Đây là lần thứ 2 GMAP tổ chức tại châu Á và lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam, nơi đang được công nhận là một trong những quốc gia hứa hẹn và hấp dẫn nhất trên thế giới với ưu thế dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh.
Ông Sam Yoshida, Giám đốc điều hành RECOF Việt Nam cho hay, GMAP gồm 30 công ty M&A từ 50 quốc gia/khu vực trên khắp châu Mỹ, châu Á và châu Âu. Ngoài những thành viên tham gia trực tiếp, hội nghị cũng được kết nối trực tuyến với hơn 400 người trên toàn thế giới.
Theo chuyên gia Nhật Bản, từ sau dịch đến nay, khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế trong các thương vụ M&A không thay đổi quá lớn như mảng tiêu dùng nhanh, bán lẻ, sản xuất và chế biến thực phẩm, logistics, dịch vụ tài chính...
Đáng nói, đại dịch đang thúc đẩy mảng logistics trở thành mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư, trong đó có chuỗi cung ứng kho lạnh.
Theo các chuyên gia, dòng vốn từ châu Âu và Mỹ đang quan tâm đến các thương vụ M&A ngoài khu vực. Khó khăn kinh tế, lạm phát ở châu Âu buộc các nhà đầu tư phải khẩn trương tìm kiếm thị trường bên ngoài, bảo toàn tài sản. Với ưu thế dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình đang tăng nhanh, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn với các nhà đầu tư trên thế giới.
Mới đây, có hai nhà đầu tư tại Thụy Sĩ muốn chuyển cơ sở hiện tại ở Trung Quốc sang Việt Nam. Họ cũng khảo sát và nhận thấy chất lượng hạ tầng, nhân sự ở Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí cần thiết. Xu hướng nhà đầu tư muốn tìm kiếm các nhà máy để M&A ở Việt Nam là rất rõ.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp châu Âu có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đang muốn dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút nhiều đầu tư từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Trung Quốc… Các khoản đầu tư từ khu vực châu Âu và Mỹ còn khiêm tốn.
Theo đại diện RECOF Việt Nam, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ vẫn sôi động dù kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm vì các nhà đầu tư theo đuổi các giao dịch nhằm thâm nhập thị trường, hoặc để củng cố và mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Theo tổ chức FiinGroup, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị thị trường M&A tại Việt Nam đạt khoảng gần 2,7 tỉ USD, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giao dịch thành công cũng giảm gần một nửa cùng kỳ.