Ngân hàng vẫn là lựa chọn
Từ sau khi Covid-19 được kiểm soát đến nay, các kênh đầu tư trước đây được người dân lựa chọn ngày càng ảm đạm, như đất nền giảm giá, chung cư không có nguồn cung, trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn hoài nghi, chứng khoán trồi sụt thất thường và vàng không còn là “gà đẻ trứng vàng”.
Là một nhà đầu tư chứng khoán, ông Nguyễn Văn Tài (Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở, hiện nay đang là giai đoạn khó nhất khi đầu tư chứng khoán, vì thị trường luôn trong trạng thái “đánh úp”, bất ngờ giảm điểm hoặc bất ngờ tăng điểm không phụ thuộc vào các thông tin kinh tế tích cực trong nước. Đầu tư chứng khoán không khác gì "đánh một canh bạc", bởi ông đã thua lỗ từ tháng 11/2022 lên đến 70%, nay vẫn chưa hồi phục lấy lại được kết quả cũ.
“Chứng khoán là một kênh đầu tư khá tốt, nhưng 1 năm trở lại đây là rất khó đánh giá, phân tích để đưa ra quyết định. Tiền thua lỗ từ năm ngoái đến giờ vẫn chưa thể hồi phục lại, nên tôi đã tạm dừng để dành tiền gửi ngân hàng”, ông Tài nói.
Bà Vũ Thùy Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, trước đây bà cũng đầu tư chứng khoán, mua vàng tích trữ, nhưng nay đầu tư các kênh này đều rất khó và dễ mất tiền. Đơn cử như từ năm 2022 đến nay, tài khoản chứng khoán của bà vẫn trong trạng thái đỏ rực, vẫn chưa nhìn thấy hồi lại. Còn vàng SJC mua lúc 7,3 triệu đồng/chỉ, có những lúc xuống còn 6,6 triệu đồng/chỉ. Đối với bà Linh, phương châm hiện nay phải “ăn chắc mặc bền”, lãi suất ngân hàng thấp vẫn sẽ gửi vào.
Theo quan sát của MarketTimes, lãi suất huy động tại các ngân hàng có vốn của nhà nước cao nhất ở 5,3% cho kỳ hạn gửi từ 12 tháng trở lên. Còn các ngân hàng tư nhân có nhỉnh hơn chút, nhưng vẫn ở mức thấp như trước đại dịch Covid.
Tín dụng tăng trưởng thấp
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổ chức kinh tế cũng gửi tiền vào ngân hàng nhiều bất ngờ.
Trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng khoảng 43.723 tỷ đồng. Mức tăng này cải thiện đáng kể so với mức 6.700 tỷ đồng tháng 7 liền trước hay mức 35.300 tỷ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5.
Tuy nhiên, giai đoạn 4 tháng đầu năm, mức tăng bình quân về lượng tiền gửi thêm vào ngân hàng lên đến trên 110.000 tỷ mỗi tháng.
Lãi suất tiết kiệm tính đến cuối tháng 8 đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm, không nhiều ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất 7%/năm cho khoản tiền gửi 12 tháng. Đà giảm lãi suất kéo dài từ tháng 4 khiến lãi suất hiện đã xuống đáy, thậm chí thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19.
Không ít chuyên gia cho rằng có thể sắp có một đợt hạ lãi suất tiền gửi, điều này khiến xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư khác như giai đoạn dịch Covid-19 có thể lặp lại.
Tính chung 8 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,43 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 9,68% so với đầu năm, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng cải thiện đáng kể khi có thêm 103.501 tỷ đồng trong một tháng. Tháng 7 liền trước, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với tháng 6.
Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức ở mức 6,013 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1% so với cuối năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, hiện nay Ngân hàng đang “tồn kho” tiền gửi. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Trong khi đó, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa lớn. Điều này thể hiện qua 2 chỉ tiêu. Một là, số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN vượt xa mức dự trữ bắt buộc và diễn biến này đã kéo dài từ tháng 2 đến nay. Hai là, lãi suất liên ngân hàng giảm rất mạnh, hiện lãi suất qua đêm chỉ còn khoảng 0,7-1,2%/năm”.
Mới đây, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; Tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản…
Điều này được các chuyên gia kỳ vọng sẽ phần nào giải quyết được tình trạng còn dư thừa tiền tại các ngân hàng.