Shark Việt tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Việt (SN 1963), quê tại tỉnh Hà Tĩnh. Ông có 30 năm kinh nghiệm trên thương trường. Hiện tại, ông đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom Group) Việt Nam.
Là một trong những “cá mập” nặng đô của chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ (Shark Tank Việt Nam) – Shark Nguyễn Thanh Việt muốn nối dài những giấc mơ khởi nghiệp . Chính vì thế, xuyên suốt chương trình, Shark Việt luôn đưa ra những điều hữu ích giúp các start-up trẻ nhìn ra vấn đề cần khắc phục trong chiến lược kinh doanh của mình.
Không chỉ trong phạm vi Shark Tank, vị Chủ tịch của Intracom Group cũng thường xuyên chia sẻ những lời khuyên xương máu tại các buổi toạ đàm, hội thảo hay trên trang cá nhân Facebook của mình.
Trong một khoá tu mùa hè luận bàn về con đường đi đến thành công, Shark Việt đã có đôi lời gửi tới các start-up:
“Phải nghĩ đến thất bại bởi mình qua sông bằng đò thì phải nghĩ xem lúc quay lại, mình đi bằng gì? Đã kinh doanh phải nghĩ nếu mình thất bại sẽ ảnh hưởng đến ai? Nếu bạn không nghĩ tới thất bại, bạn đang ích kỷ, chỉ nghĩ đến việc kinh doanh của bản thân, chứ không nghĩ đến người khác.
Tôi đang ngồi ở đây, ngồi trước mặt các bạn hay ngồi ở đâu nữa, một người có chỗ ngồi thì rất có thể nhiều người khác không có chỗ. Vì thế, nếu chúng ta thất bại thì nhiều người sẽ chịu khổ cùng. Nên hãy nghĩ tới việc nhiều người, đừng nghĩ về mình vội. Và vì nghĩ đến nhiều người, hãy nghĩ tới thất bại”.
Shark Việt cho rằng với thất bại khi khởi nghiệp, một mình chịu không sao nhưng còn ảnh hưởng đến nhiều người khác. Chúng ta làm những việc liên quan đến nhiều người nên không thể nói chúng ta sống trong cuộc sống này chỉ có một mình với đời. Chúng ta có bố mẹ, anh chị em, bạn bè, những người xung quanh,…
“Hãy nghĩ đến thất bại trước. Bạn nghĩ tới thất bại mà sau này thành công thì không sao. Bạn nghĩ tới thất bại mà sau này thất bại thì bạn sẽ biết cách khắc phúc ngay từ đầu”, Shark Việt nhấn mạnh.
Có thể nhận thấy, vị “cá mập” có tấm lòng nhân ái, bao dung vô cùng. Ông luôn nghĩ tới người khác trước khi nghĩ đến bản thân. Chính vì thế, bất cứ khi làm một việc nào đó, ông quan tâm đến thất bại không phải vì bản thân lo sợ mà vì không muốn ảnh hưởng xấu đến bất cứ ai xung quanh.
Trong một lần chia sẻ khác, Shark Việt cũng đề cao lòng nhân ái của mình: “Tiền không phải tất cả của doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh mới là quan trọng”.
Vì sao khởi nghiệp phải quan tâm đến người khác?
Theo lời Shark Việt, start-up không chỉ là việc của riêng bạn, nếu bạn đang nghĩ vậy thì bạn là người sống ích kỷ. Khi bạn khởi nghiệp sẽ có vô số người xung quanh cùng chịu ảnh hưởng về tinh thần lẫn tài chính, đó là bố mẹ, bạn bè, người thân, nhân viên,… Chính vì thế, bạn phải biết suy nghĩ cho cả người khác.
Trên thực tế, quan tâm đến người khác cũng là một biểu hiện của đạo đức. Khi một người chỉ chú ý đến suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, tầm nhìn của họ sẽ bị thu hẹp và dễ dùng tâm lý đối đầu để giải quyết những xung đột giữa người với người.
Với những người biết quan tâm đến người khác, khi gặp vấn đề, họ có thể nhìn nhận sự việc từ góc độ của chính bản thân và của những người khác. Họ sẽ cố gắng trung hoà lợi ích của 2 bên.
Những người biết quan tâm, biết nghĩ cho người khác là biểu hiện của sống có trách nhiệm. Trong cuộc sống mỗi người, không ai luôn gặp may mắn và cũng không ai luôn chịu xui xẻo. Chúng ta đều phải đối mặt với những bước lùi, thất bại và những tai nạn bất ngờ.
Nghịch cảnh là bài kiểm tra cho tất cả mọi người. Đối mặt với nghịch cảnh, sức chịu đựng của một người mạnh mẽ đến mức nào cũng là một yếu tố quan trọng quyết định thành bại trong cuộc sống của người đó.
Người có sức chịu đựng yếu sẽ có thói quen rút lui, né tránh sau khi gặp chuyện. Ngược lại, những người dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau mỗi biến cố.
Vì vậy, trong quá trình khởi nghiệp, dù khó khăn, dù gặp nhiều thách thức tới đâu, họ cũng luôn nỗ lực hết mình, không bỏ cuộc vì sau lưng họ còn gia đình thân yêu.