá nhiều điểm khác biệt so với báo cáo công ty tự lập.

Đáng chú ý là khoản hỗ trợ bồi hoàn hơn 447 tỷ đồng, được ghi nhận như một khoản thu nhập khác. Trong khi báo cáo tự lập của Vietjet không ghi nhận khoản thu nhập này. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉp giải thích ngắn gọn đây là “khoản hỗ trợ bồi hoàn được hưởng từ một nhà cung cấp tàu bay”. Các quý trước Vietjet cũng chưa từng ghi nhận khoản thu nhập tương tự. 

Giao dịch của Vietjet với các hãng cung cấp tàu bay là đặt mua máy bay, sau đó bán cho bên thứ ba và thuê lại số lượng máy bay đó để hoạt động. Công ty hạch toán chi phí thuê máy bay từng kỳ kinh doanh, thay vì chi phí mua sắm tài sản cố định và khấu hao. 

Hoạt động này giúp công ty hạch toán khoản lợi nhuận hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm - đôi khi vượt quá cả lợi nhuận hoạt động chính là vận chuyển hành khách. 

Tuy không giải thích chi tiết về khoản thu gần 450 tỷ đồng, báo cáo thường niên 2021 của Vietjet có thông tin có thể liên quan đến khoản thu này.

Vietjet cho biết công ty đàm phán và thống nhất một số thỏa thuận chiến lược hỗ trợ lẫn nhau (với các nhà sản xuất máy bay là Airbus và Boeing) vượt qua đại dịch Covid-19. Số tiền nói trên có thể là khoản thu đầu tiên sau đàm phán. 

Đại diện Vietjet và Boeing ký kết thỏa thuận tại Farnborough International Airshow 2022. (Nguồn: Vietjet)

Lợi nhuận giảm 66% sau soát xét

Mặc dù hạch toán thêm khoản thu gần 450 tỷ đồng, lợi nhuận của Vietjet nửa đầu năm 2022 vẫn giảm 66% sau soát xét (so với báo cáo công ty tự lập).

Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietjet đã giảm gần 714 tỷ đồng, từ mức lãi 521 tỷ đồng xuống lỗ 192,4 tỷ đồng. 

Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là sự kiện hiếm hoi của Vietjet. Từ năm 2013 đến nay, chỉ có hai năm (2013 và 2020), công ty ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh. 

Nhờ khoản thu gần 450 tỷ đồng đã nói ở trên, lợi nhuận sau thuế của Vietjet đạt 145 tỷ đồng, giảm 66% so với báo cáo trước soát xét. 

Trong văn bản giải trình, hãng bay giá rẻ lý giải sự chênh lệch này là do một giao dịch thương mại tài chính hoãn ghi nhận sang kỳ sau.

Tuy vậy, so với cùng kỳ 2021, khi Việt Nam gần như phong tỏa hoàn toàn vì dịch bệnh, Vietjet đã có nửa năm kinh doanh với kết quả tích cực. Cụ thể, Vietjet ghi nhận doanh thu đạt hơn 15.900 tỷ đồng nửa đầu năm 2022, tăng 111%. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 145 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2021. 

Sau một năm đại dịch hoành hành khiến hoạt động hàng không trì trệ, nhu cầu di chuyển của hành khách trong, ngoài nước phục hồi mạnh mẽ và quyết định mở cửa du lịch đã mang lại lợi nhuận cho hãng bay này. 

Vietjet là hãng hàng không đầu tiên mở 17 đường bay kết nối các thành phố lớn giữa Việt Nam và Ấn Độ - đất nước đông dân thứ hai thế giới. 

Vietjet mở hàng loạt đường bay thẳng tới các thành phố lớn của Ấn Độ. (Nguồn ảnh: Zing News)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Bất ngờ với khoản thu hỗ trợ bồi hoàn hơn 447 tỷ đồng của Vietjet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO